Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhà thơ Nguyễn Bá Chung, GS đại học Masachusetts |
Nguyễn Bá Chung là nhà thơ có nhiều bạn đọc tại Boston (Mỹ) và Việt Nam. Tôi gặp anh đã lâu sau mỗi lần anh về thăm Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng phải tới dịp sang Mỹ cùng đoàn nhà văn ở tại nhà anh, tôi mới thấy rất rõ sự dịu dàng trong sự mãnh liệt của thơ cũng như con người Nguyễn Bá Chung.
Thơ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Bá Chung trong lòng bạn đọc, có thể kể đến 3 tập: Mưa nguồn (in 1996, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh); Ngõ Hạnh (in 1997, NXB Văn hóa-Thông tin); Tuổi ngàn năm Đến tuổi sơ sinh, (NXB Hội Nhà văn xuất bản năm1999). Và những vần thơ anh vẫn đang sáng tác,
Nguyễn Bá Chung du học ở Mỹ đã lâu và trở thành một nhà giáo hơn hai mươi năm làm việc trong Trung tâm William Joiner của trường Đại học Massachusetts tại Boston. Nguyện làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ qua việc giới thiệu văn học hai nước để cùng bước sang trang bình thường hóa Việt- Mỹ, đi đến xóa bỏ cấm vận đó là công việc mà anh và bạn bè cùng chí hướng đã dày công làm.
Những ngày ở Mỹ, tôi có dịp đọc hết hết những tập thơ của anh một cách cặn kẽ, có nhiều câu chữ hay, mới, rất Việt Nam
Thời tuổi dại mưa nguồn thao thức ngủ
Cây ngô đồng rũ bóng lặng ngoài hiên
Đời hư thực tôi tắm bờ nước lũ
Sóng phù sa chưa vỡ hết ưu phiền
(Bài Cơn mưa tím)
Trong thơ Nguyễn Bá Chung, cây ngô đồng, núi đồi, sông suối luôn trở lại
với thơ anh rất đa dạng và lấp lánh.
…Thị Vải, Thị Vải
kỳ quan – những con người lặng lẽ
Sóng âm thầm
vỗ vào đất khô,vào đá, vào suối,
vào mạch nước nguồn”
(bài Núi Thị Vải)
Trở lại Việt Nam, nhà thơ muốn tìm về cái hiện tại của Thị Vải và cái dáng xưa
Chỉ thấy trong lòng mình
một mái chùa cong
một sắc nâu vàng giữ nắng.
Cùng với những dòng cảm tác trên, Nguyễn Bá Chung đi trong dòng thời gian hiện tại của Chùa Hương để nhớ về những dấu son lịch sử ngày xa xưa.
“Thuyền theo sông Đáy lướt tênh tênh
Đục bến chèo buông bọt trắng ngần
Chiếc lán ngược dòng xuôi lịch sử
Luy Lâu, Khương Hội đã bao xuân?”
(bài Đi chùa Hương)
Mỗi nơi anh đi qua là ghi lại những giai tầng văn hóa ngàn xưa của dân tộc.“Tôi đi khắp ba miền đất nước”. Tác giả càng đi càng thấy những nét đẹp ẩn sâu mà lấp lánh trong mỗi địa danh, trên mỗi con đường. Điều đó cũng không phải dễ với mỗi người, vì phải rất yêu quê hương mình, yêu Việt Nam, anh mới dày công tìm hiểu từng địa danh, từng dòng sông, ngọn núi của Việt Nam đã in dấu ấn đấu tranh với ngoại xâm để sinh tồn.
Là người sống học tập và làm việc trên đất Mỹ, bằng thơ, Nguyễn Bá Chung ghi lại những nỗi cô đơn, những vật lộn một mình để tồn tại trên đất khách quê người:
“Ta nhớ mãi một mùa đông lãng đãng
Sương mù giăng giăng mờ ánh mặt trời
Cây cỏ lạnh ngàn thu xao xác đứng
Đường dài, mộng cũ, tuyết đầy tay
Đứng giữ trần gian hồn củi mục
Nghe như tiếng gọi tự nơi nào
Khuôn mặt ngàn xưa đâu đã bóng
Về thôi – gió lạnh đã lên cao”.
(bài Mùa đông xứ lạ).
Thơ của Nguyễn Bá Chung có những nét rất giống tính nhân văn và lạc quan cùng sự tinh tế trong thơ của nữ sỹ Mỹ Emily Dickin son (sinh 1830- mất 1886). Mỗi người có một tình yêu riêng, mỗi thế kỷ tình yêu cũng khác, nhưng tính thẩm mỹ của tình yêu ở mọi thời đại đều giống nhau
“Ta chợt hiểu tình yêu là thế đó
Nửa hình hài đâu gói được thiên thu
Trong giây phút tưởng như là gặp gỡ
Em nửa thiên đường, ta nửa phù du”.
(bài Nửa cõi hình hài)
Thơ Nguyễn Bá Chung thể hiện tính nhân văn rất sâu lắng, sự lạc quan và tin yêu. Điều đó, có lẽ xuất phát từ chính cuộc sống, chí hướng của anh. Những năm tháng đại học tại Hoa Kỳ, là khi Nguyễn Bá Chung chứng kiến lớp sinh viên, những người lính Mỹ trở về thấy cuộc chiến tranh ở Việt Nam thật phi lý. Anh cùng dòng sinh viên đi từ Boston lên Washington biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Những năm tháng đó đã hình thành tính cách mềm dẻo trong cư xử, nhưng quyết liệt trong hành động của Nguyễn Bá Chung.
Sau này anh về Trung tâm Joiner cùng với nhà thơ Kevin Bowen. Họ là cặp bạn làm việc ăn ý trong các mục tiêu: xây dựng những giáo trình liên quan đến chiến tranh Việt Nam và tại Trung tâm Joiner “Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả của Chiến tranh”. Cả hai cùng thống nhất trong việc chọn dịch và in những tác phẩm Việt Nam tại Mỹ.
Trung tâm Joiner có những hoạt động mang tính đặc thù riêng như mở những lớp sáng tác văn, thơ, dịch cho các cựu chiến binh Mỹ đã từng sang Việt Nam. Ngay từ những năm đầu 1990, một số nhà văn, nhà nghiên cứu của Việt Nam sang Mỹ thăm Trung tâm Joiner. Nguyễn Bá Chung đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 25 năm của Trung tâm: “… Trung tâm Joiner đã có một đóng góp rất lớn cho sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt - Mỹ, nhất là trong suốt những năm cấm vận ngặt nghèo từ 1975 tới 1994. Cái lớn của sự đóng góp đó không phải do tài chánh, do quyền lực, mà là cái lớn ở tấm lòng. Chính vì ở tấm lòng nên mới có thể hòa giải, mới có thể có những tình bạn chân thực giữa những người Việt và người Mỹ. Và từ tấm lòng đó mới có thể đi đến thơ văn”. .
Nhà thơ Kevin Bowen từng nói: “Nếu không có một nhà văn đặc biệt, người bạn của chúng tôi là Nguyễn Bá Chung thì trung tâm Joiner cũng khó hoàn thành tốt công việc của mình”. Trong hơn hai mươi năm, Trung tâm Joiner đã đón hơn một trăm nhà văn Việt Nam. Năm đầu, các nhà văn sang còn ở tạm nhà Kevin Bowen. Những năm sau, các đoàn nhà văn Việt Nam sang làm việc tại Trung tâm Joiner chuyển sang nhà Nguyễn Bá Chung để ở. Hơn một trăm nhà văn, hơn một trăm tính cách, nhưng anh vẫn ân cần lo giúp mọi việc.
Ngoài Nguyễn Bá Chung, phải kể đến người vợ của anh là chị Phan Thị Chấn cũng phải yêu Việt Nam, thông cảm và hết lòng với công việc của chồng mới có thể ngày ngày cơm nước, chợ búa, nấu ăn cho tổng cộng hơn một trăm nhà văn suốt bao năm qua. Vất vả vậy mà chị vẫn luôn luôn cười vui.
Ngôi nhà nhỏ xinh của anh chị Chung nằm lọt dưới vòm cây sồi, cây phong cho đến tận bây giờ vẫn là chốn đi về thân thuộc của lớp nhà văn, nhà thơ Việt Nam có dịp tới Boston.
Và nhiều nhà văn, nhà thơ Việt từng qua đó cũng không ngừng nhớ về nó như một kỷ niệm sâu sắc trong đời…