(VOV5) - ”Không dễ dàng gì trong ống kính của một nhà nhiếp ảnh ghi lại được những gương mặt của những nghệ sĩ sáng giá một thời."
“Những người muôn năm cũ” là tên triển lãm và cũng là cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Hà Tường mới ra mắt gần đây. Ở tuổi ngoài 80, lần đầu tiên nhiếp ảnh gia Hà Tường tổ chức triển lãm công bố những bức ảnh ông đã dày công chụp thế hệ các học giả, văn nghệ sĩ từ năm 1975-1995.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiếp ảnh gia Hà Tường bên chân dung ông chụp nhà thơ Vũ Đình Liên |
“Khi nhìn thấy mình từ trong quá khứ có rất nhiều xúc động. Quan trọng nhất là mình thủa ấy còn trẻ còn tất cả những người ngưỡng vọng của mình thủa ấy bây giờ họ trở thành người thiên cổ hết rồi…” - Nhà phê bình sân khấu Ngô Thảo
Một số người đến sự triển lãm ảnh đều bắt gặp hình ảnh của chính mình hay những người thân thiết trong quãng đời tuổi trẻ của họ.
Có người xem thấy vui lắm bởi sao trong hoàn cảnh khó khăn của văn nghệ sĩ thời bấy giờ lại có bầu không khí dễ chịu đến vậy, có người lại ngậm ngùi, xót xa bởi hầu hết những gương mặt ấy đều đã lùi xa khỏi cuộc đời này.
Những bức ảnh của Hà Tường như một vùng quá khứ sống động về thế hệ các học giả, văn nghệ sĩ một thời.
Nhà phê bình sân khấu Ngô Thảo nói thêm: ”Không dễ dàng gì trong ống kính của một nhà nhiếp ảnh ghi lại được những gương mặt của những nghệ sĩ sáng giá một thời. Bây giờ mình mới thấy họ sáng giá bởi đương thời không dễ gì đánh giá được họ.
Thời gian trôi đi mới thấy sáng dẫn những gương mặt. Thế hệ này quý bởi họ mới đi qua mấy cuộc chiến tranh, đi qua giông gió cuộc đời, giờ mình nhìn lại mới thấy sao họ tài hoa thế, gương mặt họ sao hiền hậu thế”
“Những người này phần lớn tôi đã gặp rồi. Chú Lê Huy Hoà, bác Nguyễn Văn Cẩn, bác Nguyễn Sáng… xem lại nhớ lại hồi xưa các bác ấy như thế nào bởi họ đều là những người mình gặp rồi, quen biết rồi nên có nhiều cảm xúc lắm”. - Bà Mai Thị Oanh, con gái hoạ sĩ Mai Văn Hiến
Ban đầu, hẳn Hà Tường cũng chưa bao giờ ý thức tầm quan trọng của việc ghi lại chân dung của các học giả, văn nghệ sĩ thời bấy giờ.
Đối với ông, đó đơn thuần chỉ là những người bạn mà ông vô cùng trân quý. Và có máy ảnh trong tay, ông chỉ muốn chụp cho bạn mình những kiểu ảnh đẹp nhất và “đời” nhất của họ.
Chụp xong, “được thoả mãn đam mê nhiếp ảnh mà tôi sướng lắm”, nghệ sĩ Hà Tường tâm sự.
Hầu hết ông chụp ảnh đen trắng, có khi là bên những bữa rượu với nhau như trong bức ảnh ông chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra thăm bạn bè miền Bắc.
Cũng có khi là bên bàn trà cùng nhau chuyện trò như những bức ông chụp nhà văn Kim Lân, hoạ sĩ Nguyễn Sáng, nhà thơ Hoàng Trung Thông...Cũng có khi là giây phút đọc sách thư thái của nhà viết kịch Tào Mạt trên giường bệnh. Hẳn là bởi bên nhau trong những cuộc vui hay cảm thấu nỗi niềm của những văn nghệ sĩ để rồi giơ máy lên, một giây nào đó, Hà Tường tìm ra được “khoảnh khắc quyết định”.
Nói như PGS,TS. Nguyễn Thị Minh Thái thì: “Ngay cả ông Lê Đạt, hay ông Đặng Đình Hưng, tôi không thể nghĩ ông đẹp như thế, trẻ như thế, khuôn mặt rất tinh quái, rất đẹp và rất Đặng Đình Hưng. Mình chỉ biết nói như vậy thôi. Ngay cả ông Nguyễn Đinh Thi, ông rất đẹp, nhưng khi người ta phát hiện lại vẻ đẹp ấy trong một bức ảnh thì hoàn toàn khác, bởi nó mang theo cái nhìn của nhiếp ảnh gia. Cái nhìn của nhiếp ảnh gia khác cái nhìn của những người khác là chỉ chộp khoảnh khắc thôi. Bởi vì khoảnh khắc là cái mà người ta hiện thần, hay còn gọi là thần thái, xuất thần. Và những điều đó không xảy ra luôn luôn”.
Có lẽ nhiếp ảnh gia Hà Tường là người duy nhất theo đuổi đề tài ảnh chân dung của những học giả, văn nghệ sĩ giai đoạn 1975-1995. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương kể lại có lần, khi đến nhà nghệ sĩ Hà Tường, ông đã thực sự bị choáng ngợp bởi hơn 15 kg phim Hà Tường đã chụp và lưu giữ. Phải mất đến 5 năm sau, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cùng nhiếp ảnh gia Hà Tường mới hoàn thảnh việc chọn lọc và in ra cuốn album “Những người muôn năm cũ”.
Nhiếp ảnh Hà Tường chụp cùng con trai nhà thơ Đoàn Phú Tứ |
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương bộc bạch: “Ông Hà Tường coi ống kính máy ảnh là ngòi bút. Và ông coi ảnh là lịch sử bằng ảnh. Nếu như bây giờ không có cuốn sách ảnh này, không có nhân vật tên là Hà Tường ấy thì rõ ràng những trang sử nghệ thuật Việt Nam của giai đoạn từ 1975-1995 sẽ bị khuyết. Vậy thì đó là giá trị của cuốn Những người muôn năm cũ và triển lãm cùng tên”.
Một số hình ảnh tại buổi triển lãm:
Nhiếp ảnh Hà Tường chụp cùng các anh chị em nghệ sĩ |
Nhiếp ảnh Hà Tường ký tặng sách con gái hoạ sĩ Mai Văn Hiến |