(VOV5) - Những người viết trẻ muốn có một sân chơi thực sự của mình, muốn có sự đồng hành của các thế hệ cầm bút tiền bối, và những cuộc đọc – trao đổi thẳng thắn về tác phẩm cũng như công việc viết văn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tổ chức trong hai ngày 18 và 19-6 tại TP Đà Nẵng. 138 đại biểu tham dự, trong đó 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ tất cả các vùng miền trong cả nước, Đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất so với hai kỳ hội nghị gần đây. Thường được nhắc đến với cụm từ “tương lai của văn học” nhưng dễ thấy, giữa lực lượng sáng tác trẻ và các nhà văn thế hệ đi trước vẫn tồn tại khoảng cách thế hệ. Quá trình tiếp sức giữa các thế hệ sẽ khó diễn ra nếu vẫn còn sự lệch pha và ít lắng nghe nhau.
Năm năm một lần, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc. Trước thềm sự kiện, câu chuyện văn trẻ dường như xuất hiện dày đặc hơn trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, quan tâm tới lực lượng sáng tác trẻ không nên là công việc “mùa vụ”, đến hẹn lại… bàn mà nên là những hoạt động thực chất, lời nói đi đôi với việc làm.
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn - Ảnh: Báo Nghệ An |
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội, chia sẻ quan điểm: “Điều mà các nhà văn trẻ hiện nay đang còn gặp phải đó chính là sự quan tâm từ hội địa phương và trung ương vẫn còn mờ nhạt hoặc có vẻ có khoảng cách về chướng ngại vật. Vì người trẻ hôm nay họ thích những sinh hoạt mang tính chất nội dung mới, đồng thời phải có tính trao đổi, đối thoại thay vì chúng ta cứ tổ chức các buổi hội nghị hoặc hội thảo theo tính mô phạm như trước đây thì không thu hút được người trẻ. Bởi vì người trẻ hiện nay có thể sử dụng đa ngôn ngữ, sử dụng công nghệ và rất nhiều thiết bị hỗ trợ trong quá trình sáng tác, trong quá trình hành nghề cũng như quá trình tham gia hội thảo.
Thay vì hình thức tổ chức tập trung thì có thể chúng ta mở ra các kênh để trao đổi. Không trong phạm vi hẹp mà có thể mở ra trực tuyến các buổi nói chuyện để làm sao không chỉ những người trong hội nghề nghiệp ấy mà các bạn trẻ trong toàn quốc, thậm chí trên thế giới, có thể lắng nghe và xây dựng. Từ đó, mới mở rộng biên độ và có nhiều ý kiến đóng góp. Như vậy thì tôi nghĩ là nó tốt hơn.” - Đặng Thiên Sơn nói.
Nhà văn trẻ Nhật Phi - Ảnh: Báo Công an nhân dân |
Xuất hiện thường trực trên không gian mạng, quan tâm tới một thứ hiện thực khác với ngôn ngữ và cách viết cũng có phần khác biệt… tác phẩm của các tác giả trẻ cũng cần được tiếp nhận với một tâm thế khác. Theo tác giả Nhật Phi, dù ở độ tuổi nào, dù là tác giả mạng hay đã có tác phẩm in ấn thành sách, người viết vẫn luôn có nhu cầu “được nhìn tới”: “Chúng ta hoàn toàn có các cuộc giao lưu hướng tới đối tượng tác giả của các nền tảng trực tuyến và đôi khi là nhu cầu được nhìn tới. Quan trọng nhất là các bạn thấy được một điều. Đó là văn chương thì không phân biệt là mạng hay là thực, là in sách hay là blog, rồi là tuổi tác đề tài. Văn chương là cả một khối. Và các bạn cũng đang đóng góp vào khối văn chương đó. Chúng ta có thể có một sự nối kết với nhau mà chưa cần một thành tựu cụ thể nào.
Ví dụ như trước khi đạt giải Văn học tuổi 20 thì trong giới văn, Nhật Phi cũng không quen biết ai cả. Nhưng nếu như bây giờ, các bạn có được một sự tiếp cận như vậy thì đồng thời, chúng ta có thể kéo các bạn ấy đến với văn chương chính thống thông qua việc các bạn có thể đọc, các bạn có thể thấy là nó không quá xa lạ. Hơn nữa, quá trình đó mới là quá trình đãi cát tìm vàng, mới là quá trình bồi đắp. Chứ chờ đợi một cuộc thi rồi giải thưởng rồi mới bắt đầu làm quen nhau thì tôi nghĩ rằng ăn sẵn quá!”
Tác giả Hà Hương Sơn - Nguồn: Hội nhà văn Việt Nam |
Nhu cầu “được nhìn tới” không phải là những lời khen ngợi kiểu “xoa đầu”, hay những hứa hẹn chung chung. Mong muốn của các tác giả trẻ cũng không đơn thuần là hỗ trợ kinh phí để in ấn tác phẩm. Họ muốn có một sân chơi thực sự của mình, muốn có sự đồng hành của các thế hệ cầm bút tiền bối, và những cuộc đọc – trao đổi thẳng thắn về tác phẩm cũng như công việc viết văn. Nếu không, tác giả trẻ, có lẽ, chỉ nằm ở khu vực ngoại biên của văn chương.
Hai tác giả Hà Hương Sơn và Nam Thiên Phú bộc bạch: “Hội văn học, Hội Nhà văn nên có những chương trình thúc đẩy văn học trẻ. Chẳng hạn có những cuộc tọa đàm để thảo luận về tác giả hoặc một vài tác giả trẻ để kích thích nhu cầu tìm hiểu của công chúng về tác giả đó, cũng là kích thích sự sáng tạo của các tác giả trẻ nói chung.”
“Với cá nhân tôi là một người viết trẻ năm nay mới 25 tuổi thôi thì tôi cũng rất mong các hội, bằng những hình thức nào đó, sẽ tổ chức các cuộc thi văn chương chất lượng và ý nghĩa với lực lượng đông đảo tác giả trẻ và chất lượng chấm bài cao của các nhà văn giám khảo, tạo ra một sân chơi cho những người trẻ tham gia biết được cái tầm của họ ở đâu để có hướng phấn đấu.”
Việc tiếp sức cho thế hệ trẻ - đó là mong muốn của nhiều người, nhiều thế hệ. Nhưng để tiếp sức, trước hết vẫn cần phải hiểu. Để kết nối và hỗ trợ nhau trên con đường văn chương mà trước nay, ít khi là một lựa chọn dễ dàng.