(VOV5) - Thành phố và lũ chó là tác phẩm đầu tay của Mario Vargas Llosa, nhà văn đã dành giải Nobel Văn chương 2010. Đây cũng là tác phẩm từng gây chấn động chưa từng thấy trong dư luận xã hội và giới học giả ở các nước Mỹ Latin. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã đoạt giải Biblioteca dành cho tác phẩm hư cấu hay nhất của giới phê bình Tây Ban Nha.
Cùng với các tác phẩm Trò chuyện trong quán La Catedral, Dì Julia và nhà văn quèn, Thành phố và lũ chó đã khẳng định tài năng của một trong những nhà văn Mỹ Latin có ảnh hưởng nhất trong nền văn học đương đại.
Mario Vargas Llosa (sinh 1936), người Pêru, là một trong những nhà văn hàng đầu của Mỹ Latin và thế giới. Tác phẩm nổi bật của ông gồm có La casa verde (1966), Conversación en la Catedral (Trò chuyện trong quán La Catedral, 1969, đã dịch ra tiếng Việt), La tía Julia y el escribidor (Dì Julia và nhà văn quèn, 1977, đã dịch ra tiếng Việt), La guerra del fin del mundo (1981), La fiesta del chivo (2000), v.v.
Ngoài tiểu thuyết, ông còn viết tiểu luận, phê bình, báo chí. Vargas Llosa được Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn chương năm 2010.
Mario Vargas Llosa luôn lo ngại rằng văn học sẽ bị bần cùng hóa khi nó bị cắt đứt khỏi những vấn đề lớn của nhân dân, của xã hội và đời sống. Chính vì vậy, tiểu thuyết đầu tay La ciudad y los perros (Thành phố và lũ chó) ra đời năm 1963 là dựa trên những trải nghiệm của chính ông thời học tại Học viện Quân sự Leoncio Prado ở Lima khi mới 14 tuổi. Cuốn truyện là một bức tranh xã hội xáo trộn, nơi mà độc tài, tham nhũng và sự tha hóa của con người ngự trị. Được giới phê bình đánh giá rất cao, nhưng do cuốn sách chỉ trích mạnh mẽ chế độ quân sự Peru, nên Llosa bị mô tả như “một kẻ bệnh hoạn” và bôi nhọ quân đội Peru.
Câu chuyện lấy bối cảnh Lima, Pêru. Trường quân sự Leoncio Prado. “Nhóm bạn” - một hội nhóm bí mật của đám học viên năm thứ tư, thường tổ chức các vụ trộm cắp, trao đổi những phi vụ bí mật. Chúng đã giao cho Cava, một trong ba thành viên của nhóm, nhiệm vụ đánh cắp đề thi môn Hóa. Nhưng khi đã gần xong việc, Cava lại lỡ làm vỡ một ô kính và vụ việc đương nhiên sẽ bị lộ. Toàn bộ học viên của khóa sẽ bị cấm trại cho đến khi tìm được thủ phạm. Cho đến khi có người phát giác... và kẻ tố giác bị trả thù.
Ngay từ những dòng mở đầu, Mario Vargas Llosa đã đưa chúng ta thâm nhập thẳng vào thế giới của những thiếu-niên-lính. Chúng nhập trường khi mới 14 hay 15 tuổi, xuất thân từ những miền đất khác nhau, vào học ở ngôi trường quân sự này bởi những nguyên nhân cũng rất khác nhau. Nhưng chúng đâu biết rằng những năm quan trọng nhất của thời niên thiếu sẽ phải qua đi dưới sự tàn khốc của chế độ quân phiệt, những kỷ luật hà khắc duy trì trong các khu nhà ở, nơi chúng hút hít, nơi nhu cầu sinh lý của những cậu trai đang lớn được dịp bộc lộ, và đó cũng là nơi chúng đe nẹt, hành hạ lẫn nhau.
Ở đây, những học viên mới vào bị gọi là “chó con”, và chúng sẽ phải tham dự một buổi “khai tâm” mà thực chất là trò hành hạ bị lũ “chó con” của năm trước áp đặt. Không khí căng thẳng, nơm nớp lo sợ của lũ “chó con” dường như bộc lộ rõ ra ngoài qua cách hành văn của tác giả; từng dấu chấm, dấu phẩy, những câu ngắn, dồn dập. Đôi khi không khí truyện như chùng lại, ngưng đọng theo dòng hồi tưởng tưởng như không dứt của các nhân vật, khi Cava lẻn vào lấy trộm đề thi, hay khi Nô Lệ canh cánh nỗi lo bị lộ bí mật.
Thành phố và lũ chó được xây dựng theo bốn giọng kể khác nhau của bốn học viên. Chúng lẫn vào với nhau, không có ranh giới hay khoảng cách, và rất khó để phân định từng giọng kể. Chúng kể về những những chuyện “ngày xưa”, về những việc chúng đã làm, những hành trình chúng đã đi, khi chưa nhập trường quân sự. Chính điều này tạo ra những bước chuyển bất ngờ về thời gian và không gian, khiến người đọc đôi lúc cảm thấy bối rối.
Các nhân vật trong truyện được khắc họa đậm nét với những tính cách điển hình, như Alberto “Nhà thơ”, Trăn, Báo Đen, Cava, hay Nô Lệ. Nếu Alberto “Nhà thơ” và Báo Đen là những kẻ biết tận dụng tài lẻ hay sức mạnh hình thể của mình để chi phối kẻ khác thì Nô Lệ lại là hiện thân của sự yếu đuối, cam chịu.
Từng là học viên của trường Leoncio Prado, hơn ai hết Mario Vargas Llosa hiểu tường tận các góc khuất trong ngôi trường quanh năm kín cổng cao tường này. Bên trong đó là sự hà khắc của kỷ luật quân sự, là sự kìm kẹp phi lý của chế độ quân phiệt, là sự dung túng của các sĩ quan cấp trên. Có lẽ chính vì thế mà khi cuốn tiểu thuyết này được ra mắt, đã có cả ngàn bản sách bị chính các sĩ quan của ngôi trường này đốt bỏ. Nhưng điều đó chỉ thêm phần khẳng định sức tác động mạnh mẽ của cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn khi ấy mới 23 tuổi.
Và như chính lời của Mario Vargas Llosa sau này, Thành phố và lũ chó “giống như một tặng vật trời cho, nhờ nó mà tôi mới bắt đầu cảm thấy giấc mơ từ thuở còn mặc quần đùi của mình đã biến thành sự thật: một ngày nào đó mình sẽ thành nhà văn”./.