(VOV5)- Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” nhân kỉ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2015).
Cuốn sách được Trung tướng Phạm Hồng Cư viết với sự cộng tác của PGS.TS Đặng Bích Hà – phu nhân của Đại tướng.
Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được NXB Kim Đồng ấn hành lần này, từng được NXB Thanh niên ấn hành năm 2004, ngoài 3 chương viết về tuổi thơ của Đại tướng cho tới khi gặp được Bác Hồ có bổ sung thêm một chương về tuổi hai mươi của Đại tướng.
Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được viết theo tâm nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Vào những năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời nhà văn Hữu Mai, đại tá Phạm Chí Nhân và Trung tướng Phạm Hồng Cư đến để bàn về việc giúp Đại tướng viết hồi kí. Nhà văn Hữu Mai nhận nhiệm vụ viết về quãng thời gian từ khi Đại tướng gặp được Bác Hồ tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tá Phạm Chí Nhân viết phần Tổng hành dinh trong Mùa xuân toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trung tướng Phạm Hồng Cư viết về quãng thời gian từ khi Đại tướng ra đời đến khi gặp Bác Hồ.
Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được viết trong hai giai đoạn. Nhận nhiệm vụ của Đại tướng, nhưng phải đến khi nghỉ hưu (năm 1995), Trung tướng Phạm Hồng Cư mới có thể bắt tay viết được, bởi khi đó, ông mới có điều kiện đi thực tế, vào Huế để tìm hiểu về nơi giam giữ Đại tướng ở nhà lao Thừa Phủ, về quê gặp gỡ những người bạn cùng thời với Đại tướng, nghe họ kể lại những kí ức về Đại tướng thời nhỏ, ngắm con sông Kiến Giang hiền hòa thơ mộng ở quê hương Quảng Bình, quan sát ngôi nhà nơi Đại tướng ra đời… để có thêm tư liệu và cảm xúc viết. Sau vài năm thì bản thảo hoàn thiện gồm 3 chương: Quê hương, gia đình và tuổi thơ; Tuổi thiếu niên; Bước vào đời. Cuốn sách tái hiện quãng thời gian từ khi Đại tướng chào đời cho tới khi ra khỏi nhà lao Thừa Phủ. Đại tướng đã xem lại bản thảo trước khi được NXB Thanh Niên xuất bản nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cuốn sách khi đó chưa thực sự hoàn thiện theo tâm nguyện của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhưng bởi thời điểm đó, ông bị một cơn đau tim, không thể tiếp tục viết được. Vài năm sau, khi đã bình phục, ông mới tiếp tục viết tiếp chương 4 của cuốn sách mang tựa đề Tuổi hai mươi – tái hiện lại khoảng thời gian Đại tướng ra Hà Nội vừa làm nhà báo vừa làm thầy giáo, vừa là sinh viên trường Luật cho đến lúc nhận được lệnh của Trung ương cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Thúy Hồ (Côn Minh, Trung Quốc) gặp đồng chí Vương - bí danh của Bác Hồ khi đó.
Khi Trung tướng Phạm Hồng Cư hoàn thành bản thảo lần thứ hai, Đại tướng không còn khỏe nữa nên phu nhân Phạm Bích Hà đã đọc lại bản thảo trước khi gửi cho NXB Kim Đồng.
Trung tướng Phạm Hồng Cư và cuốn sách
|
Cuốn sách sử dụng nhiều tư liệu quý, ngoài các tư liệu lịch sử, đặc biệt là những bức thư – những kỉ vật quý báu đã được gia đình Đại tướng trân trọng lưu giữ hơn nửa thế kỉ qua, Trung tướng Phạm Hồng Cư còn công phu khảo cứu nhiều tư liệu của bạn bè quốc tế, đi điền dã, hỏi chuyện nhiều bè bạn, bà con thời nhỏ của Đại tướng ở quê nhà.
Chẳng hạn, về năm sinh của Đại tướng, giấy khai sinh ghi năm 1910, nhưng một tờ báo tiếng Pháp lại đưa ra là năm 1912. Khi ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư thực sự bối rối, không biết năm sinh thực là năm nào. Cuối cùng, ông phải nhờ bà Phạm Bích Hà hỏi lại cụ thân sinh Đại tướng. Khi ấy cụ bà nói rằng, anh Giáp tuổi Hợi. Như vậy, ông mới có thể tin chắc là Đại tướng sinh năm 1911. Về chi tiết này, Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng hỏi lại Đại tướng: “Tại sao anh lại có lắm ngày sinh như thế?” thì Đại tướng trả lời, thời đó, phải tăng tuổi lên để được thi vào Trường Quốc học Huế, còn năm 1912 thì là tin tức trên báo chí thế giới đưa.
Khi gặp những bạn bè đồng trang lứa của Đại tướng thuở hàn vi, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện thú vị. Trong đó, có câu chuyện về lòng dũng cảm của Đại tướng thể hiện từ nhỏ. Chuyện kể rằng, ông thích đi dọc bờ sông Kiến Giang, nhưng dọc bờ sông có loại cây bún, mà dân gian đồn rằng ở cây đó có nhiều ma trú, trẻ con ai cũng sợ nhưng riêng cậu Giáp thì không hề tỏ ra sợ hãi. Hay câu chuyện về ngôi đền thờ vị tướng đi đánh giặc bị chặt đứt đầu khiến lũ trẻ đi qua đều sợ sệt, nhưng cậu Giáp thì không, cậu đi qua bình thản chắp tay vái… Những câu chuyện chân thực, sống động như thế, không có tài liệu nào ghi chép lại.
Trung tướng Phạm Hồng chia sẻ: “Tuổi 20, anh Giáp vừa là sinh viên, vừa là nhà báo, là thầy giáo dạy sử, ngoài lòng yêu nước sục sôi, anh còn thể hiện tài năng, trí tuệ hơn người và điều này về sau thể hiện rõ ở nghệ thuật chiến tranh Việt Nam mà anh gây dựng, phát triển, đánh bại hai đế quốc lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên, qua đôi mắt tinh tường của anh, Bác Hồ nhận ra, đây là người có năng khiếu quân sự đặc biệt, con người này có thể giao nhiệm vụ, dù khi đó anh chưa học qua một trường lớp về quân sự nào.”
Đọc “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch; tuổi trẻ sôi nổi, hào hùng; về quê hương, gia đình, bối cảnh xã hội đã hun đúc nên vị tướng tài của dân tộc, một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỉ qua./.