(VOV5)- Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch giao lưu với các nhà văn họa sĩ Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 25/6/2014 vừa qua, đoàn Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi do Hội nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp triển khai đã tới giao lưu với các nhà văn, họa sĩ tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, đoàn cán bộ của Dự án đã chia sẻ về chủ đề của cuộc vận động sáng tác (VĐST) năm 2013-2015: “Gõ cửa Trái tim” dành cho thể loại văn xuôi và “Ngày tôi gặp…” dành cho thể loại tranh truyện. Nhiều nhà văn, họa sĩ đất Mỏ đã tham dự giao lưu và có những chia sẻ chân tình, thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề sáng tác cho thiếu nhi hiện nay.
Theo Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch: “Ban tổ chức mong muốn gửi đi thông điệp: Hãy sống yêu thương, nhân ái với mọi người. Thông qua những trang viết của các nhà văn, họa sĩ, các em sẽ biết cách hòa nhập với cộng đồng, biết yêu thương và chia sẻ với những cuộc đời quanh em...” Các tác phẩm tham dự cuộc vận động đủ chất lượng sẽ được Nhà xuất bản lựa chọn đưa vào kế hoạch in, và năm 2015 vẫn được tham gia xét giải.
Ở giai đoạn 1 của Dự án, các nhà văn họa sĩ tập trung vào sáng tác theo thể loại giả tưởng, bởi theo khảo sát của các chuyên gia Đan Mạch, ở Việt Nam các tác phẩm văn học giả tưởng cho thiếu nhi chưa nhiều. Sau thành công của giai đoạn 1, giai đoạn 2 tập trung vào phương pháp sáng tác hiện thực - đây là một trong những thế mạnh của các cây bút Việt Nam.
Nhà văn Trần Nhuận Minh bày tỏ, những tác phẩm viết cho thiếu nhi theo phong cách giả tưởng vẫn là một mảnh đất mới lạ với các nhà văn Việt Nam, do con người mấy ngàn năm đánh vật với thiên nhiên, đói quá, đánh giặc dữ quá, thế nên tính hiện thực cao, trong khi viết theo phong cách giả tưởng cần mơ mộng, tưởng tượng thì sẽ rất khó, dù rất hay. Ông cũng thành thực chia sẻ: “Chúng tôi đều là các tác giả xuất thân từ giai cấp công nhân, quen với phong cách hiện thực. Viết cho trẻ em không dễ, trong nhà văn phải có một giọt phẩm hạnh đặc biệt nào đó để có thể viết cho con trẻ.”
Nhiều nhà văn cho biết, họ cũng viết cho thiếu nhi, nhưng vì không có mối quan hệ với Nhà xuất bản nên viết xong cũng không biết gửi như thế nào, vì vậy, những cuộc giao lưu gặp gỡ như thế này là vô cùng cần thiết, là động lực để họ sáng tạo.
“Trẻ em vẫn rất quan tâm đến văn học, các sáng tác văn học mới, điều đó thể hiện qua việc sách của Dự án được bán rất tốt”, bà Lê Thị Dắt chia sẻ và mong muốn các nhà văn, họa sĩ hãy dành thời gian, tâm huyết quan tâm đến nhu cầu đọc của trẻ em hơn nữa.
Trong khuôn khổ của Dự án, 7 cuộc vận động liên tục được phát động trong 8 năm qua, với 2600 tác phẩm được các nhà văn, họa sĩ trong cả nước tham gia, trong đó có 179 tác phẩm là tranh truyện, 91 tác phẩm đoạt giải được nhà xuất bản in và giới thiệu với bạn đọc. Chính các cuộc VĐST đã mang lại nguồn bản thảo mới với những sáng tác mang đậm hơi thở cuộc sống, thể hiện cuộc sống sinh hoạt, học tập của các em trong một xã hội đã phát triển./.