"Sức sống mới” – dàn nhạc giao hưởng tre nứa duy nhất tại Việt Nam

(VOV5) - Với “Sức sống mới”, âm nhạc được pha trộn sáng tạo giữa cổ điển - hiện đại, giữa hòa thanh phương Tây với những nhạc cụ tre nứa Việt Nam.


Cây tre vốn rất thân thuộc với đời sống người Việt từ ngàn đời nay, từ làm vật dung trong đời sống sinh hoạt đến làm nhạc cụ. Bởi vậy, khi nói đến nhạc cụ tre nứa, nhiều người thường nghĩ đến nhạc dân tộc. Thế nhưng đã có một ban nhạc làm được điều mà chưa ai làm được ở Việt Nam, sử dụng các loại nhạc cụ tre nứa biểu diễn nhạc giao hưởng, với mong muốn đưa các loại nhạc cụ dân tộc ra với thế giới và đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam.

Dàn nhạc giao hưởng tre nứa đang biểu diễn cho công chúng.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:





“Thú vị quá, quả là một hình thức biểu diễn âm nhạc mới mẻ. Rất hay”.

“Em cảm thấy rất thích thú. Mặc dù đã biết đàn T’rưng từ lâu rồi, nhưng không thể nghĩ là lại có thể kết hợp giữa nhạc phương Tây với nhạc cụ phương Đông. Kết hợp được như vậy giúp nâng tầm nhạc cụ và âm nhạc Việt Nam, giúp nhạc cụ Việt Nam càng trở nên có giá trị hơn”. (Nguyễn Thị Hồng,  sinh viên Học viện Tư pháp)

 “Thật hay. Tôi chưa từng nghe và nhìn thấy những nhạc cụ này. Thậy thú vị”.

Chỉ với 4 chiếc đàn T’rưng, 1 chiếc Ching’ram và 1 chiếc Đinh Pá, nhạc trưởng trẻ tài năng Đồng Quang Vinh, người đã có 9 năm học tập và đạt thành tích xuất sắc tại Học việc Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc), cùng 5 thành viên khác trong nhóm đã mang đến tác phẩm “Ave Maria” của nhạc sĩ lừng danh Schubert trong sự tán thưởng và bất ngờ đầy thú vị của người nghe tại buổi hòa nhạc mừng Giáng sinh 2016 tại Viện Goethe, Hà Nội.

“Sức sống mới” mới thành lập khoảng 3 năm nay, có 6 thành viên, tuy nhiên số lượng nhạc cụ thì không dừng lại ở đó mà nhiều hơn thế bởi phụ thuộc vào bản nhạc được trình tấu. Điều đặc biệt hơn, toàn bộ nhạc cụ của ban nhạc được cha nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, là NSƯT Đồng Văn Minh chế tác, đồng thời được cải tiến và sử dụng sao cho phù hợp với sân khấu hàn lâm. Vinh chia sẻ: “Sức sống mới” sử dụng nhạc cụ truyền thống Việt Nam đương nhiên có cải tiến, vì chúng không chuẩn theo hệ bình quân luật. Các nhạc cụ sẽ được Tây phương hóa, cổ điển hóa sao cho phù hợp. Tức là, mình vẫn giữ những nhạc cụ mang tính màu sắc của các dân tộc thiểu sổ Việt Nam và có cả nhạc cụ cải tiến, ví dụ sáo 6 lỗ là truyền thống, 10 lỗ là cải tiến, đàn T’rưng 1 dàn là truyền thống, 3 dàn là cải tiến”.

Anh Đồng Quang Vinh đang say sưa biểu diễn với nhạc cụ của mình


Nói đến “Sức sống mới” ngày hôm nay không thể không nhắc đến dàn nhạc dân tộc “Tre Việt” do các thành viên gia đình nghệ sĩ Đồng Văn Minh sáng lập từ năm 1993 và đã từng biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Đồng Quang Vinh đã khôi phục lại và tiếp thêm “Sức sống mới” cho “Tre Việt” bằng nhạc giao hưởng. Và với “Sức sống mới”, âm nhạc được pha trộn sáng tạo giữa cổ điển - hiện đại, giữa hòa thanh phương Tây với những nhạc cụ tre nứa Việt Nam. 


Đi tiên phong là chấp nhận thách thức. Để có những buổi biểu diễn chất lượng và thăng hoa, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã phải trải qua nhiều đêm trăn trở, sửa đi sửa lại, thậm trí bỏ đi viết lại từng nốt nhạc, mỗi bản phối. Đó là chưa kể còn bao buổi tập của các thành viên trong nhóm. Nhiều dự án âm nhạc kéo dài hàng năm, thậm trí vài năm. Vinh chia sẻ: “Cái khó ở đây là viết nhạc tre nứa, chẳng ai phối khí cho mình cả. Mà phối khí và sáng tác là điều mình cảm thấy rất khó vì phải nghĩ ra cái mới mà người khác chưa bao giờ làm ra. Từng nốt nhạc viết ra rồi lại tẩy. Có những giai điệu mất bao công sức viết ra rồi lại bỏ đi vì thấy không ăn nhập. Thậm chí có những tác phẩm viết xong rồi, nhưng một năm hoặc vài năm sau thấy không được lại bỏ đi. Cái khó đầu tiên ở đây là làm cho ra 1 tác phẩm hợp lý, có chủ đề, có tư tưởng, hay về âm sắc, hay về hòa thanh và phù hợp với biểu diễn nhạc cụ tre nứa”.

Đàn T'rưng là nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc giao hưởng tre nứa


Nhưng chính nhờ sự khác biệt và tài tình trong phối khí, hòa thanh, “Sức sống mới” luôn nhận được sự chào đón của các Trung tâm văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam, như Trung tâm Văn hóa Pháp hay Viện Gớt của Đức. Mỗi buổi diễn thường không còn chỗ trống. Ông Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Gớt nhận xét: “Đây là cách kết nối rất tốt giữa đất nước chúng tôi với đất nước Việt Nam của các bạn, cũng như tạo nên các cuộc đối thoại văn hóa nhiều nhất có thể. Với chúng tôi, đây là cách làm điển hình và đơn giản để có thể tương tác với nhạc cụ và truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi thực sự thích và yêu mến loại hình biểu diễn âm nhạc này. Điều quan trọng với chúng tôi không phải chỉ là biểu diễn âm nhạc phương Tây, mà còn là tương tác với truyền thống của Việt Nam”.

Mới mẻ, khác lạ chính là lý do để các thành viên gắn bó với dàn nhạc. Trương Thu Hương là người đã có 3 năm đồng hành cùng “Sức sống mới” từ khi còn là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đến nay đã là 1 giảng viên của Trường Đại học Văn hóa Hà nội. Nói về ý tưởng thành lập ban nhạc của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, Hương đầy hào hứng: “Em thấy nó rất là mới lạ. Bây giờ, mọi người thường đi theo trào lưu nhạc Pop và nhiều loại nhạc thị trường khác, nhưng anh Vinh lại có ý tưởng dùng nhạc cụ dân tộc đánh các tác phẩm phương Tây, nhạc giao hưởng, đó là điều rất mới. Chính vì vậy em rất muốn thử, rất muốn học hỏi”.

Để có một “Sức sống mới” với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại, đối với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh yếu tố gia đình và môi trường học tập là vô cùng quan trọng: “Mình rất là may khi sinh ra trong 1 gia đình cả bố và mẹ đều hoạt động âm nhạc, 1 người nhạc phương Tây, 1 người nhạc phương Đông. Và mình cũng rất hạnh phúc khi được học ở Học viện Âm nhạc Thượng Hải. Ở đây, khi đi trong trường bạn có thể gặp rất nhiều vĩ nhân cả phương Đông và phương Tây. Seiji Ozawa hay Riccardo Muti mình được gặp thường xuyên, nên cảm nhận sự kết hợp Đông Tây 1 cách hết sức tự nhiên. Và mình rất vui khi cũng có thể kết hợp như vậy”.

Sự kết hợp tinh tế giữa nhạc cụ truyền thống của Việt Nam với những tác phẩm âm nhạc cổ điển của “Sức sống mới” đã đem đến cho khán thính giả trong và người nước những đêm diễn mới lạ, trong trẻo và đầy cảm xúc, thổi một luồng gió mới, một cái nhìn mới về âm nhạc cổ điển – thể loại vốn được cho là hàn lâm và kén người nghe ở Việt Nam, đồng thời giúp quảng bá, nâng tầm nhạc cụ tre nứa Việt trong lòng bạn bè quốc tế và nền âm nhạc thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác