(VOV5) - Cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1972) của tác giả Ngô Kim Khôi đã góp phần hé mở về cuộc đời và những tác phẩm của vị hoạ sĩ tài danh nhưng lại có phần bí ẩn của làng mỹ thuật Việt Nam trong những năm thế kỷ 19 và 20.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hoạ sĩ Thang Trần Phềnh sinh năm 1895. Ngay từ khi còn nhỏ, Thang Trần Phềnh đã bộc lộ năng khiếu về vẽ, ông luôn đứng nhất môn hội họa khi học tập tại Trường Bưởi. Trong thuở sơ khai của mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20, Lê Huy Miến, Nguyễn Nam Sơn và Thang Trần Phềnh là những cái tên tạo được niềm cảm hứng lớn. Hiện nay, bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội lưu giữ ba tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh là bức Phạm Ngũ Lão (sơn dầu, sáng tác năm 1923), Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 1927) và Lớp học sơ tán (tranh lụa, 1968). Nhiều nghệ sĩ lão thành có thể còn nhớ đến những hoạ sĩ cùng thời nhưng với Thang Trần Phềnh vì nhiều yếu tố khách quan cùng lớp bụi thời gian mà những tư liệu và tác phẩm của cố hoạ sĩ lưu lạc khắp nơi trong và ngoài nước.
Tác giả Ngô Kim Khôi, là một nhà nghiên cứu mỹ thuật, hiện sinh sống và làm việc tại Paris, Pháp. Ông kể về quá trình ông biết đến cụ Thang Trần Phềnh giống như một cơ duyên.
Họa sĩ Ngô Kim Không ký tặng độc giả. |
Đầu tiên ông làm nghiên cứu về cố hoạ sĩ Lê Huy Miến rồi nghiên cứu tiếp về trường mỹ thuật Đông Dương, cái tên Thang Trần Phềnh luôn gắn bó, trở đi trở lại với hai đề tài nghiên cứu này của ông. Thêm nữa, tác giả Ngô Kim Khôi cũng là cháu ngoại của cố hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn, người bạn vong niên của hoạ sĩ Thang Trần Phềnh. Chính vì lẽ đó ông có nhiều nguồn tài liệu riêng mà người khác không có về cố hoạ sĩ tài danh này.
Buổi ra mắt cuốn sách về họa sĩ Thang Trần Phềnh có sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức.
|
“Trong quá trình tìm hiểu về trường mỹ thuật Đông Dương ra những tư liệu về ông Thang Trần Phềnh, là một người rất nổi tiếng. Và tôi có ví von rằng, trong buổi bình minh của Việt Nam ông Thang Trần Phềnh là một ánh ban mai rực rỡ. Cơ duyên đưa đẩy đến tôi tìm được rất nhiều tài liệu. Cơ duyên đưa đẩy tôi đến gặp gia đình cụ Thang Trần Phềnh và tôi có dịp được giới thiệu bức tranh Hoa sen chưa bao giờ được công bố.”
Trong 5 năm học hành và rèn giũa ở trường Mỹ thuật Đông Dương đã giúp bút pháp của Thang Trần Phềnh có thêm nội lực. Giai đoạn 1931 - 1933, nhiều họa phẩm của Thang Trần Phềnh được gửi sang Pháp và Italy tham dự Triển lãm thuộc địa Paris, triển lãm thuộc địa Rome. Các tác phẩm như Đánh bài Tam Cúc (1930), Xem bói (1931), Thiếu nữ dệt vải (1933), Xuống ngựa, Lý trưởng hỏi thăm đường (1934)... là những bức tranh lụa thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Đông Dương, kết hợp hài hòa kỹ thuật vẽ phương Tây và bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét.
|
Nói về cuốn sách nghiên cứu về họa sĩ Thang Trần Phềnh của tác giả Ngô Kim Khôi, bà Phạm Thị Bích Vân, Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật chia sẻ: “Về phương pháp tiếp cận của anh, nó không giống như những cuốn sách chúng ta từng thấy, cho chúng ta những cái nhìn dễ hiểu, có những nguồn thông tin đáng tin cậy từ gia đình, bạn bè và có dấu ấn lịch sử rõ ràng về một hoạ sĩ chúng ta đặt câu hỏi nhưng hiện giờ chưa có câu trả lời thoả đáng. Tôi hy vọng cuốn sách trả lời được sự thèm khát về nguồn tư liệu của hoạ sĩ Thang Trần Phềnh mà trước đây chúng ta chỉ biết qua ba tác phẩm nằm ở Bảo tàng mỹ thuật”.
Năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Thang Trần Phềnh chuyên tâm theo đuổi nghệ thuật sân khấu, thỉnh thoảng tham gia triển lãm. Có lẽ đây cũng là yếu tố khiến thế hệ sau khó tiếp cận với chặng đường mỹ thuật của ông. Năm 1954, ông cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) đến năm 1963. Suốt chặng đường dài này, kể cả khi hưu trí, Thang Trần Phềnh chưa bao giờ thôi đam mê hội họa và nghệ thuật sân khấu
Nhắc đến Thang Trần Phềnh, giới mỹ thuật sân khấu luôn dành niềm kính phục sâu sắc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Tình, Viện Sân khấu điện ảnh cho rằng: “Đây là một hoạ sĩ mà trong ngành của chúng tôi là ngành mỹ thuật sân khấu, chúng tôi coi đây là một bậc thầy – người Việt Nam đầu tiên làm về mỹ thuật sân khấu. Người đã mang phong cách, dấu ấn dân tộc rất đặc biệt. Trong tất cả cơ quan thuộc về phần nghiên cứu sân khấu dân tộc của chúng tôi, trong các công trình của chúng tôi, không một công trình nào là chúng tôi không nhắc đến hoạ sĩ Thang Trần Phềnh – người đã mở đầu, dẫn dắt chúng tôi trong con đường mỹ thuật sân khấu Việt Nam”
Trong cuốn sách của mình, tác giả Ngô Kim Khôi nhận định “"Bên cạnh nhiều họa sĩ tài danh nước ta, Thang Trần Phềnh là một trong những cái tên nếu không được nhắc đến và ghi nhớ sẽ là thiếu sót lớn cho mỹ thuật Việt Nam. Ông và các bậc tiền bối đã có công tạo nền móng 'tòa nhà' mỹ thuật.” Quả thực nghiên cứu về những bậc tài danh như cố hoạ sĩ Thang Trần Phềnh cũng là một cách để góp phần củng cố nền móng nghệ thuật Việt thêm vững vàng.