17 vở diễn trong Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất tại Nhà hát TP Hải Phòng nhận được sự hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình của khán giả, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng. Các vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau, như: chèo, ca kịch, múa rối, kịch nói…, với đề tài phong phú, tất cả đều được đầu tư công phu, tạo nên sự mới mẻ và tương tác sôi nổi giữa nghệ sĩ và khán giả..
Chị Bùi Thị Thu (xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) cùng con trai là Nguyễn Duy Anh rất thích thú khi xem tác phẩm “Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm” của Nhà hát Chèo Hà Nội:"Các vở diễn được đầu tư thế này cho các cháu thì rất tốt, giúp các cháu tập trung hơn, không bị sao nhãng. Được xem trực tiếp, đời sống tinh thần của các con phong phú hơn, các con cảm nhận sâu sắc hơn về tính lương thiện, tình yêu thương".
"Đây là lần đầu tiên con được đi xem một vở chèo tại Nhà hát, con cảm nhận vở diễn rất hay, được đầu tư về nhân vật. Xem vở này, con học được một điều là phải có lòng lương thiện và yêu thương những người khác".
Sự đón nhận của người xem cho thấy khán giả không hề quay lưng với sân khấu truyền thống. Thế nhưng, cơ hội để các em thiếu nhi được tiếp cận và thưởng thức các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các chương trình chất lượng không nhiều. Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi hiện nay còn ít; các nhà hát, đoàn nghệ thuật đều gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản hay. Nhiều tác phẩm được dàn dựng lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài, thiếu các tác phẩm mang tính truyền thống, có nội dung và màu sắc văn hoá Việt Nam.
Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, sân khấu thiếu nhi hiện nay chú trọng nhiều đến tính giải trí hơn những yếu tố văn hoá, giáo dục. Trăn trở việc này, Nhà hát Kịch Hà Nội đã 8 năm đằng đẵng theo đuổi đề án “Sân khấu học đường” và may mắn được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2022. Đến nay, Nhà hát đã dàn dựng được 6 vở diễn phục vụ các em nhỏ các độ tuổi, từ Tiểu học tới Trung học phổ thông. Theo NSND Trung Hiếu, đa phần các tác phẩm đều được Nhà hát dàn dựng dựa trên các tác phẩm trong sách giáo khoa, những đề tài lịch sử, với mong muốn bồi đắp tầm hồn, tình yêu văn hoá dân tộc cho các cháu thiếu nhi.
NSND Trung Hiếu nói: "Nhà hát phân loại các tác phẩm của các cháu cấp 1, cấp 2, cấp 2; dựa trên các tác phẩm văn học đó, mình mới chuyển thể ra thành tác phẩm sân khấu kịch nói. Từ tác phẩm sân khấu kịch nói đó, mình mới dàn dựng trên sân khấu. Bây giờ, đòi hỏi của sân khấu càng ngày càng cao hơn, Nhà hát cũng mong muốn làm sao đưa được những nét văn hoá truyền thống của dân tộc vào để các cháu hiểu hơn về văn hoá của dân tộc mình, hiểu hơn về lịch sử của dân tộc mình".
Dàn dựng tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi đã khó, dàn dựng được các tác phẩm chất lượng, có định hướng giáo dục, thẩm mĩ tốt cho các em còn khó hơn nhiều lần. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương có hoạt động sân khấu nghệ thuật dành cho thiếu nhi sôi nổi nhất cả nước. Tuy nhiên, hầu hết các sân khấu đều nghiêng về khai thác tiếng cười, ít chú trọng định hướng thẩm mĩ cho các em.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói: "Tiếng cười đồng ý là phải có để dành cho các em nhưng nó không được là tiếng cười mang tính cảm xúc bình thường, nó phải cảm nhận thế nào. Rồi sự biến tướng của những mảng trò hay các nhân vật diễn viên, từ giả gái, giả trai không hợp lý, ví dụ vậy. Gần như các sân khấu hiện nay đang bị lạm dụng việc đó".
Để khắc phục tình trạng khan hiếm đề tài, kịch bản chất lượng phục vụ khán giả nhỏ tuổi, Hội Nghệ sĩ sân khấu đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản cho trẻ em; từ đó, giúp các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật tìm kịch bản phù hợp, đưa vào dàn dựng phục vụ khán giả nhỏ. NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, hằng năm, Nhà hát cũng tổ chức viết kịch bản dành riêng cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; mỗi vở diễn đều có sự nghiên cứu kỹ đối tượng để có sự dàn dựng phù hợp với tâm lý lứa tuổi, qua đó truyền tải đến các em những thông điệp và bài học bổ ích. Bên cạnh khâu kịch bản, đội ngũ sáng tạo của Nhà hát cập nhật các yếu tố mới, ứng dụng những công nghệ mới, chú trọng sự tương tác giữa nhân vật với khán giả, lôi cuốn các em vào câu chuyện.
NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết: "Đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là các chương trình talkshow rất thú vị để các con có thể trao đổi với các chuyên gia khách mời về nhân vật, nội dung vở diễn, liên hệ thực tiễn. Sự cộng hưởng giữa diễn viên với khán giả tạo nên một không khí sân khấu học đường rất sôi động, bổ ích".
Hiểu được các em mong muốn những gì để những người làm nghệ thuật có những tác phẩm sân khấu phù hợp. Nội dung hữu ích và hấp dẫn kết hợp công nghệ hiện đại, các chương trình giao lưu... sẽ tạo được "sân chơi văn hóa" thu hút khán giả nhỏ tuổi. Những tác phẩm nghệ thuật chất lượng không chỉ giúp các em nhỏ thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng mà còn mang đến những bài học bổ ích, giúp các em hiểu hơn về văn hoá dân tộc, là kỷ niệm đáng nhớ trong tuổi thơ tươi đẹp của các khán giả nhỏ tuổi.