(VOV5)- Nhân dịp Ngày thơ Việt Nam 2016, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt tuyển tập thơ “Quả địa cầu” của thần đồng thơ một thời Hoàng Hiếu Nhân cũng như tái bản những tập thơ thiếu nhi nổi tiếng một thuở của các tác giả khác.
Nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1959 tại tuyến lửa Quảng Bình. Mới 8 tuổi, Hoàng Hiếu Nhân đã có những bài thơ được nhiều người biết đến. Năm 1969, khi mới 10 tuổi, Hoàng Hiếu Nhân đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác thơ thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Nhà thơ Phạm Hổ, nhà phê bình Hoài Thanh đã có những bài bình thơ của Hoàng Hiếu Nhân trên báo Văn nghệ. Một tập thơ in chung của Hoàng Hiếu Nhân, Trần Đăng Khoa và một số nhà thơ nhỏ tuổi khác đã được dịch và phát hành ở Pháp.
Vào những năm 1964-1974, thời kỳ nhân dân Việt Nam đang khát khao thống nhất đất nước, cùng với thần đồng Trần Đăng Khoa, nền thi ca thiếu nhi Việt Nam bừng sáng với các nhà thơ nhỏ tuổi như Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi, Phan Thị Vàng Anh và Hoàng Hiếu Nhân.
Không giống Trần Đăng Khoa, được làm thơ từ khoảng không gian êm đềm là “góc sân và khoảng trời” của mình, Hoàng Hiếu Nhân mới 8 tuổi đã phải rời xa gia đình, quê hương đi sơ tán tận Vĩnh Phúc. Nỗi thương nhớ mẹ của một cậu bé xa quê có lẽ đã khiến nhà thơ bé viết nên những dòng thơ mang một vẻ đẹp nhiệm màu, vĩnh cửu:
“Quả Đất sinh ra Mặt Trời giữa biển khơi
Trên giường biển Mặt Trời đã mọc đầy râu đỏ
…Không ai thương mẹ bằng Mặt Trời thương Quả Đất
Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực
Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng
Con không lặn bao giờ, dù đêm tối mênh mông.”
(Mặt trời)
Và quê hương Quảng Bình của cậu bé Hoàng Hiếu Nhân hiện lên trong những dòng thơ thiết tha, đau đáu:
“Con cò cõng nắng sang sông
Ngoại ra vườn cải tóc bông hóa vàng”
(Bà ngoại)
Hình ảnh “Cánh chim chạm nắng rực trên mái trường” với tiếng chim trong trẻo “Hàng xoan chiêm chiếp xanh rì tiếng chim” (Tiếng chim)
“Dòng sông chở nước cho khơi
Chở trăng cho sóng, chở trời cho sao”
(Dòng sông)
“Những con thuyền đói cá
Buồn ưỡn ngực ra khơi”.
(Biển)
Ước mơ được khám phá thế giới của cậu bé Hoàng Hiếu Nhân được thể hiện trong bài thơ “Quả địa cầu” - bài thơ được nhiều trẻ em yêu thích, được sáng tác khi chú của anh – nhà văn Hoàng Bình Trọng tặng cho một quả địa cầu.
“Trục này em vặn quay nhanh
Em đi mấy lượt vòng quanh địa cầu
Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu
Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem”
Nhưng tình yêu hồn nhiên vẫn dành tất cả cho đất nước mình:
“Chẳng đâu bằng đất nước em…
Cậu bé Hoàng Hiếu Nhân dành một tình cảm đặc biệt cho những chú bộ đội Cụ Hồ, biểu tượng của người bảo vệ bình yên:
“Có đứa chưa cao bằng tầm khẩu súng
Nhưng biết cách dùng vũ khí dân quân
Có đứa còn giành với em đốt mía, tấm quà
Nhưng sẵn sàng mang hết chuối trong nhà thăm bộ đội”
(Bọn trẻ quê em)
Chú bộ đội Cụ Hồ dũng cảm, tài ba là hình mẫu mà chú bé Nhân luôn ao ước hướng tới:
“Áo anh cả, em mặc dài ngang mắt cá
Quần anh cả, em mặc lên tận cằm
Giày anh cả, em đi lọt thỏm bàn chân
Ba lô anh cả, em mang không nổi
Nhưng em vẫn là bộ đội.”
(Em làm bộ đội)
Thơ Hoàng Hiếu Nhân là những xúc cảm tự nhiên được cất lên từ sâu thẳm một tâm hồn nhạy cảm. Tuy nhiên đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, thơ Hoàng Hiếu Nhân có “ngôn ngữ chắt lọc”“cấu tứ chặt chẽ”“rất sắc sảo và thông minh”.
Hoàng Hiếu Nhân sử dụng nhuần nhuyễn hầu hết các thể thơ của Việt Nam để diễn đạt cảm xúc một cách trọn vẹn và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Thể lục bát mềm mại khi gợi nhắc những kỉ niệm êm đềm trong “Bà ngoại”, “Tiếng chim”, “Dòng sông”, “Con cò”… . Thể thơ bốn chữ, năm chữ thể hiện nét trong trẻo hồn nhiên của trẻ thơ trong “Vườn cây”, “Những chiếc hôn”, “Trăng”, “Hà Nội”, “Biển”… Và thể thơ tự do với cách ngắt nhịp mạnh mẽ thể hiện sự chín chắn trong suy nghĩ, đanh thép trong phát ngôn ở “Bọn trẻ quê em”, “Em làm bộ đội”, “Đánh giặc”…; những vần thơ tự do thể hiện cảm xúc nhớ thương, da diết “Em tôi”, “Tiếng ve”…, và những vần thơ giàu chất suy tưởng trong “Mặt trời”…
Nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân qua đời tháng 2 năm 2014. Dẫu chỉ có chừng 10 năm dành cho thơ ca nhưng những bài thơ hồn hậu, thuần khiết của Hoàng Hiếu Nhân vẫn khiến người yêu thơ lưu luyến.
Nhà thơ Mai Văn Hoan nhận định: “Nhân có gần 10 năm cống hiến, để lại hơn 30 bài thơ và trở thành một trong hai “ông hoàng” của thơ ca thiếu nhi Việt Nam đương đại – điều mà không phải cậu bé nào ở lứa tuổi của Nhân cũng làm được… những vần thơ hay của Nhân sẽ sống dài lâu trong lòng những người yêu thơ. Và không thể không khẳng định rằng, bằng tài năng thiên phú của mình, Hoàng Hiếu Nhân đã góp phần làm nên diện mạo của thơ ca thiếu nhi Việt Nam…”
Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản những tập thơ của các nhà thơ gạo cội Việt Nam, những bài thơ quen thuộc nằm lòng với nhiều thế hệ thiếu nhi: “Ai dậy sớm” (Võ Quảng), “Những bài thơ nho nhỏ” (Phạm Hổ), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Con muốn mặc áo đỏ đi chơi” (Phan Thị Thanh Nhàn).
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV, Sân thơ Thiếu nhi diễn ra tại sân Thái Học, Văn Miếu Quốc Tử Giám vào hồi 9h30 – 10h30, thứ Hai, 22/2/2016 (Rằm Tháng Giêng), độc giả được thưởng thức những bài thơ được nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam yêu thích với một phong cách trình diễn độc đáo, trẻ trung.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về thơ của nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân nói riêng và các nhà thơ nhí thời chống Mỹ nói chung.
|
Ai dậy sớm (Võ Quảng):
Giản dị, ngộ nghĩnh và vui tươi, với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam, những bài thơ của Võ Quảng đã trở thành kỉ vật trân quý được lưu giữ nơi kí ức tuổi thơ. Trong tập thơ này, các em sẽ du hành cùng những “Mầm Non”, “Chị Chổi Tre”, “Anh Đom Đóm”, “Chú voi con”, “Anh Nắng Sớm”… để “Cùng vui chơi”, “Mời vào” và háo hức khám phá thế giới khi “Cả đất trời/ Đang chờ đón” những “Ai dậy sớm” chào bình minh đang tới…
Những bài thơ nho nhỏ (Phạm Hổ):
Trong thế giới ngộ nghĩnh và kì diệu của thơ ca viết cho thiếu nhi của các tác giả Việt Nam luôn có những món quà xinh xắn, dễ thương của nhà thơ Phạm Hổ. Từ “Chú bò tìm bạn”, “Mười quả trứng tròn”, “Bắp cải xanh”… rồi đến những chiếc “Xe chữa cháy”, “Sen nở”, “Mẹ ốm”… “Những bài thơ nhỏ nhỏ” là khúc đồng dao được cất lên từ một tâm hồn đồng điệu với trẻ em và của một tấm lòng nhân hậu vì trẻ thơ…
Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa):
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng được mệnh danh là thần đồng thơ, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I về Văn học nghệ thuật năm 2001 cho ba tập thơ Góc sân và khoảng trời, Bên cửa sổ máy bay và Thơ Trần Đăng Khoa 1966-2000. Tập tuyển này chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu nhất trong thời gian Trần Đăng Khoa còn là học sinh phổ thông.
Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh):
“... Những đứa con là nguồn thi hứng không bao giờ cạn của Quỳnh... Và vì vậy, ta cũng hiểu vì sao thơ văn Quỳnh viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi lại dí dỏm, nồng ấm tình thương như vậy.” (Đông Mai - chị ruột của nhà thơ Xuân Quỳnh)
Tập thơ này tuyển chọn những bài thơ hay nhất của Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi: “Bầu trời trong quả trứng”, “Cây bàng”, “Truyện cổ tích về loài người”, “Con yêu mẹ”, “Tại sao con gà sinh ra”, “Tiếng gà trưa”…
Con muốn mặc áo đỏ đi chơi (Phan Thị Thanh Nhàn):
Bên cạnh một Phan Thị Thanh Nhàn của “Hương thầm”, “Con đường” thanh tao, nhẹ nhàng và đầy kiêu hãnh thì chị còn xuất hiện thật giản dị và trong trẻo ở “Con muốn mặc áo đỏ đi chơi”. Trong tập thơ này, nhiều bài thơ đã gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ như “Làm anh”, “Dặn con”, “Nàng tiên ốc”, “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn”… Có những bài thơ chị sáng tác khi còn là trẻ thơ, có những bài khi trưởng thành chị viết về trẻ thơ. Cho dù tác phẩm của chị sáng tác ra ở thời điểm nào thì độc giả vẫn nhận ra một Phan Thị Thanh Nhàn luôn nhẹ nhàng, thủ thỉ và thân quen.