(VOV5) -Với đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dần trở nên quen thuộc, người viết đã có những tìm tòi đổi mới như thế nào để không lặp lại người khác và lặp lại chính mình?
Đã hơn 50 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xa lìa nhân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Người vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều người thuộc đội ngũ sáng tác, phê bình văn học. Cũng chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên, khi trong 228 giải thưởng của cuộc thi “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ giai đoạn 2018-2020” có nhiều tác phẩm thơ, tiểu thuyết và phê bình nghiên cứu văn học. Trong số đó, có những người đã dành hàng chục năm chỉ để theo đuổi đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với một đề tài đã dần trở nên quen thuộc, người viết đã có những tìm tòi đổi mới như thế nào để không lặp lại người khác và lặp lại chính mình?
“Vì Người đã hy sinh từ bỏ mọi tên
Để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhin
Để chỉ còn là… có gì đâu khác…
Là đất nước, là máu xương Tổ Quốc”
Khi nhà thơ Cuba Phê-líc Pi-ta Rô-đri-ghết viết bài “Hồ Chí Minh - Tên Người là cả một niềm thơ”, dường như ông đã nói hộ tâm tư của nhiều người. Sự mẫu mực trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, bền bỉ của nhiều nhà sáng tác, phê bình, trong đó có GS. Phong Lê. Gắn bó với những công trình nghiên cứu về thơ văn Hồ Chủ tịch, mà sớm nhất có thể nhắc đến cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại” in vào năm 1986, cho tới nay, ông vẫn miệt mài theo đuổi đề tài này như một cách chim không mỏi.
Các tập thể, cá nhân nhận giải A- Ảnh: Báo Nhân Dân. |
Với tác phẩm phê bình và nghiên cứu văn học “Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh” vừa nhận giải A cuộc thi “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ giai đoạn 2018-2020”, Giáo sư Phong Lê tiếp tục khẳng định Hồ Chí Minh là một tác giả quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại: "Tôi là người nghiên cứu văn học, là một bộ môn của khoa học xã hội. Và trong văn học, đơn vị quan trọng là tác giả của văn học. Về tác giả văn học hiện đại mà nói thì Hồ Chí Minh, người thỏa mãn tối ưu yêu cầu của văn học hiện đại là cách mạng hóa, đưa dân tộc vào quỹ đạo của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội và về hiện đại hóa. Đó là các tác phẩm trong 50 năm viết của Bác là các tác phẩm đứng ở đỉnh cao của văn học dân tộc. Vì thế, đó là một đơn vị tác giả quan trọng nhất mà tôi phải nghiên cứu.
Cũng giống như GS. Phong Lê, nhà văn Hoàng Quảng Uyên, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, cũng là người dành nhiều năm để viết về đề tài Bác Hồ. Bắt đầu từ năm 2003, với việc đi tìm bản thảo gốc cuốn “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), ông đã viết nhiều tác phẩm như cuốn khảo cứu “Những điều chưa biết về Nhật ký trong tù” và bộ tiểu thuyết “Hồ Chí Minh của tôi” gồm 3 tập: “Mặt trời Pắc Bó”, “Giải phóng” và “Trông vời cố quốc.” Nhà văn của đất Cao Bằng cũng lấn sân sang điện ảnh khi chuyển thể tiểu thuyết sang kịch bản. Với mỗi thể loại, ông đều cố gắng khắc họa chân thực và cảm động hình tượng của Hồ Chủ tịch: "Mỗi người dân Việt Nam đều kính yêu Cụ Hồ và tôi cũng là một người dân. Tôi cố gắng chuyển tải được bằng tác phẩm nghệ thuật của mình. Rất nhiều nhà văn nhà thơ dân tộc miền núi viết rất hay về Cụ Hồ rồi. Ví dụ thơ Nông Quốc Chấn: “Bác Hồ đi vòng quả đất – Bác về mở cửa hang – Mở muôn ngàn con mắt – Đón cờ đỏ sao vàng” hay là nhà thơ dân tộc Dao Bàn Tài Đoàn: “Bác Hồ có trong mọi con mắt – Bác Hồ có trong mọi bàn tay - Lúc nào lòng ta nhớ đến Bác – Bác liền hiện ra trước mắt ngay”. Tôi nghĩ rằng công việc, sự nghiệp viết về Bác Hồ là công việc luôn luôn và mãi mãi. Đó là công việc của trái tim. Và tôi vẫn sẽ viết những tác phẩm về Cụ Hồ."
Trong hơn 220 giải thưởng của cuộc thi “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ giai đoạn 2018-2020”, có những tác phẩm đề cập trực tiếp tới cuộc đời và sự nghiệp của Bác nhưng cũng có nhiều tác phẩm tìm thấy nguồn cảm hứng gián tiếp từ lời phát biểu, dặn dò hoặc từ phong cách sống của Người. Theo chia sẻ của nhà văn Hoàng Việt Quân, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, ông học được ở Bác Hồ tình yêu đối với việc lưu giữ những giá trị lịch sử - bản sắc văn hóa”: "Tôi quan niệm Bác Hồ là người yêu văn hóa. Bản thân Bác là một nhà văn hóa lớn và thế giới cũng công nhận. Và Bác cũng rất cần nhân dân ta cũng như những người làm nghiên cứu, sưu tầm là làm thế nào bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa của các dân tộc, nhất là bây giờ đất nước chúng ta đang hội nhập với quốc tế thì đây là điều hết sức cần thiết. Từ chỗ sáng tác bây giờ tôi chuyển cả sang sưu tầm nghiên cứu và làm thế nào để tất cả những cái này được phát huy."
Trong khi đó, ông Dương Thanh Truyền, tác giả cuốn sách “Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo” lại tìm thấy ở tác phẩm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh một sự mẫu mực về việc sử dụng tiếng mẹ đẻ: "Dựa vào những kí tự đánh máy hoặc viết tay, dựa vào màu mực xanh, mực đỏ, dựa vào những kí hiệu như là bỏ, rồi bổ sung, rồi đảo vị, rồi chọn lại vân vân, thì chúng ta thấy Bác Hồ không chỉ là một người lao động công phu mà còn là một bậc thầy điêu luyện về tiếng Việt. Và có thể nói, nếu nhìn về mặt ngôn từ, Bác để lại chúng ta một giáo trình dạy cho chúng ta về cách sử dụng mà đúng hơn là về cách rèn luyện về tiếng Việt."
Có thể thấy, chỉ riêng trong lĩnh vực văn chương, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dần trở thành một đề tài “luôn luôn và mãi mãi”, như nhận định của nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Nhưng cũng chính ở đề tài quen thuộc này, người viết bắt buộc phải tìm tòi, đổi mới để vượt lên những sáo mòn, cũ kĩ hoặc nói PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác phẩm viết về chủ đề chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” phải có “hiệu quả xã hội”, có sức lan tỏa trong cộng đồng: "Tác phẩm có thể phản ánh những chủ đề không thật mới nữa vì chủ đề này ít nhất cũng đã đi với chúng ta 15 năm rồi, nhưng mà phải mới trong cách nhìn nhận, trong cách khai thác những tình tiết, chi tiết. Hay là ngay cả những đơn vị, cá nhân học tập làm theo Bác thì cách họ làm thế nào, học tập như thế nào và đặc biệt là sự làm theo của họ có sức lan tỏa trong cộng đồng như thế nào. Rồi việc học tập và làm theo Bác có trở thành một phong trào, một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa mang tính tích cực, chủ động, tự giác, thường xuyên hay không?"