Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bối cảnh đại dịch trong suốt hai năm qua đã có nhiều tác động tiêu cực tới ngành xuất bản. Tuy nhiên, chính bối cảnh này đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, khiến sách nói (audio book) có sự bứt phá mạnh mẽ trên toàn cầu. Nằm trong xu thế đó, sách nói ở nước ta cũng có những bước tiến nhất định.
Thực hiện thu âm sách nói tại Công ty cổ phần Fonos phục vụ độc giả trên ứng dụng - Ảnh: Báo Tiếng nói Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, xuất bản điện tử, trong đó có sách nói, đã đạt được những thành công đáng khích lệ: “Hiện nay mỗi năm chúng ta chỉ xuất bản khoảng 2.000 đầu sách. Nhưng tôi cho rằng con số đó không phản ánh sự phát triển của xuất bản điện tử. Bởi vì trong vòng có hơn một năm qua thì số lượng các nhà xuất bản điện tử đã tăng gần 3 lần. Như vậy đã cho thấy sự phát triển khá nhanh. Thứ hai là một số đơn vị phát hành điện tử đã bắt nối được với thị trường. Các bạn có thể thấy như Voiz FM, Fonos hay là Waka đều là những đơn vị mà hiện nay đang có lượng bạn đọc rất tốt. Ví dụ như Voiz FM đã có 1,5 triệu lượt bạn đọc, tăng 9 lần trong một năm qua. Đấy là con số rất đáng khích lệ và tôi cho rằng trong thời gian tới với khoảng hơn 1,5 triệu bạn đọc, với khoảng chừng 25 triệu lượt đọc một năm thì đấy là những tín hiệu để ngành xuất bản, nhất là xuất bản điện tử, có điều kiện phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.”
Cũng cần phải nói rằng không phải đợi tới khi phải giãn cách toàn xã hội, sách nói mới được chú ý. Luật Xuất bản năm 2012 đã có một chương dành cho xuất bản điện tử, quy định chặt chẽ về việc xuất bản cũng như phát hành dòng sách này. Trong khoảng thời gian đó, cũng đã có một số đơn vị tư nhân nhanh tay nắm bắt xu thế.
Chị Ninh Thị Hương, Trưởng phòng Nội dung số, Công ty cổ phần dịch vụ văn hóa Delta, trực thuộc Alphabooks cho biết: “Alphabooks đã triển khai sách điện tử từ những năm 2015. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn vì Alphabooks là một đơn vị tiên phong về sản xuất sách điện tử. Sau nhiều năm nghiên cứu, thay đổi các cách thức sản xuất kinh doanh, Alphabooks đã đạt được những thành tựu nhất định. Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại của năm 2022 thì kho sách điện tử của Alphabooks đã lên tới 2.000 đầu sách. Tất cả đều là những tựa sách có bản quyền và chất lượng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Alphabooks đã đẩy mạnh sản xuất sách điện tử, cụ thể là sách nói, với những chủ đề đa dạng và đặc biệt là chủ đề chăm sóc sức khỏe, cách phòng tránh các loại bệnh virus… kết hợp cùng với các đối tác nền tảng để tạo ra nhiều chương trình khuyến mại, nhằm kích thích và đẩy mạnh văn hóa đọc sách điện tử trong thời kỳ giãn cách khi mà mọi người không thể đi mua sách giấy hoặc đến các thư viện mượn sách được.”
Dĩ nhiên, ở giai đoạn ban đầu, không có quá nhiều người mặn mà với việc phát triển sách nói. Vấn đề bản quyền và công nghệ luôn là bài toán khó. Chưa kể, đây là một thị trường thường xuyên “bị dùng chùa, vi phạm bản quyền”, thậm chí “đe dọa” tới việc tiêu thụ các ấn bản sách giấy. Nhưng khi đời sống có nhiều thay đổi: số lượng người dùng smart phone tăng lên, thói quen “nghe” sách được tạo lập…, sách nói được coi phương tiện bổ trợ cho sách giấy và dần có được lượng người mua riêng. Chưa kể, thông qua các hạ tầng công nghệ, sách nói cũng có sức lan tỏa đáng kể, có thể đo đếm trực tiếp thông qua lượt xem, chia sẻ, tải về.
Ông Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News – Trí Việt, nhấn mạnh: “Nghe xong thấy hay thì có thể mua về trên Fahasa, Tiki hay Phương Nam gì đó để về mình giữ vô trong tủ. Vì đọc và nghe là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Nghe là nghe gần như trong vô thức, còn đọc là có chủ đích và thấm vào bằng mắt. Tôi đã từng nghiên cứu rằng hai việc đó bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu nhau. Khi bạn đọc cuốn sách xong thì nghe sách nói. Tôi có một kênh Voiz FM do wewe phát hành thì rất nhiều người đọc xong, nghe lại cuốn sách ở một không gian ba chiều khác thì trí tưởng tượng bay bổng hơn rất là nhiều. Ngược lại, có nhiều nghe xong, quay lại tìm cuốn sách đọc thì lại phát hiện ra những cảm nhận khác, thành ra đó là hai cái khác nhau.”
Là một trong những đơn vị xuất bản quan tâm đến công nghệ, Thái Hà Books cũng không nằm ngoài dòng chảy chuyển đổi số. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books còn luôn khẳng định sách nói sẽ phát triển mạnh hơn ebook do người ta “có thể nghe mọi lúc, mọi nơi, trong cả bốn tư thế đi đứng nằm ngồi”. Chính vì vậy, mặc dù số lượng đầu sách nói chưa nhiều, nhưng đây vẫn là một loại hình được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Hương, Phó Tổng Giám đốc Thái Hà Books chia sẻ: “Thực ra thế mạnh của Thái Hà là sách giấy, sách truyền thống nhưng Thái Hà cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như của Việt Nam. Gần đây, Thái Hà cũng đẩy mạnh phát triển hơn mảng sách về audio cũng như ebook. Những tác phẩm về audio của Thái Hà Books chưa có nhiều. Chúng tôi chỉ có khoảng 300 đến 500 đầu sách đang làm audi mà thôi. Ebook thì mới đâu đấy khoảng 100 đến 200 đầu. Còn hầu hết đều là sách truyền thống.”
Ở các đơn vị xuất bản thuộc khối Nhà nước, việc nhập cuộc có vẻ muộn hơn nhưng cũng có dấu hiệu khởi sắc. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam bật mí về Dự án Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em: “Nhà xuất bản cũng đang trong quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi cũng có một dự án chuyển đổi số gọi là Dự án Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em. Trong dự án này, chúng tôi dành một phần đặc biệt quan trọng là phần chuyển đổi số của xuất bản, gồm có các sách định dạng ebook, audio book và các hình thức phái sinh khác. Chúng tôi hiện nay cũng có liên kết với bên Fonos và bên Voiz FM. Tới đây, Nhà xuất bản cũng có một kênh riêng cho các định dạng sách về ebook, audio book và các hình thức phái sinh khác ở trên Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em.”
Ở nhiều nhà xuất bản, lý do chưa thể sản xuất sách điện tử, trong đó có sách nói, nằm ở câu chuyện hạ tầng công nghệ. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, bộc bạch: “Do quy định về luật của Luật Xuất bản thì hiện nay, các nhà xuất bản phải đảm bảo được hạ tầng công nghệ thì mới được xuất bản ebook, audio book, tóm lại là xuất bản ấn phẩm điện tử. Nhà xuất bản đang lên kế hoạch. Thứ nhất là để thuê nền tảng hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu, quy định của pháp luật để có thể xuất bản được những tác phẩm, sản phẩm của riêng mình trên nền tảng đa phương tiện như audio book, ebook và những loại hình khác như podcast… để đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của bạn đọc hiện nay trên không gian mạng. Thứ hai, chúng tôi có những sự hợp tác, liên kết với các đối tác có năng lực về mặt công nghệ. Hai bên, một bên có công nghệ, một bên có nội dung, phối hợp với nhau để làm ra các sản phẩm, lan tỏa rộng nhất và hiệu quả nhất.”
Trong hai năm đại dịch vừa qua, chúng ta đã chứng kiến cảnh các đơn vị xuất bản gặp khó khăn trong khâu phát hành sách giấy. Sách nói sẽ là lời giải phù hợp cho bài toán này, giúp độc giả có thể tiếp cận tri thức ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.