Song lang, một bộ phim rất đẹp về tình người của điện ảnh Việt vừa được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 17/8. Một bộ phim hấp dẫn dành cho khán giả, nhưng lại không có được lượng khán giả nhiều như nó đáng phải có.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bộ phim gây chú ý từ những cảnh đầu tiên. Câu chuyện cuộc đời gã “đầu gấu” trẻ thoạt trông có vẻ lạnh lùng, có biệt danh Dũng thiên lôi, lôi cuốn người xem theo từng chuyển động, trên nền bối cảnh Sài Gòn những năm 80 – với ngổn ngang những tréo ngoe của cuộc sống khó khăn, đổ vỡ.
Song lang lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ 20.. - Một cảnh trong phim |
Đạo diễn Leon Lê kể rằng, phần hình ảnh, có những yếu tố đúng mong muốn ban đầu, nhưng có những yếu tố nảy sinh do khó khăn về kinh phí, về môi trường… mà lại trở thành may mắn: “Khung hình của phim được xài tỷ lệ 3/2 - tỷ lệ của những tấm ảnh, là tỷ lệ phim Việt Nam chưa có ai và thế giới cũng ít xài, vì thường thường người ta dùng tỷ lệ 4/3 của khung tivi.
Leon và đạo diễn hình ảnh Bob quyết định dùng khung hình này vì giới hạn về kinh tế, không thể dàn trải ra khung hình 16/9. Leon quyết định nếu không làm được đúng ý mình, thì phải tìm cách khác để hiệu quả hơn. Đó là làm cho nó nhỏ lại, và cao hơn. Vì tất cả những bối cảnh mình đi kiếm có được lợi thế là những mảng cao rất đẹp, rất nhiều chi tiết. Mình nhận ra khung hình nhỏ này thật ra thích hợp hơn cho bộ phim, vì nó gói ghém lại không gian của diễn viên. Đây không phải là một bộ phim hoành tráng. Chính vì khung hình đó, chính vì góc đó mới ra được tinh thần của bộ phim."
Câu chuyện đẹp đẽ của hai người đàn ông có tính cách, hoàn toàn trái ngược, tình cờ gặp nhau - Cảnh trong phim. |
Song lang là phim dài đầu tay của Leon Lê, người từng được nhắc đến như diễn viên Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch Broadway, người đã trở về để tìm một con đường mới trong nghệ thuật điện ảnh, vốn còn vô cùng khó khăn nhưng cũng rất nhiều cơ hội ở Việt Nam.
Trong mặt bằng chung phim Việt đã trình chiếu thương mại tại các rạp thời gian gần đây, có thể thấy Song lang đứng ở vị trí đầu bảng về cách kể một câu chuyện điện ảnh cổ điển, tuy không mới so với thế giới, nhưng đẹp đẽ và ngập tràn cảm xúc về tình người với người, về những đổ vỡ, mất mát và những kiếm tìm ý nghĩa của đời người.
"Cuộc đời của Dũng như một tấn tuồng" - Bộ phim không cố tạo màu sắc cổ, vì "bối cảnh, phục trang, không gian đã mang tính chất cổ rồi" |
Đạo diễn Leon Lê kể: “Nhiều người rất nhầm lẫn là Leon và Bob cố tạo ra màu sắc cổ. Thật ra điều này không hoàn toàn đúng. Màu sắc trong phim thực ra rất rực rỡ. Vì Leon muốn đúng như tiêu đề của phim là sân khấu và cuộc đời hoà quyện, cuộc đời cũng như một tấn tuồng. Đó là lý do nhiều người bảo: Ồ nhiều lúc đánh đèn điệu quá! Vì mục đích của mình, góc nhìn của mình là cuộc đời như một cái màn sân khấu. Cuộc đời của Dũng cũng là một tấn tuồng. Cái tứ này đến từ việc từ xưa đến giờ có rất nhiều người nói: Xời, đúng là chỉ cải lương mới thế ở ngoài đời làm gì có chuyện! Nhưng càng lớn, càng đi nhiều, càng đọc nhiều. càng thấy nhiều mới thấy là, trời, cuộc đời éo le như một tấn tuồng vậy. Rất nhiều sự éo le mà mình nghĩ chỉ cải lương, chỉ phim ảnh mới có nhưng thật ra cuộc đời đầy rẫy, nhất là trong một xã hội còn đang phát triển như Việt Nam. Ý tưởng mà Leon muốn đưa ra đó là sân khấu cuộc đời hòa quyện, ánh đèn sân khấu và ngoài đời là một.
Nhưng tại sao lại có thể gây nhầm lẫn như thế? Leon Lê lý giải: “Khi đưa ra rạp, thì rạp Việt Nam máy chiếu không được setup chuẩn. Rất nhiều rạp giảm bóng đèn máy chiếu để tăng tuổi thọ bóng. Và mỗi rạp tăng giảm tùy theo ý thích. Điều này không bao giờ xảy ra ở nước ngoài. Nên khi phim ra rạp, người xem rạp này người xem rạp kia, có người mới nghĩ: Ủa, hình như đám này thích già cổ, màu bị mờ, bị tối vv… Thật ra phim không hề tối và không hề giả cổ. Chất liệu giả cổ nằm trong phim sẵn rồi . Bối cảnh, phục trang, không gian mình tạo ra trong phim đã mang tính chất cổ rồi, chứ mình không chỉnh màu. Để thấy được đúng màu săc của phim, quý vị phải xem ở trailer trên mạng. Đó là màu gần đúng nhất được chọn cho bộ phim.”
Những khung hình gợi nhiều tầng lớp ý nghĩa, gợi nhiều tầng lớp liên tưởng khác nhau. Và âm nhạc trong phim cũng là một điểm cộng.
“Phần âm nhạc Leon may mắn tìm được anh Tôn Thất An, con nhạc sư nổi tiếng Tôn Thất Tiết từng soạn nhạc cho ba bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. Qua một sự gặp gỡ tình cờ may mắn anh Tôn Thất An đã nhận lời đảm nhận phần nhạc cho phim với một kinh phí rất khiêm nhường. Và một trong những đòi hỏi đầu tiên của Leon là tất cả nhạc công phải là nhạc công thật chứ không được xài máy tính. Nếu không đủ tiền để nhiều nhạc cụ, thì giảm thiểu phần nhạc công, nhưng bắt buộc phải nhạc công đánh sống. Vì không có máy móc nào có thể thay thế được cái tinh thần của một người nhạc công thực sự ngồi đánh. Nhất là khi họ xem bộ phim và đánh theo bộ phim, không có một máy móc nào có thể thay thế được tinh thần đấy.” – Leon Lê nói.
Isaak đã hoàn toàn lột xác trong vai diễn chàng nghệ sĩ cải lương Linh Phụng. - Cảnh trong phim |
Nếu không kể đến tên tuổi của “thái tử” nhạc trẻ Isaak , đã hoàn toàn lột xác trong vai diễn chàng nghệ sĩ cải lương mới nổi của vở diễn Mỵ Châu Trọng Thủy, một vai diễn đủ thuyết phục để người xem tin đó là hiện thân cho cái đẹp khiến cho những trái tim lạc lối phải quay về; thì Liên Bỉnh Phát lần đầu đóng phim điện ảnh, cũng thuyết phục người xem rằng, đó thực là gã giang hồ Dũng Thiên lôi, kẻ có đời sống nội tâm đầy phức tạp, có câu chuyện đời đáng để chạm đến tim kẻ khác.
Liên Bỉnh Phát khiến người xem tin anh thực là Dũng thiên lôi, gã giang hô có câu chuyện đời đáng để chạm đến trái tim kẻ khác. - Cảnh trong phim |
Liên Bỉnh Phát cho biết: “Phát đến với Song lang trong một cái duyên rất tình cờ. Đó là một buổi đang ngồi ăn cơm trưa thì được ekip làm phim gọi đi casting. Quá trình casting cũng không suốn sẻ gì, trải qua 4 tháng trời, với rất nhiều lần đi lên đi về. Thật sự rất áp lực vì đây là phim đầu tiên Phát được tham gia trong lĩnh vực điện ảnh. Là một người mới, một diễn viên tay ngang mà lại được nhận vai chính, Phát có một tâm lý khá nặng. Để đảm bảo được tròn trách nhiệm vai của mình trong phim, đã có sự hỗ trợ rất nhiều của đạo diễn Leon”.
“Liên Bỉnh Phát bước vào phòng casting, tôi thấy được ngay tinh thần, hình dáng thấp thoáng của nhân vật mà mình đã suy nghĩ, vẽ trong đầu hai năm trời. Và khi mà Phát có thể đáp ứng được yêu cầu diễn xuất, phải nói Leon mừng như bắt được vàng. Càng mừng hơn nữa khi sản phẩm của mình ra đời, mọi người nói chọn lựa của mình là sáng suốt. Vì hơn cả phần diễn của Isaak, đây là phim về Dũng. Cả một bộ phim nằm trên vai của Phát. Và nếu chọn lựa nhân vật Dũng sai thì cả bộ phim bị tan tành hết.”- Leon Lê cho biết.
Song lang xứng đáng có một lượng khán giả đến xem nhiều hơn đã từng,. Lý do cho việc đáng tiếc ấy, có lẽ một phần lại từ việc quảng bá phim. Đáng kinh ngạc là, được PR khá nhiều, mặc dù những úp mở của truyền thông rằng câu chuyện phim về cái đẹp của nghệ thuật cải lương, về có hay không một mối tình đồng tính nam vv..và vv…nhưng sự thực sức hấp dẫn của Song lang, không nằm ở những lớp nghĩa đen của ngôn từ như thế.
Nhiều khán giả, khi đã xem phim, sẽ có chung cảm giác này với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Tôi không nghĩ phim lại khác so với thông tin truyền thông đến như thế. Ban đầu tôi biết Leon Quang Lê vì bạn ấy đã làm những phim ngắn rất hay. Và tôi tin là những nhà làm phim khi làm phim dài đầu tay thì rất cần sự giúp đỡ, sự cổ vũ, nên tôi đi xem để cổ vũ cho đồng nghiệp. Khi đọc thông tin trên truyền thông tôi thấy không thuộc tạng phim mà mình quá yêu thích, vì nếu một bộ phim về cải lương - bộ môn nghệ thuật với mình hơi xa lạ, thì thú thật cũng thấy đâu đó hơi có chút ít ngần ngại. Nhưng khi xem, mình phát hiện ra không phải như vậy.”
Khán giả tham gia giao lưu với đạo diễn và diễn viên Song lang tại quán vườn Ơ kìa Hà nội của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. - Ảnh: FB Ơ kìa Hà Nội |
Chiều tối 30/8, Leon Lê và Liên Bỉnh Phát có buổi chiếu phim ngắn, nói chuyện với khán giả Hà Nội ở khu vườn xinh xẻo Ơ kìa Hà Nội do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức với cái tình của người yêu và sống vì cái đẹp.
Từ trái qua: diễn viên Liên Bỉnh Phát, đạo diễn Leon Lê và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong buổi giao lưu với khán giả. - Ảnh FB Ơ kìa Hà Nội |
Và lý do, mà Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức cuộc gặp gỡ đó, vì: “Đây là một bộ phim rất hay, kể về tình yêu giữa con người với con người, giữa người nghệ sĩ với nhau, giữa con người với nghệ thuật, giữa con người với cuộc đời.
Nó cũng cho mình thấy những khoảng chuyển biến không phải chỉ của Sài gòn không mà còn rộng hơn như thế. Và cũng cho thấy sự chuyển biến rất quan trọng trong con người nói chung, giữa thiện và ác, giữa chính và tà. Tất nhiên không phải cứ làm như vậy sẽ là một phim hay, có điều Leon Quang Lê rất giỏi vì bạn ấy đã làm ra một bộ phim hấp dẫn.
Và mình vốn yêu thích những bộ phim hấp dẫn, những bộ phim vì khán giả, nên ngay lập tức mình biết rằng Song lang là một bộ phim có màu sắc tác giả nhưng thực chất là phim dành cho khán giả. Và mình hỗ trợ Leon vì quá ngạc nhiên khi một phim hấp dẫn và vì khán giả như vậy mà lại không có được số lượng khán giả xứng đáng như lẽ ra nó nên cần có.”
"Nhà rạp tự ý giảm công suất bóng đèn chiếu để tăng tuổi thọ bóng đèn nhưng cực kỳ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh phim. Với Song lang, các rạp chiếu cũng đã không công bằng với phim này khi xếp cho nó suất chiếu không thuận giờ" - Đạo diễn Phan Đăng Di.