(VOV5) - Overseas là sự cộng hưởng giữa sáng tạo nghệ thuật toàn cầu và những tinh hoa của giá trị nghệ thuật truyền thồng Việt qua tài năng của những người con xa xứ.
Dự án Overseas do hai nghệ sĩ gốc Việt là nhạc sĩ huyền thoại Nguyên Lê và nghệ sĩ xiếc tài năng Tuấn Lê khởi xướng. Đã được thai nghén từ rất lâu nhưng phải đến 3 năm vừa rồi, dự án mới chính thức được hiện thực hoá từ “giấc mộng” của hai nghệ sĩ gốc Việt này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ảnh: Hạnh Lê - Thanh Thanh/VOV.VN |
Nghệ sĩ tung hứng Tuấn Lê tâm sự đã từ rất nhiều năm, khi trình diễn ở bất cứ đâu, anh đã luôn có tâm thế tìm kiếm những nghệ sĩ gốc Việt. Ngoài việc họ là những con người tài năng trong nghệ thuật thì điều đặc biệt chính là nỗi niềm trăn trở của mỗi nghệ sĩ về nguồn cội và văn hoá Việt.
Nghệ sĩ Tuấn Lê tâm sự: “Đây là mơ ước, mong muốn từ lâu để liên kết những người làm việc trong ngành nghệ thuật. Những nghệ sĩ tham gia có người từ Pháp, Đức, Canada có bố me, ông bà là người Việt Nam. Thông qua dự án này, càng ngày tôi càng tiếp cận được và gợi ý cho các nghệ sĩ nếu có điều kiện, khả năng hãy cùng nhau xây dựng chương trình nghệ thuật.
Những người nghệ sĩ đều gốc Việt, tư duy vô cùng đặc biệt, và đâu đó họ có một nỗi niềm và thắc mắc trong đời sống của họ Việt Nam đối với họ là gì, sự liên kết gắn bó giữa họ và đất nước Việt Nam như thế nào. Đây không chỉ là câu chuyện Việt Nam mà là câu chuyện của thế giới. Câu chuyện của những con người có hoàn cảnh như thế”
Concept của dự án nghệ thuật Overseas là thâu tóm linh hồn, khí chất Việt, được thể hiện qua mỗi thế hệ người Việt nhập cư ở nước ngoài - Ảnh: Hạnh Lê - Thanh Thanh/VOV.VN |
Và quá trình thực hiện dự án này dường như cũng là quá trình những người nghệ sĩ gốc Việt ấy đang tìm thấy cho riêng mình câu trả lời về nguồn cội của chính mình, như lời của nghệ sĩ Nguyên Lê tâm sự: “Concept của dự án nghệ thuật Overseas là thâu tóm linh hồn, khí chất Việt, được thể hiện qua mỗi thế hệ người Việt nhập cư ở nước ngoài."
Trong buổi casting của dự án Overseas có rất nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới, có những người đến từ Berlin, Paris, Montreal và cả Việt Nam. Mục đích ban đầu và cốt lõi của dự án không phải để xác định nhân dạng Việt mà thực chất là đi tìm linh hồn Việt, tâm hồn Việt chuyển biến trong mỗi cá thể của người Việt ở nước ngoài. Qua những thế hệ nhập cư, những cá nhân đó phát triển nó và truyền lại được từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Để nói về buổi trình diễn đa nghệ thuật này, tính độc đáo là điều in đậm rõ nét nhất. Bắt đầu tại Lyon, Pháp, Overseas đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng yêu nghệ thuật bởi tính độc đáo của chương trình.
Âm nhạc, vũ đạo, xiếc, trúc chỉ… - mỗi loại hình nghệ thuật là sự giao thoa giữa giá trị truyền thống và sáng tạo đương đại đã gắn kết một cách nhuần nhuyễn, đầy tinh tế. Điển hình trong đó, phần âm nhạc chính là sợi chỉ xuyên suốt tạo nguồn cảm hứng cho mỗi nghệ sĩ ở mỗi lĩnh vực có một góc riêng sáng tạo.
Không gian đêm nghệ thuật không cầu kì bởi sân khấu dàn dựng, ánh sáng hiện đại mà được bao phủ bởi bóng tối khiến người xem ngỡ ngàng trước những sáng tạo không ngờ, mang đến quá nhiều hứng khởi từ các nghệ sĩ. - Ảnh: Hạnh Lê - Thanh Thanh/VOV.VN |
Nhạc sĩ Nguyên Lê tâm sự: “Tất cả đều bắt đầu từ những giá trị truyền thống như nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, Hoài An diễn sáo, Mai Lê diễn đàn tranh. Ngay cả tôi cũng là người biết về giá trị âm nhạc truyền thống nhưng không thực hành. Nhưng tôi vận dụng và phát triển nó để tạo ra cái mới. Ở đây điều tôi muốn nói đến không chỉ về lĩnh vực âm nhạc mà tôi đang theo đuổi mà sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại còn đúng cả ở những lĩnh vực khác như xiếc, nghệ thuật thị giác… đều có nền tảng là giá trị truyền thống và chúng tôi học hỏi những giá trị tinh thần của thời đại và phát triển nó”.
Còn nghệ sĩ Tuấn Lê bày tỏ: “Về vấn đề âm nhạc của anh Nguyên Lê, bình thường anh ấy chỉ hoạt động trong môi trường âm nhạc jazz của thế giới, nhưng ở đây anh dành tâm sức để trở thành một chương trình có liên kết múa xiếc đương đại. Đặc biệt tôi lựa chọn chất liệu trúc chỉ của anh Phạm Hải Bằng. Khán giả vô cùng tò mò, và đối với tôi nó có một giá trị thẩm mỹ đương đại vô cùng đặc biệt”.
Suốt hai tiếng thưởng thức từ tiết mục mở màn "Origin" đến tiết mục cuối cùng "Red sky", "Overseas" đã mang tới quá nhiều bất ngờ về mặt cảm xúc cho khán giả. - Ảnh: Hạnh Lê - Thanh Thanh/VOV.VN |
Dennis Mac Dao trong múa đương đại, Toàn Lê đu cột nhào lộn, Joel Hana nhảy thiết hài…là một số nghệ sĩ gốc Việt của chương trình. Họ có thể là những người gốc Việt mà lần đầu tiên họ có cơ hội đặt chân biểu diễn tại quê hương, nhưng hơn hết cả là những xúc cảm thẩm mỹ và tiếng lòng của thế hệ nghệ sĩ trẻ dành đến cho khán giả.
Như nhạc sĩ Nguyên Lê nói thì: “Đã từ lâu tôi từng đặt ra câu hỏi tôi là ai nhưng cũng đã từ lâu tôi không còn đặt câu hỏi này nữa. Tôi là cách tôi nói với thế giới. Thông qua dự án Overseas, tôi và những nghệ sĩ khác không chỉ là đi tìm nhân dạng Việt, người Việt là ai, văn hoá Việt là gì mà còn khẳng định giá trị văn hoá Việt nam đối với văn hoá toàn cầu.
Tôi nghĩ rằng văn hoá Việt Nam là một điều gì đó rất mạnh mẽ. Văn hoá Việt không chỉ đơn thuần là văn hoá chỉ ở Việt Nam theo tính chất địa lý mà còn là một dạng thức mang tính toàn cầu”.
Trong hai ngày 10 và 11/5, Viện Pháp tại Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu đem đến đêm trình diễn đa nghệ thuật mang tên Overseas tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự án Overseas đúng như cái tên, quy tụ những nghệ sĩ gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới và là sự kết hợp đầy tinh tế và độc đáo của nhiều loại hình nghệ thuật như âm nhạc, xiếc, vũ đạo, trúc chỉ… Overseas là sự cộng hưởng giữa sáng tạo nghệ thuật toàn cầu và những tinh hoa của giá trị nghệ thuật truyền thồng Việt qua tâm trí của những người con xa xứ.