(VOV5)- Bước sang tuổi thứ 10, đoàn xiếc thú Hồng Lộc do NSUT Lê Hồng Lộc làm trưởng đoàn đã phần nào gây dựng được thương hiệu riêng trong lĩnh vực xiếc thú. Kể cả điểm biểu diễn phục vụ khán giả thường xuyên tại Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) và đội biểu diễn lưu động, hiện nay, đoàn xiếc thú Hồng Lộc có 30 nghệ sỹ và 12 loài thú với số lượng 40 con.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
10 năm cho 120 phút
Xiếc thú hẳn nhiên không phải môn nghệ thuật mới mẻ và hiếm hoi ở nước ta. Nhưng một chương trình xiếc xuyên suốt, kéo dài trong 120 phút, bao gồm toàn các tiết mục của thú, cho tới nay, chỉ có ở sân khấu xiếc của đoàn Hồng Lộc. Đó là lời khẳng định rất tự tin của NSUT Hồng Lộc, trưởng đoàn.
|
Ảnh: xiecthuhongloc.com.vn |
Chương trình xiếc thú “Tiếng gọi nơi hoang dã” của đoàn xiếc Hồng Lộc là thành quả sau 10 năm ấp ủ của NSUT Lê Hồng Lộc.
Vốn là cựu sinh viên trường xiếc Việt Nam, sau đó lại tham gia đào tạo tại Liên Xô (cũ) về nghề, chuyên môn chính của anh Lộc là huấn luyện xiếc gấu. Nhưng do đặc thù nghề nghiệp, anh cũng buộc phải tự học và trau dồi thêm kỹ năng huấn luyện các loài thú khác. Và thế là ngoài gấu, anh còn biết dạy trăn, cá sấu, khỉ, chó, v.v…
|
NUUT Lê Hồng Lộc - Ảnh: xiecthuhongloc.com.vn
|
Mọi vốn liếng tích lũy được từ quá trình học và thực tiễn làm nghề đã được anh truyền dạy cho các nghệ sỹ trong đoàn. Anh giống như người thầy lớn của tất cả anh em nghệ sỹ thuộc đoàn xiếc thú Hồng Lộc.
Sáu năm trở lại đây, đi xem xiếc thú Hồng Lộc đã dần trở thành thói quen của người Sài Gòn mỗi dịp Tết nguyên đán. Và cũng trở thành thông lệ, sau một hành trình lưu diễn suốt từ Tây Nguyên, Nam Trung Bộ rồi Đông Nam Bộ, đoàn xiếc thú Hồng Lộc lại dành những ngày đầu năm cho sân khấu biểu diễn tại Công viên Gia Định (Q. Gò Vấp, TPHCM).
Năm nào cũng có mặt nhưng người xem không chán, mà người xem ở đây lại là những khán giả Sài Gòn rất khó tính và mộ điệu. Làm được điều ấy, không hề đơn giản. Nhìn vào chương trình biểu diễn của năm nay, thấy ngay, trong số 13 tiết mục, có tới 5 tiết mục hoàn toàn mới, lần đầu tiên biểu diễn tại TPHCM như Chú chó với anh hề, Tiếng gọi nơi hoang dã, Hề vui – Lão nông vẫn những chú gà, v.v…
Độc đáo nghề dạy xiếc thú
Ai cũng biết nước ta có một trường dạy xiếc là trường Xiếc Việt Nam. Nhưng điều đáng nói, nhiều năm trước, ngôi trường này chỉ dạy người làm xiếc, mà không có khoa dạy xiếc thú. Theo NSUT Lê Hồng Lộc, mãi gần đây, khoa dạy xiếc thú mới được thành lập, nhưng lại hoạt động không hiệu quả.
Thực tế, các nghệ sỹ dạy xiếc thú hiện nay phần lớn đều đi theo hướng tự học, tự đào tạo dưới sự hướng dẫn, truyền nghề của một số nghệ sỹ có kiến thức và kinh nghiệm trong nghề. Nói riêng trong đoàn xiếc thú Hồng Lộc, hầu như toàn bộ các nghệ sỹ hiện đang đầu quân cho đoàn đều do NSUT Lê Hồng Lộc tuyển chọn và đào tạo.
Đi vào nghề xiếc thú, tố chất đầu tiên cần có ở người nghệ sỹ là niềm đam mê. Cùng với đó là sự kiên nhẫn trong quá trình rèn luyện. Kỹ thuật dạy thú chuyên nghiệp là điều rất quan trọng, nhưng phần nữa cũng quan trọng không kém là tình yêu động vật. Chỉ khi xây dựng được tình bạn thân thiết và sự thấu hiểu cần thiết giữa người và thú, các nghệ sỹ mới thực hiện được các tiết mục biểu diễn.
|
Đoàn xiếc Hồng Lộc nhận giải thưởng Liên hoan xiếc Quốc tế lần thứ 8 tại Vũ Hán - Trung Quốc - Ảnh: xiecthuhongloc.com.vn
|
Nhiều người khi xem tiết mục “Những chú chó làm toán” đã bán tín bán nghi chuyện những chú chó biết làm tính thật không. Anh Lê Quang Nhật, người phụ trách những chú chó thông minh khẳng định, chúng thực sự hiểu những điều anh nói. Để đạt được điều ấy, anh và chúng đã trải qua những giờ tập vô cùng gian khổ và nhẫn nại trước đó.
Coi thú vật là những người bạn thân thiết, nên ngoài giờ tập, giờ biểu diễn, các nghệ sỹ dạy thú cũng là người trực tiếp chăm sóc việc ăn uống, tắm rửa, phòng bệnh cho chúng. Mỗi ngày thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân cho mình, họ cũng phải chăm lo vệ sinh cho con thú. Và nói như anh Nguyễn Hữu Thông, nghệ sỹ dạy khỉ, giao cho người khác làm, anh không yên tâm.
Trò chuyện với các nghệ sỹ dạy thú, thấy họ đều gặp nhau ở quan điểm, con vật cũng giống như con người, phải thực sự yêu thương, mới có thể tiếp cận, gần gũi và dạy dỗ chúng. Ngoại trừ những con máu lạnh như cá sấu, trăn, các loài động vật khác đều biết cách biểu lộ tình cảm rất đáng yêu. Anh Hải Đăng, nghệ sỹ dạy gấu, nhớ mãi kỷ niệm về lần nghỉ phép thăm nhà hơn một tuần. Lúc trở lại đoàn, khi mở cửa chuồng gấu, nó đã lao ra, ôm chầm anh, nũng nịu như một đứa trẻ.
Nghệ sỹ Hải Đăng của đoàn xiếc thú Hồng Lộc là người có duyên và rất có nghề với các loài thú dữ. Hiện anh đang đảm nhiệm ba tiết mục của đoàn là xiếc trăn, xiếc cá sấu và xiếc gấu. Được xem màn biểu diễn gấu đi xe máy của anh, các khán giả, nhất là khán giả nhí vô cùng kinh ngạc, thích thú. Cũng theo anh Hải Đăng, trong số các loài, gấu là một trong những loài thú khó tiếp cận, khó dạy bảo nhất.
Khi chúng tôi hỏi các nghệ sỹ về những tai nạn nghề nghiệp không may gặp phải, các anh đã cười xòa và nhắc lại lời của NSUT Lê Hồng Lộc: “Làm nghề dạy xiếc thú mà chân tay không có vết sẹo nào thì chưa phải dạy xiếc thú”. Ngay cả với chuyên gia huấn luyện thú dữ như anh Hải Đăng, dù đã thực hiện hàng trăm lượt biểu diễn đưa đầu vào hàm cá sấu thành công, anh cũng không thể chắc chắn về độ an toàn tuyệt đối khi làm việc với loài động vật máu lạnh.
Bươn chải, nỗ lực với nghề
Nhìn vào số chuồng nhốt thú, đạo cụ biểu diễn và trăm món đồ phục vụ khán giả cùng sinh hoạt của đội ngũ nghệ sỹ, không khó để hình dung về cuộc sống lưu diễn rất gian nan của đoàn xiếc thú Hồng Lộc.
Ngoài chuyện cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đoàn tại một số trung tâm văn hóa các địa phương, chuyện tồn tại các đoàn xiếc tự phát, kém chất lượng, gây mất lòng tin với người dân cũng là áp lực không nhỏ với những đoàn xiếc nghiêm túc.
Với các đoàn xiếc xã hội hóa như Hồng Lộc, áp lực lớn hơn cả vẫn là làm sao giữ chân được khán giả. Muốn vậy, không có cách gì khác là phải sáng tạo, liên tục đổi món để hấp dẫn người xem. Và như thế, áp lực cơm áo đối với người biểu diễn ngày càng rõ rệt.
Có lẽ vì hiểu rõ áp lực này nên khoảng 3 năm trở lại đây, NSUT Lê Hồng Lộc đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cho đoàn một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn. Anh đặt tên cho đoàn xiếc của mình, lập trang web, thiết kế logo cho đoàn, chủ động tạo dấu ấn riêng về xiếc thú Hồng Lộc trong lòng công chúng.
Sau hơn 10 ngày biểu diễn tại công viên Gia Định, thầy trò đoàn xiếc Lê Hồng Lộc sẽ lại tiếp tục mang chương trình xiếc thú “Tiếng gọi nơi hoang dã” đến với khán giả tại nhiều quận, huyện khác của TPHCM.
Lại là những chuyến đi, lại những cuộc thử thách say sưa và khắc nghiệt của nghề. Nhưng dường như, với những người nghệ sỹ đã “trót mang lấy nghiệp vào thân”, nỗi buồn tha hương phần nào nhẹ nhõm ít nhiều bởi bên cạnh họ đã có những con vật bốn chân, hai chân và cả… không chân làm bạn./.