(VOV5) - Dù là ở đề tài nào, những tác phẩm của Quỳnh Lê đều chất chứa tình yêu với quê huơng bé nhỏ - những nơi cô đã từng đi qua và sinh sống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bạn đọc biết đến Quỳnh Lê qua những tác phẩm Kinshasa – không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ, San San chân to đi xốp, Pho mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ và hàng chục tác phẩm cô dịch trong đó có Ba áng mây trôi dạt xứ bèo của Nuage Rose và mới đây là Quê hương bé nhỏ của Gael Faye. Cả 5 tác phẩm dù là ở đề tài nào đều đem đến tiếng nói của những người xa xứ. Với Quỳnh Lê, mỗi nơi cô từng đặt chân và sinh sống đều là có thể coi là một quê hương với những mảng màu riêng biệt.
Tác giả Quỳnh Lê trong buổi giao lưu với bạn đọc |
Quỳnh Lê tâm sự khi lần đầu tiên nhìn thấy tựa đề của cuốn “Quê hương bé nhỏ” bằng tiếng Pháp là Petit Pays của Gael Faye, tác giả đã nghĩ đến ngay từ Hàn Việt “tiểu quốc”. Giống như nơi cô sinh ra Việt Nam hay Kinshansa, một thành phố nhỏ của Công-gô hay đất nuớc Thuỵ Sĩ, nơi cô hiện đang sinh sống thì hai địa danh Burundi và Ruwanda đuợc Gael Faye nhắc đến đều giống như một dấu chấm trên bản đồ thế giới. Nhưng khi đọc kĩ tác phẩm, Quỳnh Lê hiểu “bé nhỏ” ở đây không phải là diện tích hay dân số mà là chính là quê hương khi chúng ta còn nhỏ.
Quỳnh Lê tâm sự: “Thật ra tôi là người hay đi lục lại ký ức mặc dù đó không phải là chuyện tốt và cái chúng ta cần nhìn là về phía tuơng lai, thế nhưng tôi nghĩ rằng quê hương hay những ký ức tuổi thơ không chỉ là một đoạn ký ức đẹp đẽ, mà nó còn là nội lực để ta biết rằng dù có đi đâu, cuộc sống ở đâu chúng ta đều biết cuộc sống của mình, chúng ta biết ta từ đâu đến và là nơi ta có thể quay về”
Bìa sách "Quê hương bé nhỏ" |
4 năm ở Kinshansa, Công-gô – thành phố người ta có nói rằng “làm cho những người yếu nhuợc thì khiếp sợ” và “những người can đảm có thêm sức mạnh”, Quỳnh Lê đã có những trải nghiệm đầy quý giá để đưa vào Kinshasa – không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ. Vào thời điểm đó, Kinshansa xảy ra nội chiến và là một điểm nóng trên thế giới. Mặc dù đây là câu chuyện tình yêu nhưng những tình tiết lịch sử trong truyện đều là có thật và những câu chuyện trong đó cô đều dựa trên những câu chuyện của bạn bè.
Nhà văn Truơng Quý, cũng là người biên tập cả 5 cuốn sách của Quỳnh Lê nhận xét: “Việc Quỳnh có những trải nghiệm ở những quốc gia khác nhau tình cờ khiến cho những điểm nhìn rơi vào những chấm nhỏ trên bản đồ, những đất nuớc không phải cuờng quốc trên thế giới ở châu Phi, Việt Nam, Thuỵ Sĩ - những đất nuớc người ta lẫn với những nuớc bên cạnh. Nhưng đều là những địa điểm cất lên tiếng nói của những con người nhỏ. Nó là một điều hay vì các tác giả sẽ không lấy mình làm thuớc đo chủ quan mà mình sẽ hoà nhập vào văn hoá nơi đó, vùng đó để thực sự hiểu con người toàn cầu, sống ở đâu và vì sao, lắng nghe gốc gác của mình lên tiếng”.
Điều đặc biệt là 5 cuốn sách không chỉ dành cho các bậc phụ huynh mà còn dành cho các em nhỏ. Văn phong hài huớc, cùng những chi tiết sống động thú vị là nét thu hút độc giả nhí. Một San San chân to đi xốp đặt trong bối cảnh thời bao cấp Hà Nội đầy trong trẻo hay một Pho mát và Đậu bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ, là câu chuyện của chính hai con của tác giả khi sống tại Thuỵ Sĩ.
Bìa sách "Pho mát & Đậu Bắp: Lam trẻ con ở Thụy Sĩ" |
Ở cả hai tác phẩm này, Quỳnh Lê đã bộc lộ thế mạnh của mình chính là viết cho những độc giả thiếu nhi: “Mình lựa chọn việc viết cho thiếu nhi là do 2 đứa trẻ nhà mình đã dạy cho mình rất nhiều điều bất ngờ. Việc làm mẹ không phải là một nghề mà là việc ta học mỗi ngày, trẻ con mỗi ngày đều dạy cho chúng ta những bài học mới, những điều bất ngờ và thậm chí là dạy cho chúng ta biết kiềm chế cảm xúc của mình. Việc viết cho trẻ em giống như một hơi thở hàng ngày, mình chứng kiến, trải nghiệm rất cụ thể” - Quỳnh Lê tâm sự.
Nhưng dù viết ở đề tài nào và làm công việc viết văn hay biên dịch, tác giả Quỳnh Lê luôn hướng đến đến một điều – đó là “viết gì đó để kết nối quá khứ với hiện tại” để hai đứa trẻ của mình “kết nối với quê hương Việt Nam”.