(VOV5) - Cuốn sách khi ra đời đã gợi nên niềm xúc động mạnh mẽ bởi những nét khắc hoạ chân thực, gần gũi về đời sống của người lính biển đảo.
Tập tản văn “Nơi đầu sóng” (NXB Trẻ ấn hành) ra mắt mới đây đánh dấu sự kết hợp của hai tác giả là kỹ sư Trần Thành và nhà thơ, nhà báo Lữ Mai. “Nơi đầu sóng” gồm 21 tản văn, ghi chép và những hình ảnh chọn lọc xoay quanh chủ đề biển đảo, cuộc sống của các chiến sĩ thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lời cây trái đảo xa, Heo bọc thép, Những chiếc thang dây, Chó trên đảo nổi đảo chìm… là tên của một vài tản văn trong tập “Nơi đầu sóng”. Những câu chuyện mộc mạc, giản dị nhưng đong đầy xúc cảm về cuộc sống thường ngày nơi đảo xa được hai người bạn lâu năm là Lữ Mai, Trần Thành cùng nhau viết nên.
Kỹ sư Trần Vũ Thành |
Kỹ sư Trần Thành, tên thật là Trần Vũ Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm. Anh luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa. Trong những lần đến với “nơi đầu sóng”, anh vẫn thường có thói quen ghi chép và chụp ảnh lại như là những kỉ niệm cho mình.Những trải nghiệm ít ai có được đã tạo thành điểm độc đáo cho cuốn sách.
Anh tâm sự: “Trong mỗi chuyến đi, hành trình trên biển rất dài, ví dụ từ trong Trường Sa ra đất liền phải mất 2 tiếng. Khi tàu ra đến quần đảo rồi phải ở đó suốt một hải trình có thể là 10 ngày, 20 ngày, thậm chí có thời gian tôi ở 30 ngày. Thời gian rất nhiều và thực sự cũng rất nhiều điều mới đến với mình. Nó không hề giống như ở trong đất liền. Điều đó làm cho mình cứ ghi chép: dưới dạng nhật ký, gạch đầu dòng… Kèm theo đó là mình chụp ảnh, cứ trông thấy gì là chụp nấy, chụp liên tục để mình lưu lại kho dữ liệu của mình cũng như để nhắc mình rằng những điều mình thấy tại thời điểm đó trung thực đến thế. Nó không bị biến chuyển đi, thời gian sẽ không làm dịch chuyển thông tin…”
Tác phẩm "Những chiếc thang dây" của nhiếp ảnh gia Trần Thành |
Cuốn sách khi ra đời đã gợi nên niềm xúc động mạnh mẽ bởi những nét khắc hoạ chân thực, gần gũi về đời sống của người lính biển đảo. Nếu như những người chiến sĩ và thân nhân của họ sẽ tìm thấy chính những thân thuộc của mình trong đó thì độc giả sẽ phần nào thấy được cuộc sống sóng gió, gian khổ nhưng cũng ngập tràn lạc quan của người lính đảo. Nói về ý tưởng tạo nên cuốn sách này, tác giả Lữ Mai hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân, Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại, người gợi cho chị về “Nơi đầu sóng” là một cậu lính nghĩa vụ 18 tuổi. Khi chị hỏi về điều gì yêu thích nhất ở đây, câu trả lời là sách, cậu nói: “Đảo nổi, đảo chìm đều có tủ sách. Nhưng sách về lính thì bọn em không thấy nhiều. Bọn em muốn đọc gì đấy gần gũi dễ hiểu…”.
Tác phẩm "Vũ điệu Sinh Tồn" của nhiếp ảnh gia Trần Thành |
Nhà báo Lữ Mai tâm sự: “Chúng tôi tin rằng 21 câu chuyện nhỏ bé và 21 bức ảnh chọn lọc theo chủ đề có thể giúp cho những người chiến Trường Sa và thân nhân của họ có thể nhìn thấy một chút mình ở đó. Điều quan trọng nhất là những người trong đất liền như chúng tôi được nhận một năng lượng thật đặc biệt, đó là năng lượng của tinh thần dũng cảm hy sinh, của sự yêu thương đùm bọc…”
Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai |
Mới có một lần đến với Trường Sa nhưng tác giả Lữ Mai đã được biết về Trường Sa từ rất lâu trước đó. Chi có tình bạn 10 năm với kỹ sư Trần Thành, người là chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương mà chị là thành viên. Những dữ liệu dày dặn của kỹ sư Trần Thành cùng với kinh nghiệm của một nhà văn nhà báo đã tạo nên một cuốn sách độc đáo như “Nơi đầu sóng”. Tác giả Lữ Mai chia sẻ: “Về dữ liệu thì một chuyến đi của tôi vào tháng 5/2019 không thể đủ để viết nên một cuốn sách có nhiều góc độ như thế này, mà tôi đã kết hợp với kho dữ liệu đồ sộ của kỹ sư Trần Thành, người đã đi Trường Sa đến 8 lần. Anh đi không phải như đoàn đại biểu thông thường mà anh đi lắp đặt máy nên anh có thời gian ở đảo rất lâu. Cái khó khăn của tôi chỉ là xử lý kho dữ liệu ấy như thế nào, chọn những câu chuyện gì để khai thác, những câu chuyện gì để lại, những câu chuyện gì cho tập sách sau…”
Thay lời kết, để nói về cuốn sách này, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận xét “Khác với rất nhiều cuốn sách trước đó, Nơi đầu sóng không phải nghệ thuật hư cấu, mà là tản văn, tạp văn. Một dạng ghi chép, thấy sao ghi vậy. Chính vì thế, cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đây là vẻ đẹp của Sự thật”.