(VOV5) - Trong khuôn khổ sự kiện Photo Hanoi’23, biennale nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nhằm kết nối công chúng đến những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh, ngoài chuỗi hội thảo do Viện Pháp tổ chức, với mong muốn khởi tạo đối thoại đa chiều về vai trò của ngôn ngữ hình ảnh trong nghệ thuật đương đại, là hai mươi triển lãm nhiếp ảnh; và các sự kiện bên lề, mong muốn đem đến những góc nhìn mới mẻ truyền cảm hứng qua tác phẩm nghệ thuật và hành trình sáng tác của các nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Từ 7/5 đến 25/6, tại Vincom Center for Contemporary Art (VCCA), Hà Nội , triển lãm "Tái sinh" mời những nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh như điểm khởi đầu để khám phá thêm nhiều phương thức đa dạng để thấu hiểu chính mình, thấu hiểu thế giới, khám phá những dạng thức vô thức của tư duy, và tưởng tượng về một hình ảnh.
Tác phẩm của Nadia Cao trong triển lãm Tái sinh - Ảnh: photohanoi.com |
Sử dụng nhiều nguồn cảm hứng khác nhau như ảnh lưu trữ gia đình, tư liệu, trình diễn và sắp đặt, các nghệ sĩ Nhu Xuan Hua, Nadia Cao, Hiền Hoàng, Serena Chang, Nguyễn Thủy Tiên, Kvet Nguyễn, Caroline Gervay đã dần hé mở không chỉ những câu chuyện riêng tư của chính họ mà cũng đặt chúng ta vào vị trí tự vấn sự tiêu thụ hình ảnh của chính mình.
Triển lãm “Nơi chốn thuộc về" diễn ra cùng thời gian tại VCCA, với những tác phẩm của nghệ sĩ Hải Thanh. Loạt ảnh trưng bày trong triển lãm như những trang nhật ký phản chiếu hành trình làm cha và tìm kiếm nơi chốn thuộc về của cá nhân anh. Cuốn nhật ký hình ảnh của Hải Thanh cho người xem cơ hội để chiêm nghiệm về “nơi chốn” mà chúng ta yêu thương, đó có thể là một phong cảnh thân thuộc, một khoảnh khắc hoài niệm hay một hồi ức quen thuộc. Từng tấm ảnh như lời mời để người xem cùng soi chiếu lại tâm khảm. Dự án là một lời tri ân đẹp đẽ tới mối quan hệ gia đình, với tất cả niềm vui, sự phức tạp và những khó khăn mà nó mang theo.
Cũng có thể kể đến một triển lãm mở đầu vào 22/04 và kết thúc vào 03/06, triển lãm “Đa dạng văn hóa Việt Nam” trưng bày 100 tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đến từ Cuộc thi ảnh Việt Nam 2020, “Lan tỏa sự quan tâm, Chia sẻ tầm nhìn về Đa dạng Văn hóa”, do UNESCO phối hợp với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội tổ chức. Dưới góc nhìn độc đáo của các nhiếp ảnh gia đến từ nhiều độ tuổi và địa phương khác nhau, 100 bức ảnh khám phá các chủ đề: phong cảnh của di sản và di tích, , chuyển giao và kế thừa văn hóa qua các thế hệ, nghệ thuật và Sáng tạo, sự hòa hợp của con người và thiên nhiên. Các tác phẩm được bình chọn còn thể hiện kỹ thuật nhiếp ảnh xuất sắc của nhiếp ảnh gia trong quá trình ghi lại những lát cắt đời sống, đưa tính chuyên môn của loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với đông đảo người xem.
Đền Angkor của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Khánh - Nguồn: photohanoi.com |
Đặc biệt, một sự kiện bên lề đáng chú ý là cuộc thảo luận về “Hành trình nhiếp ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khánh” diễn ra tối 4/5 tại Matca, Hà Nội. Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1948)bắt đầu thực hành nhiếp ảnh với công việc chụp ảnh lưu niệm gia đình trong thời gian sinh sống tại Phnompenh, Campuchia năm 1968. Ông từng theo học tại trường EURELEC và sau đó là thực tập sinh sư phạm tại trường nhiếp ảnh quốc gia tại Arles, Pháp. Ngoài thâm niên giảng dạy nhiếp ảnh tại Sài Gòn, những tác phẩm của ông còn được triển lãm trong và ngoài nước, nổi bật là tại Paris trong khuôn khổ chương trình Mùa xuân Việt Nam do Hiệp hội Hoạt động Nghệ thuật Pháp (AFAA) đồng tổ chức, tại trường Cypress ở California, Hoa Kỳ hay tại trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Trong buổi trò chuyện tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ về hai dự án nhiếp ảnh tư liệu được ông thực hiện từ năm 2010 cho đến nay. Khán thính giả được xem những hình ảnh tư liệu đen trắng hiếm có của tác giả và qua đó nghe ông chia sẻ thêm về lịch sử nhiếp ảnh thế giới – bộ môn mà ông đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy...