Làng quê – Đề tài thấm đẫm ân tình
Dường như ai mới cầm bút cũng viết về làng mình, quê mình, gia đình mình trước khi viết về những câu chuyện, vùng đất xa xôi. Từ thuở mới bước chân vào sáng tác, nhà văn Nguyễn Hiếu đã viết về những điều ông biết và cảm nhận về con người, đất đai của làng quê. Gần 40 năm cầm bút, trong số gần 30 tiểu thuyết, chục tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu, gần 20 kịch bản điện ảnh, nhiều tác phẩm ghi đậm hình ảnh làng Chèm (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), quê ngoại của nhà văn Nguyễn Hiếu.
Nhà văn Nguyễn Hiếu. |
Với thơ cũng vậy. Bao năm ông vẫn miệt mài sáng tác và năm ngoái ra mắt bạn đọc tập thơ “Làng mình” – Vẫn một miền cảm xúc với người làng, đất làng. Ông cho biết: “Thơ đối với tôi có rất nhiều ân tình. Tôi làm thơ suốt khi còn là sinh viên trường Đại học Tổng hợp cho đến bây giờ khi tuổi đã ngoại thất tuần. Quê nội tôi ở Thanh Xuân nhưng tôi ở quê ngoại, làng Chèm từ bé cho nên gắn bó với tôi rất nhiều. Chính vì những kỷ niệm tuổi thơ ấy, chính vì tình cảm tha thiết ấy với làng Chèm, một trong những làng cổ của người Việt, tên chữ là làng Thụy Phương. Làng tôi kẹp giữa hai dòng sông, sông Hồng và sông Nhuệ. Những tác động từ khung cảnh làng quê in đậm vào rất nhiều trong tôi. Mẹ tôi là người am hiểu ca dao nên tình cảm ấy càng tràn ngập trong tôi. Cũng rất may mắn tôi vẫn còn làng, vẫn còn đất, còn nhà trên làng, một tuần tôi vẫn sinh hoạt ở làng 3-4 hôm ở một căn nhà nhỏ bố mẹ để lại. Có lẽ sống ở quê từ bé, về quê tôi vẫn thấy ấm áp lắm và làm tôi nhớ lại những kỷ niệm trong sự nuối tiếc của tuổi già và các kỷ niệm trở lại, làm trong đẹp tâm hồn tôi, một con người đã chai sạn cuộc đời”. - Nhà văn Nguyễn Hiếu nói.
Nhà thơ Hải Thanh |
Ân tình với quê hương, xứ sở vẫn luôn là ngọn nguồn của những vần thơ day dứt khôn nguôi. Không cứ là xa xứ sẽ viết về quê một cách bồi hồi. Như nhà thơ Hải Thanh, lên phố rồi, chẳng cách làng quê tuổi thơ mình bao xa mà thơ vẫn nặng mang một nỗi nhớ khôn cùng. Để rồi chân đi chốn nào, viết về điều gì, quê hương vẫn thấp thoáng trong thơ. Còn đa mang nỗi niềm với quê hương nghĩa là còn đó “chất” quê, còn hi vọng người gìn giữ hồn làng. Anh bày tỏ dù ra phố từ nhỏ nhưng lúc nào cũng nhớ quê và tự nhận cội nguồn là làng quê nghèo khó. Điều ấy vận vào sáng tác thơ. Hình ảnh quê nghèo, ám ảnh về sự nghèo đói day dứt vào hầu như tất cả các sáng tác của nhà thơ Hải Thanh.
Tác giả Nam Thiên Phú, tên thật là Nguyễn Đức Hậu, sinh năm 1997 ở làng Vối, Bối Cầu, Bình Lục (Hà Nam). Anh từng đoạt những giải thưởng như Giải Tư cuộc thi thơ Sáng tác Văn học trẻ - Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, lần lượt giải Ba và giải Tư cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phối hợp với các đơn vị tổ khác tổ chức. Những sáng tác của Nam Thiên Phú đều gắn với hơi thở của làng, những quan sát, cảm nhận, tâm tư, tình cảm dành cho làng quê chôn rau cắt rốn. 10 năm gắn bó với thơ là chừng ấy năm Nam Thiên Phú trăn trở với quê hương, làng mạc đương đại. Anh cũng ý thức sâu sắc về việc đổi mới ngòi bút để không lặp lại những người viết đi trước, lặp lại chính mình.
Thơ hôm nay với những trăn trở về nông thôn mới
Mang theo những thôi thúc về việc đổi mới tiếp cận đề tài làng quê trong sáng tác thơ, tác giả Nguyễn Đức Hậu đã gửi gắm những suy tư, trăn trở của bản thân, một người trẻ trước những thực trạng diễn ra đằng sau bức tranh nông thôn đổi mới. Điều đó đã làm nên những trang thơ có chiều sâu, đau đáu những câu hỏi về sự mất đi những giá trị gắn với làng cảnh Việt Nam.
Tác giả Nam Thiên Phú (Nguyễn Đức Hậu). |
Nguyễn Đức Hậu chia sẻ:”Suy nghĩ đầu tiên và thường trực trong tôi là mình làm được gì cho quê hương, cho gia đình, cho cánh đồng của mình, cánh đồng mà mỗi lần chúng ta đi qua thì nhìn thấy bỏ hoang rất nhiều mà một thời chúng ta lớn lên ở đó, đằng sau một gian nhà trống thì là sự dời đi của những người con, đằng sau những cánh đồng không có người cấy gặt là bước chân của những người tha phương đi kiếm ăn”.
Cũng mang theo những trăn trở về làng quê đổi mới suốt dọc dài chặng đường sáng tác, thơ của Hải Thanh miên man những suy tưởng về việc hồn cốt của làng đang dần mất đi, con người và cảnh tượng nông thôn dần biến đổi.
Gắn bó máu thịt với một làng quê thuần chất nay nhờ làn sóng nông thôn mới mà làng lên phố, trong tâm tưởng của nhà văn Nguyễn Hiếu vẫn vẹn nguyên ký ức về làng xưa. Và từ hiện tại nhìn về quá khứ, ngòi bút ông thể hiện sự tiếc nuối khôn tả với những biểu tượng làng đã và đang dần mai một trong nhịp sống gấp gáp của thời hiện đại.
“Làng Chèm tôi ở vùng ngoại thành nay cũng đã thành phường rồi. Cho nên chất đổi đời từ làng lên phường khác lạ lắm và thực sự mất đi rất nhiều những cái đẹp. Tre làng tôi giờ không còn, ngày xưa làng tôi bốn bề là tre có những cổng làng ban sáng mở ra cho nông phu đi làm đồng, tối về đóng lại có người gác để chống cướp, ao chuôm rất nhiều, xóm nào cũng có ao chuôm, tôi đi từ nhà tôi đến nhà vợ tôi ngày trước nay đã ngoại thất tuần đi dưới hàng duối, ô rô rồi dâm bụt nhưng bây giờ tất cả mất hết. Có bài thơ tôi nói là đường làng bây giờ không còn gạch chôn nghiêng nữa mà lát bê – tông “Phẳng lỳ như mặt thằng quen quỵt nợ” để lại nỗi nuối tiếc rất nhiều”. - Nguyễn Hiếu tâm sự.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên tại sự kiện Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12. |
Nhiều năm nay, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, còn có tên gọi khác là “Kiên lục bát” thủy chung với thể thơ truyền thống của dân tộc. Thơ lục bát Nguyễn Thế Kiên đã chuyển tải được suy nghĩ, cảm xúc về mẹ, về quê hương, những vấn đề nổi cộm của làng quê nước ta nhiều năm qua. Năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên ra mắt công chúng tập Trường ca “68 nhánh cỏ thi” vẫn là nguồn cảm hứng thường trực về nông thôn, người nông dân. Và cũng trong những sáng tác mới này, vấn đề nông thôn mới, người dân quê mới được khắc họa một cách rõ nét.
Theo nhà thơ Nguyễn Thế Kiên: “Viết về nông thôn mới, những bước chuyển mình của nông thôn ở thơ trong thơ thì chỉ đề cập được ở mức độ nào đó chứ không thể kiệt cùng được như các dạng khác. Chắc chắn rằng trong nhịp sống 4.0 hối hả diễn ra liên tục nếu chỉ đưa những cái véo von, ngọt ngào bình thường vào thì không thể chuyển tải hết được. Hi vọng, mong rằng và tin rằng cây lúa và văn hóa nông thôn cũng như tinh thần người Việt thì những giá trị vĩnh hằng của thơ lục bát và tình cảm cộng đồng người Việt, yêu nước, trân trọng quê hương, tôn trọng dân tộc mình sẽ mãi mãi được khêu sáng, đặc biệt là trong thơ lục bát”.
Quê hương, làng mạc, nông thôn và người nông dân, một đề tài muôn thuở nhưng với cách tiếp cận mới vẫn đầy sức hút. Nhiều sáng tác thơ ca chuyển tải được ngọn nguồn và những trăn trở, suy tư về làng quê có sức sống lâu bền trong thị hiếu thưởng thức của công chúng. Vẫn còn đó những khoảng trống, những ngổn ngang nỗi niềm, tiếc thay chưa nhiều người sáng tác thơ mặn mà, gắn bó với đề tài này.