(VOV5) - Chương trình "Chào Xuân" của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ có nhiều kịch mục đổi mới hấp dẫn.
Nhà hát Tuổi trẻ là một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống bao gồm nhiều bộ môn như kịch nói, ca-múa, nhạc nhẹ, nhạc dân tộc.
Hòa chung với không khí hân hoan của mùa xuân và đón chào năm mới, Nhà hát Tuổi trẻ cũng tổ chức những chương trình đặc sắc với nhiều đổi mới hấp dẫn.
NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trả lời phỏng vấn về chương trình Chào xuân đặc sắc này cũng như những bước tiến trong năm mới của Nhà hát.
PV: Thưa NSƯT Chí Trung, trong năm vừa qua, nổi bật nhất đối với Nhà hát Tuổi trẻ có lẽ là những chương trình xã hội hóa, anh có thể chia sẻ về những chương trình này?
NSƯT Chí Trung: Vâng rất nhiều thương hiệu đã chung tay cùng Nhà hát Tuổi trẻ để đẩy thương hiệu của cả hai bên. Ví dụ như Tổng công ty Bia rượu Hà Nội nước giải khát Habeco là một đơn vị nhiệt tình làm chương trình Bolero 1, 2 của chúng tôi. Ngoài ra chương trình Huy Du vừa rồi, một chương trình nặng tính chiến đấu, những bài ca Cách mạng có VP Bank vv... Chưa kể lãnh đạo của các tỉnh, thành trong cả nước Nhà hát Tuổi trẻ có mối quan hệ thân thiết, khi nhà hát Tuổi Trẻ đến diễn, các anh chị đều huy động những nguồn lực xã hội trong địa bàn là các doanh nghiệp sẽ giúp sức để tồn tại được một đêm diễn, mời được khán giả. Thứ hai họ tìm được những nguồn tài chính cho phép.
Chủ trương xã hội hóa là một chủ trương đúng, phát huy mọi nguồn lực xã hội để nuôi dưỡng nghệ thuật. Chúng tôi đã làm như vậy và họ đều giúp đỡ hết sức Nhà hát Tuổi trẻ. Đầu năm vừa rồi tôi đưa Nhà hát vào những vùng như Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An... nơi kịch nói ít được biết đến. Năm 2016, chúng tôi diễn ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tôi nghĩ những việc đó cũng không hề đơn giản nhưng là vinh dự và trách nhiệm của Nhà hát Tuổi trẻ phải làm sao giữ được một nếp hoạt động cho khán giả ở vùng sâu vùng xa khi họ không có dịp hưởng thụ.
Buổi diễn tại Cung văn hoá Hữu nghị vào đầu năm 2018 |
PV: Trong dịp đầu xuân này, Nhà hát Tuổi trẻ đã dành tặng cho khán giả chương trình đặc biệt gì?
NSƯT Chí Trung: Năm nay nhà hát Tuổi trẻ đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, không chỉ riêng Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt nhà hát sẽ đi 6 tỉnh cao nguyên và miền Trung để phục vụ khán giả. Sẽ bắt đầu vào ngày 8 Tết âm lịch, với hài kịch, ca nhạc Chào Xuân và sự đóng góp của ngôi sao, danh hài ưu tú nhất trong khả năng có thể của nhà hát Tuổi trẻ.
Trong ca nhạc có cả 2 tiết mục hài kịch như tiết mục Tơ trời mong manh và Nhầm của tác giả Đinh Tiến Dũng và do NSƯT Chí Trung – là tôi, đạo diễn. Các gương mặt nghệ sĩ như Bá Anh, Đức Khuê, Thanh Tú, Duy Anh, Chí Huy… và 2 vở diễn cũng đã có cơ hội biểu diễn tại Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) và được khán giả rất thích.
Tiếp nối đà thành công đó, chúng tôi đã dàn dựng thêm một chương trình hài kịch nữa vẫn với tên gọi là Tơ trời mong manh nhưng với 4 hài kịch nữa để tăng cường phục vụ vào chương trình 8/3 sắp tới.
Poster chương trình "Chào Xuân" |
PV: Vậy thì theo NSƯT Chí Trung đâu là những nét mới trong chương trình Chào Xuân năm nay của Nhà hát Tuổi trẻ?
NSƯT Chí Trung: Trước tiên đoàn ca múa nhạc là đoàn mà mọi người vẫn hay định danh là diễn nhiều cho thiếu nhi mà không dành cho người lớn, thanh niên. Và năm nay chúng tôi đầu tư một chương trình toàn về mùa xuân, những bài hát về Hà Nội. Và phần trang trí của nó là về những phố cổ ở Hà Nội như: những cảnh trí rêu phong, những cột điện cũ, những góc phố dịu dàng của Hà Nội. Trên cơ sở những bài hát cũ của Hà Nội chúng tôi phối khí lại, biên đạo những tốp múa tốp nhảy để thổi hồn trong chương trình.
Phần còn lại là hai hài kịch Tơ trời mong manh và Nhầm như tôi đã chia sẻ. Lâu nay chúng ta hay để ý đến kịch Bolero trong miền Nam hay một số ca kịch cải lương nhưng ít ai thấy dựng hát trong kịch truyền thống. Lần này chúng tôi sẽ đưa vào, đó là khi nghệ sĩ sân khấu kịch nói diễn cất lên tiếng lòng và ngân lên tiếng hát thì có hai cây đàn nhạc đệm là violon và guitar. Đó là điều mới lạ trong lần này. Trong các buổi diễn mới đây khán giả rất thích. Tất nhiên yếu tố hài, câu chuyện kịch vẫn phải để lên hàng đầu.
PV: Cũng trong đầu xuân 2018 này, được biết Nhà hát Tuổi trẻ sẽ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập, anh có thể chia sẻ những cảm xúc của mình được không?
NS ƯT Chí Trung: Vâng, 40 năm Nhà hát từ 1978 đến 2018, tôi cũng được vinh dự mình là người phụ trách là đời giám đốc thứ 7. Có một điểm khác biệt, tôi là người giám đốc trưởng thành từ diễn viên đầu tiên. Tôi cũng thấy mình may mắn trong thời kỳ Nhà hát 40 năm tuổi, mình cần có trách nhiệm khuếch trương những hoạt động thành công, thương hiệu và khát vọng của 200 cán bộ nghệ sĩ Nhà hát.
Nhưng có một điều tâm sự là đây lại rơi vào thời kỳ rất khó khăn của sân khấu nói chung và nghệ thuật nói riêng. Khán giả quá no và bão hòa với các loại thông tin, chưa kể họ phải đến với những sân khấu hình hộp, vở diễn của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi chuẩn bị tâm thế kỷ niệm 40 năm vừa mừng vừa lo. Nhưng dẫu sao đó không phải là việc của riêng mình, mà là sự tiếp nối một dòng chảy, một trách nhiệm của mình. Và niềm vui này không chỉ niềm vui của Nhà hát Tuổi trẻ, là niềm vui chung của cả xã hội.
40 năm là một thành công và thương hiệu gắn liền với với thanh, thiếu niên trên khắp đất nước. Trách nhiệm của tôi là vừa phát triển được thương hiệu, giữ vững truyền thống, tiếp lửa yêu nghề và biết hội nhập để làm sao những chương trình nghệ thuật của Nhà hát lan tỏa được vào cuộc sống.
PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!