(VOV5) - Ngoài số ít ca khúc lãng mạn, âm nhạc Văn Cao còn có một dòng hùng ca và những ca khúc sáng tác trong giai đoạn cách mạng và kháng chiến chống Pháp.
Nghe âm thanh tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:
Dòng bài hát hùng ca của Văn Cao, từ những bài hát khi tham gia nhóm Đồng Vọng đến các bài hát cho Việt Minh, với số lượng không nhiều, cũng đậm nét cổ vũ sự xê dịch và lên đường. Những bài hát đầu tiên chỉ còn xác định được tên gọi như Gió núi hay lời ca như Anh em khá cầm tay, là những bài hát gắn với mục đích cắm trại của hoạt động hướng đạo. Các bài hát được phổ biến hơn như Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, nằm trong trào lưu “bài hát thanh niên-lịch sử”, tô đậm cảm thức hướng về những biểu tượng vinh quang của cộng đồng dân tộc trong quá khứ, mặc nhiên kêu gọi sự vận động và lên đường: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao”, “Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi”…
Văn Cao, Đoàn Chuẩn và ca sĩ Kim Ngọc ở Hội nhạc sĩ Việt Nam sau đêm nhạc Đoàn Chuẩn 3/2/1988 - Ảnh: FB Vũ Hoàng Sơn |
... Các bài hát trong cao trào cách mạng hầu hết được cấu trúc bằng biểu tượng động: người chiến sĩ Việt Nam ra trận, với các từ khóa “tiến lên”, “lên đường”, “ra sa trường”, “ngựa phi nơi xa”, “nơi biên cương” (Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam). Người nghe gặp lại một hình thức tương đồng với vốn thi tứ cổ điển khi các bài hát cho những đạo quân cách mạng vận dụng các mô típ cổ thi của hình ảnh tráng sĩ hay chinh phu: “Say men năm châu tha phương” (Chiến sĩ Hải quân), “Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng” (Không quân Việt Nam). Mặc dù tính chất lưu lạc đã được thay thế bằng sắc thái chủ động có tính tích cực, song điểm chung của các chủ thể là đều gắn với những không gian lớn, thậm chí mang tính vũ trụ....
...Phức cảm lưu lạc còn tiếp tục trong giai đoạn cách mạng và kháng chiến của Văn Cao, đương nhiên do hoàn cảnh tạo ra, nhưng cũng cho thấy sự tiếp nối một đặc điểm cố hữu trong nội dung âm nhạc Văn Cao. Các bài hát với tư cách là sản phẩm đóng góp vào sự nghiệp tuyên truyền cách mạng, tựa như những nhật ký kháng chiến chung chứ không còn là trải nghiệm riêng tư, ghi lại hành trình đã được dự báo trong bản hành khúc được lấy làm quốc ca nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – “bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”: Từ “Rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa, từ xa quê trong lớp cây già” (Làng tôi, 1947) đến “Rồi rời sang xóm khác, nhớ lúc ai nhìn theo” (Ngày mùa, 1948) trong bức tranh làng quê kháng chiến, hay những địa danh gắn với các sự kiện chiến đấu hoặc một nơi chốn lịch sử: “Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó, ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng” (Bắc Sơn, 1945), “Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh… Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế” (Đàn chim Việt, 1945), “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Volga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao” (Sông Lô, 1947)....