Những huyền thoại tuổi thanh xuân

(VOV5) -  Khi chưa hiểu thế nào là mất mát, là sự sống kề cái chết, là nỗi đau tê dại tinh thần và thể xác, thì sẽ chưa thấm thía giá trị của hòa bình.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Với gần 200 trang in, tiểu thuyết “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của nhà văn Đoàn Tuấn (NXB Văn học, 2023) kể lại hành trình của một du học sinh trẻ tìm kiếm tung tích 6 chiến sỹ Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ Moskva mùa đông năm 1941. Họ như 6 hạt bụi trong lịch sử rộng lớn. Làm thế nào để tìm được 6 hạt bụi ấy, giữa bãi bể nương dâu?

Nhưng “Mỗi người hy sinh đều là một con người cụ thể. Một mất mát cụ thể. Một đau thương cụ thể. Tuy cụ thể nhưng lại gắn với số phận dân tộc, với vận mệnh đất nước” – Đó là lý do để nhà văn Đoàn Tuấn chắp bút viết nên cuốn sách này.

Những huyền thoại tuổi thanh xuân - ảnh 1

Sáu chiến sỹ Việt Nam tham gia trận đánh bảo vệ Thủ đô Moskva năm đó là Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tạo, Lý Phú San, Lý Văn Minh. Đây là các bí danh mà họ sử dụng trong thời gian ở Liên Xô. Tên tuổi, quê quán của họ đã được lưu lại cùng lịch sử, được nhà nước Xô viết tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất.

Tuy nhiên, ngoài những thông tin về bí danh, tên tuổi, quê quán thì không còn thông tin nào khác. Họ đến nước Nga nhận nhiệm vụ cụ thể gì, đã tình nguyện chiến đấu ra sao, ngã xuống như thế nào, khoảnh khắc cuối cùng ai ở bên họ… đều không ai biết.

Bắt đầu từ một lời hứa, sau một năm tìm kiếm, tưởng “mò kim đáy bể”, qua nhiều đầu mối khác nhau, người thanh niên trẻ hình dung và tái hiện được phần nào hành trình của 6 chiến sỹ. Có thể họ là những sinh viên đã theo học trong hệ thống trường Đảng ở Moskva. Khi chiến tranh vệ quốc nổ ra, họ xung phong vào Lữ đoàn Ombson, được biên chế về trung đoàn tình nguyện quốc tế. Sáng ngày 7 tháng 11 năm 1941, trong trang phục duyệt binh của Hồng quân Liên Xô, họ trang nghiêm, đĩnh đạc bước đi trên quảng trường Đỏ. Sau cuộc duyệt binh này, họ trở về đơn vị, đi thẳng ra chiến trường, đối mặt với kẻ thù.

Nhà văn Đoàn Tuấn cho biết: anh đã dành 5 năm để ấp ủ, kiếm tìm tư liệu cho tiểu thuyết Huyền thoại tuổi thanh xuân. 6 người lính, 6 câu chuyện. Người lính trinh sát Vương Thúc Tỉnh được hai mẹ con người phụ nữ Nga cứu sống, nhưng khi về nước nhận nhiệm vụ mới (năm 1942), dừng chân ở Quảng Châu, anh lọt vào mắt bọn Hán gian và mật thám Nhật. Bị giải ra pháp trường, giây phút cuối anh vẫn bình thản nhìn lên bầu trời cao rộng, thu trọn thiên nhiên vào tầm mắt.

Thuộc biên chế đại đội trượt tuyết, người lính Lý Thúc Chất hy sinh trong trận đánh đêm 21 tháng 11 năm 1941 tại làng Khludnevo. Chỉ với súng trường và lựu đạn, anh và đồng đội đã kiên cường chống lại kẻ thù đông và mạnh gấp nhiều lần. “Tôi gục xuống. Và tôi cảm thấy cả thân hình như bị cuốn vào một đường hầm với tốc độ rất cao. Tôi văng đi rất xa. Bỗng cuối đường hầm đó có một tia sáng chói lòa. Tôi cảm thấy mình bay lên theo chùm tia sáng ấy”.

Người lính Lý Thúc Chất đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không một phút chần chừ, do dự, tiếc nuối. Người lính Lý Nam Thanh cũng chết vì đạn của kẻ địch, trong trận chiến gần làng Pitrischevo. “Tôi là một người Việt Nam. Tôi cần sống đàng hoàng cho ra phẩm cách người Việt Nam. Tôi cần chiến đấu cho đúng tinh thần người Việt Nam”.

Cũng trong trận chiến gần làng Pitrischevo, người lính Lý Anh Tạo đã ngã xuống. Giây phút cuối, khi biết rằng không thể xoay trở được tình thế, anh rút chốt lựu đạn và áp nó vào ngực. Thân xác anh tan nát. Máu anh hòa trong tuyết. Anh chết khi lá thư cuối cùng chưa đến được với người con gái anh yêu: “Rừng Nga ơi! Đất Nga ơi!/ Khi tôi chết, hãy ôm tôi vào lòng/ Đất  ấm áp và rừng thoáng đãng/ Những hàng cây hiền hậu tiễn đưa tôi…”.

Cái chết của liệt sỹ Lý Văn Minh cũng đầy ám ảnh: chết vì rét. Đơn vị anh tham chiến ở cánh đồng Bogorodinskoye – Chảo lửa Viazma. Sau trận đánh khốc liệt, anh tỉnh dậy giữa mênh mông tuyết và ngổn ngang xác chết. Đói và rét. Đặc biệt là rét. Tưởng như máu đã đông đặc lại. Anh chìm vào giấc ngủ kéo dài vô tận”. “Tôi là một người lính rất bình thường. Một chiếc lá rơi. Một hạt mưa nhỏ. Một bông tuyết mảnh tan giữa không trung. Và tôi tham dự một cuộc chiến ở một nơi rất xa quê hương”

***

Chạm vào lịch sử là chạm vào tầng tầng sự kiện, ký ức chưa thể giải mã hoặc chưa giải mã thấu đáo. Với “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, Đoàn Tuấn lấy thể loại tiểu thuyết như một lớp áo ngoài để anh yên tâm thực hiện hành trình ngược chuyến tàu về quá khứ. Trên chuyến tàu đó, anh phát hiện thêm dấu chân tiền nhân Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc – hai người Việt Nam đầu tiên quan tâm đến Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917. Nếu  như Phan Bội Châu chưa thể đặt chân đến nước Nga thì Nguyễn Ái Quốc đã đến, năm 1923, đúng vào thời điểm Lenin đang ốm nặng và qua đời sau đó. Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Moskva đã tạo tiền đề vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng trong nước, góp phần đào tạo nên thế hệ những người cộng sản trẻ trung, uyên bác, như Lê Hồng Phong, Trần Văn Giàu. Nguyễn Ái Quốc là một “đóa sen phương Đông” giữa trời Âu. Nhà báo Osip Mandeldstam, phóng viên tạp chí Ngọn lửa nhỏ đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”…

Những huyền thoại tuổi thanh xuân - ảnh 2Nhà văn Đoàn Tuấn - Ảnh: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh

“Huyền thoại tuổi thanh xuân” được viết với giọng văn đặc trưng của Đoàn Tuấn. Những câu văn ngắn, chắc và sắc. Nhịp văn nhanh, khi gấp gáp dồn dập, lúc như nghẹn lại, lúc dở dang, lúc cứa vào đau xót tâm can. Để tái hiện phần nào chân dung bên ngoài của 6 hạt bụi lịch sử, tính cách và thói quen của họ, những khoảnh khắc cuộc đời họ, đặc biệt ở khoảnh khắc cuối cùng – đó quả là công việc không đơn giản. Vì họ là những nhân vật có thật, là một phần của lịch sử gia đình dòng tộc quê hương, một phần của lịch sử chiến tranh vệ quốc Liên Xô – đất nước từng là anh cả đỏ, chỗ dựa của các dân tộc bé nhỏ trên thế giới, nay cũng đã trải qua bao thăng trầm thử thách. Theo câu chuyện của 6 chiến sỹ, lại gợi dẫn ra bao câu chuyện khác, liên quan đến buổi đầu trứng nước của cách mạng nước nhà. Vượt lên giới hạn, ngăn cách giữa các châu lục về địa lý - văn hóa - hệ tư tưởng, những người cộng sản Việt Nam đã tận hiến cuộc đời cho chính nghĩa, cho những giá trị nhân văn.

Lặng lẽ gom nhặt tư liệu, sắp xếp ký ức để cho ra đời từng cuốn sách kể về thời quá khứ, đặc biệt kể về cái chết của những người lính trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đó vừa là trách nhiệm mà nhà văn Đoàn Tuấn tự thân mang vác nhiều năm nay, vừa để ông bày tỏ một thái độ, một quan điểm giữa bề bộn cuộc sống, khi rất nhiều người đã lãng quên quá khứ, thậm chí ngoảnh mặt vào quá khứ, phủ nhận quá khứ bằng những giọng điệu đầy tính dẫn dắt dư luận, thao túng tâm lý. Lịch sử không có chữ “nếu”. Với người còn sống trở về, họ phải biết ơn người đã ngã xuống. Đặc biệt những người không can dự vào chiến tranh, chưa từng biết đến chiến tranh, thì họ chưa đủ trải nghiệm để phán xét quá khứ. Khi chưa hiểu thế nào là mất mát, là sự sống kề cái chết, là nỗi đau tê dại tinh thần và thể xác, thì sẽ chưa thấm thía giá trị của hòa bình. Khi quen với chăn ấm đệm êm, với xe sang nhà đẹp, làm sao hiểu được nỗi ám ảnh, dư chấn của người lính vừa băng qua một sa mạc đầy xác chết.

Vậy nên, Đoàn Tuấn sẽ còn tiếp tục viết về đồng đội, viết về người lính, về  những cái chết không giống nhau, nhưng tất thảy đều khiến lòng người còn sống không thể nguôi quên. Đoàn Tuấn viết, như một cách cầu siêu cho những linh hồn, để bên này hay bên kia thế giới, tất thảy đều được đón nhận năng lượng bình an.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác