Phê bình và sáng tác thơ trẻ: Gặp gỡ và kết nối

(VOV5) - Thơ trẻ đang phát triển theo hướng phi chính thống, văn học mạng nở rộ, nhiều tác giả không có xu hướng in ấn, giới phê bình đã tìm thấy hoặc gọi tên đúng diện mạo của thơ trẻ hiện nay?

Sự đồng cảm thế hệ - Đó là lợi thế của người phê bình khi tìm đến các tác giả trẻ. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng có những người làm phê bình tuy tuổi đời còn trẻ nhưng lại có tư duy còn đứng yên hoặc đi theo lối mòn. 

Phê bình đã “gặp gỡ” được thơ trẻ hôm nay?

Vừa sáng tác, vừa làm công tác phê bình, TS Phan Tuấn Anh có cái nhìn nghiêm khắc vào công việc mà anh theo đuổi những năm qua. Theo anh một nhà phê bình mà không biết những gì thế hệ của mình đang viết, những gì là cách tân tương lai của văn học nước nhà thì dẫu biện hộ thế nào và có vài phát kiến gì ở những khu vực khác thì đều thiếu sót cả. Nhà phê bình có thể quan tâm đến bất cứ cái gì nhưng ít ra phải có đọc và có biết những người cùng thế hệ với mình viết gì.

Phê bình và sáng tác thơ trẻ: Gặp gỡ và kết nối - ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

Hoạt động kết nối nhiều nhà phê bình và tác giả thơ trẻ, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng – Phó trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam có diện quan sát khá rộng. Từ đó, anh có cái nhìn tỉnh táo, sắc nét về sự kết nối giữa người làm phê bình với người sáng tác thơ trẻ hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng: “Sự kết nối giữa phê bình với thơ trẻ hiện nay chưa thực sự sôi nổi, chưa thật mạnh mẽ. Có cảm giác sự quan tâm của phê bình với thơ trẻ vẫn còn hạn chế. Các nhà phê bình thường hướng về những tác phẩm đã được khẳng định qua thời gian, những tác giả uy tín, tên tuổi, cao niên, trung niên”.

Tuy vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cũng kể ra một số cái tên làm phê bình ở các địa phương mà theo anh đã nhiệt tâm, đóng góp tích cực vào việc giới thiệu những tác giả mới, những thể nghiệm mới. Đó là nhà phê bình Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình), nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Nhà thơ Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn (TP HCM), Nhà thơ Bùi Việt Phương (Hòa Bình).

Về phía người sáng tác thơ trẻ, phải nói rằng vẫn có một bộ phận đã và đang bị chi phối bởi những biểu mẫu về cái hay, cái đẹp của thơ. Và giới phê bình là lực lượng quan trọng định hình những khuôn vàng thước ngọc đó. Điều đó dẫn tới việc người sáng tác chưa thực sự bung tỏa, chưa thể vượt qua những ranh giới để thử thách và tạo nên những ngả rẽ, những dấu ấn.

Phê bình và sáng tác thơ trẻ: Gặp gỡ và kết nối - ảnh 2TS Trần Ngọc Hiếu - Ảnh: Báo Công an nhân dân

Nhà phê bình văn học – TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng kết nối với phê bình nhưng không có nghĩa là người sáng tác trẻ hôm nay tự đánh mất bản sắc của mình. Cũng theo anh “các lý luận về thơ vẫn mang lại cảm giác thơ phải là một thông điệp, bài học, triết lý mà chúng ta quên mất yếu tố quan trọng là âm điệu, là sự mê hoặc ngôn ngữ. Nó khiến chúng ta khen hay chê. Ở Việt Nam mình đang thiếu điều mà chúng ta gọi là sự đa dạng về mặt thẩm mỹ. Chúng ta phải có một môi trường dân chủ hơn. Người sáng tác nên quan tâm tới việc ai khen và ai chê mình, cái quan trọng là mình viết cho ai. Đôi khi phải bình tâm rằng thứ mình viết không dành cho số đông”.

Trách nhiệm của người làm phê bình thơ hôm nay

Nhìn từ phía trách nhiệm của người làm phê bình với thơ trẻ hôm nay, những băn khoăn, trăn trở của TS Phan Tuấn Anh xuất phát từ mong muốn có một môi trường chuyên môn sôi động, góp phần thúc đẩy sáng tác. Anh thừa nhận sự quan tâm của lý luận phê bình với văn học trẻ vẫn đang là một khoảng trống, nếu không nói là một khoảng trắng mênh mông. Và ít ra những nhà phê bình, ít ra cũng là chớm trẻ như bản thân, Hoài Nam, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Thanh Tâm… phải bù đắp vào. Phê bình 8x, 9x vẫn chưa đâu vào đâu. Đó là trách nhiệm của thế hệ làm phê bình mới. Và đội ngũ đó cần cố gắng hơn nữa.

Phê bình và sáng tác thơ trẻ: Gặp gỡ và kết nối - ảnh 3Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm - Ảnh: Nvcc

Người làm phê bình thơ trẻ cần cố gắng hơn nữa. Đó là điểm nhìn từ phía nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp. Đối với Nhà phê bình văn học – TS Nguyễn Thanh Tâm, việc phát hiện ra những cây bút thơ trẻ tiềm năng còn mang lại hứng thú cho người làm phê bình. Nhưng đó cũng chỉ là một chất xúc tác, quan trọng nhất vẫn là tài năng, bản lĩnh của chính người sáng tác.

 Bản thân vừa làm phê bình thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giữ mục Tác giả Thơ trên báo điện tử Zing.vn và điều hành trang thơ Hiện thời Plus nên mỗi khi phát hiện một tác giả mới, một tên tuổi mới mà càng ít người biết đến thì càng là một động lực, một hứng thú khiến TS Nguyễn Thanh Tâm phải tìm để đọc thêm, thậm chí cố gắng giới thiệu với công chúng, độc giả. Anh khẳng định “Các biên tập viên tạp chí, diễn đàn văn chương giống như những “bà đỡ” tạo điều kiện, cơ hội để các tác giả trẻ đến với công chúng rộng rãi hơn. Nhưng đó cũng chỉ là một phần – Năng lực, khả năng tiếp cận công chúng thì trước sau bằng hình thức này hay hình thức khác họ sẽ tìm được công chúng của mình”.

Rõ ràng thơ trẻ hôm nay đã và đang rất phong phú về đội ngũ và giọng điệu. Đã có những người sáng tác trẻ được các nhà phê bình phát hiện và cũng có những người làm phê bình đang rất tích cực đi tìm những tiếng thơ trẻ cá tính. Cái nhìn tích cực của TS Hà Thanh Vân xuất phát từ tư duy rộng mở của chính chị, một người làm phê bình sắc sảo. “Quan trọng là người làm phê bình và tác giả thơ trẻ có tìm đến với nhau hay không và làm cách nào để đến với nhau. Còn công chúng vẫn sẵn sàng đón nhận thơ” - Điều mà TS Hà Thanh Vân đặt ra cũng là thử thách của người làm phê bình và sáng tác trẻ hôm nay: Tìm ra con đường để đến với nhau và cùng nâng đỡ, lan tỏa giá trị đích thực của thơ.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác