Giai đoạn này ở Việt Nam, cùng với sự ổn định dần của đời sống xã hội trong bối cảnh Covid 19, những triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật đã bừng nở ở nhiều sân chơi khác nhau tại các thành phố lớn. Một trong số đó, là triển lãm ra mắt của sáu hoạ sĩ trẻ với tên gọi “Tháng Chạp” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Các họa sĩ trong buổi khai mạc triển lãm. |
Cuộc gặp của 6 hoạ sĩ trẻ với chất liệu nghệ thuật khác nhau, phong cách khác nhau, nhưng họ đều gặp nhau ở tình yêu cái đẹp tự nhiên, ở những gì gần gũi với tâm hồn.
Công chúng yêu nghệ thuật hẳn đã quen thuộc với nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, người đã viết tới 10 cuốn sách về Hà Nội. Trong triển lãm lần này, lần đầu tiên Nguyễn Trương Quý thử sức với một phong cách mới, qua hội họa biểu hiện, đi vào chiều sâu trong tâm tưởng con người: “Tôi cũng muốn thử một ý tưởng mới, là những cuộc đối thoại giữa con người với những mảnh vỡ của quá khứ, những di sản mà thông qua biểu tượng là những bức tượng điêu khắc Hy Lạp văn hoá cổ đại mà đến nay chỉ còn là những mảnh vỡ, rồi có những phần trống, phần mất đi, khiến chúng ta phải tưởng tượng thêm, bồi đắp vào đấy, giống như là khoảng trống giữa các dòng thơ, hay khoảng lặng giữa những nốt nhạc. Những khoảng trống ấy lung linh hay được toả sáng bởi mức độ đi xa của trí tưởng tượng chúng ta đến đâu.” - Anh nói.
Khuôn mặt (Nguyễn Trương Quý - Sơn dầu, 80x120) |
Những bức tranh Nguyễn Trương Quý mang tới triển lãm Tháng Chạp đầy chất suy tưởng, chất tự sự. Hoạ sỹ Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Tranh không đơn thuần là sự ghi chép lại hiện thực, nó là sự hình dung, là góc nhìn của mình đối với thế giới. Tôi cũng muốn có chất suy tưởng trong bức tranh của mình. Những bức tranh lần này của tôi có màu sắc đậm, mạnh và gợi nên màu sắc của không gian cổ điển, không gian xưa hay những bảo tàng mà tôi đi qua. Nó là bức phông nền cho những tâm trạng suy tư của con người.”
Một góc triển lãm. |
Bên cạnh Nguyễn Trương Quý với những suy tư về sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, chúng ta lại gặp Nguyễn Ngọc Phương tìm cái đẹp từ những bông hoa ven đường, hay những bông quỳnh nở về đêm. Là một kiến trúc sư nhưng Phương không câu nệ vào những đường nét kiến trúc chính xác, mà bị cuốn hút bởi chính sự uyển chuyển của tự nhiên.
Còn với chiến sĩ Nguyễn Quý Dương, những bức tranh của anh trong triển lãm này, về phố, về cầu, về biển, đều ghi lại những khoảnh khắc anh đã trải qua. Ba năm đóng quân ngoài đảo Trường Sa đã nuôi dưỡng trong anh một tình yêu với biển. Tình yêu ấy thấm đẫm và tràn đầy đến nỗi ở bất cứ đâu anh cũng có thể hình dung ra sắc xanh trong vắt của biển, hình dung ra từng bờ cát, từng cơn sóng vỗ: “Biển ở ngoài Trường Sa rất trong xanh, ánh sáng rất trong. Khi tôi vẽ biển, tôi hình dung ra màu sắc thời gian tôi cảm nhận được ngoài đấy. Tôi yêu biển. Tôi muốn cho người xem biết là biển của Việt Nam mình đẹp như thế nào, muốn ghi lại để người ta biết quý giá, biết trân trọng từng mảnh đất thiêng liêng, từng vùng đất của mình, để giữ gìn được nó.”
Quang cảnh triển lãm - Ảnh: Fb Art Thai Pham |
Tại Tháng Chạp, chúng ta sẽ còn bắt gặp Lương Hiện, với các tác phẩm tranh lụa, thể hiện những khao khát đầy nữ tính nhưng cũng táo bạo của người con gái. Hoạ sĩ cho biết, các tác phẩm nude của mình chính là một cách để tôn vinh và ghi lại nét đẹp của những người thiếu nữ với vẻ đẹp như hoa, cùng thân hình mềm mại, uyển chuyển như lụa.
Bên cạnh sự dịu dàng, nữ tính của Lương Hiện, người xem còn được thấy chất bụi bặm và khoẻ khoắn trong tranh Nguyễn Bá Kiên, tuy nhiên còn cần thêm nhiều nội lực trên hành trình sáng tạo nghệ thuật rất dài phía trước.
Một mảnh ghép nữa của Tháng Chạp, không thể không kể đến Thái Phạm, người đã bắt được những khoảng lắng giữa khung cảnh luôn biến động, gấp gáp của ngày hôm nay. Chọn cho mình một góc nhìn tươi vui, tranh của Thái Phạm mang đến cho người xem cảm giác tràn đầy năng lượng.
Khán giả xem tranh
|
Ông Nguyễn Ngọc Bình, khách tham dự triển lãm Tháng Chạp, cho biết: “Trong 6 hoạ sỹ này, cũng có nhiều người nghề khác nhau, có kiến trúc sư, có cả nhà văn, có những người đã từng đi chiến đấu hải đảo, nên có những cái khác nhau về phong cách, suy nghĩ. Ví dụ như Quý Dương đã từng là chiến sĩ hải đảo, vẽ những bức tranh về biển rất đẹp, rất sống động.
Hay có kiến trúc sư đã vẽ những nét hơi khác nhưng rất độc đáo. Anh Phương vẽ bằng màu nước cũng rất hay.
Nữ hoạ sĩ vẽ những tranh nude rất mềm mại. Với tài năng của họ, có những bức tranh rất trẻ trung.”
Nói về một cảm hứng xuyên suốt, một tiếng nói chung của các tác phẩm trong triển lãm lần này, hoạ sỹ Nguyễn Trương Quý cho biết: “Mỗi người một phong cách và chất liệu khác nhau. Sự kết nối là cái nhìn vào thiên nhiên, cái nhìn vào tạo hoá, cái nhìn vào vẻ đẹp của tạo tác do con người làm nên. Các cảnh thiên nhiên đẹp vì có con người trong đó, sinh động vì con người cũng như các câu chuyện tồn tại trong đấy. Có lẽ về mặt tinh thần chung thì có gì đấy ấm áp, lạc quan đầy năng lượng, kết nối lại như một sợi dây vô hình vậy.”
Một góc triển lãm.
|
“Tháng Chạp là thời gian nhìn lại một năm nhiều biến động và mong chờ một năm mới nhiều hy vọng”. Trong không khí se lạnh của những ngày đầu đông Hà Nội, cuộc gặp gỡ của 6 họa sĩ với 53 tác phẩm trưng bày trong triển lãm Tháng Chạp mới là sự ra mắt, là bước khởi đầu của một nhóm họa sĩ, nhưng mang tới niềm hi vọng rắng, vượt qua khó khăn, trong năm mới, sẽ có những niềm vui nghệ thuật mới.
Như họa sĩ Nguyễn Trương Quý chia sẻ “Chúng tôi gặp nhau rất tình cờ, không hẹn trước. Tháng Chạp là tháng cuối năm với những thời điểm kết thúc của một thời gian nhìn lại, sự hội tụ, cảm giác sum vầy, đoàn viên, cũng muốn hướng tới một năm mới nhiều may mắn hơn, nhiều thành công hơn sau một năm có nhiều biến động, vất vả cho cả nhân loại.”