(VOV5) - 'Tiểu thuyết trinh thám Việt – Khó do đâu?' là câu chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi' nhưng lại không thể bỏ qua.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ly kỳ. Giật gân. Rùng rợn. Và lôi cuốn. Đó là những tính từ người ta thường dùng để mô tả về thể loại trinh thám. Nhưng nếu để bàn về tiểu thuyết trinh thám Việt, rất có thể các cụm từ được nhắc đến sẽ là “thưa thớt” và “vắng bóng”. “Tiểu thuyết trinh thám Việt – Khó do đâu?” là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng lại không thể bỏ qua khi đánh giá về một thể loại đang ít nhiều dành được sự quan tâm trên văn đàn.
Từ những đặc trưng thể loại…
Bỏ qua giai đoạn vàng son vào những năm 30 của thế kỷ trước, tính từ mốc những năm 2000 với sự trỗi dậy của dòng trinh thám gắn liền với nhân vật tình báo cho đến nay, số lượng các tác giả từng bén duyên với thể loại này vẫn còn ít ỏi. Chúng ta có nhà văn Hữu Mai với “Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên”, tác giả Nguyễn Trần Thiết với “Ông tướng tình báo và hai người vợ”, nhà văn nhà văn Di Li với “Trại hoa đỏ”, “Câu lạc bộ số 7”, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với “Sát thủ online”, “Có tiếng người trong gió”, nhà văn Nguyễn Đình Tú với “Phiên bản”, “Hồ sơ một tử tù”. Hoặc gần đây hơn là những tên tuổi như Giản Tư Hải, Kim Tam Long, Nguyên Trường, Đức Anh, Phi hành gia…
Mỏng về số lượng, chưa kể trong đó có nhiều người dường như đã “bỏ cuộc chơi”, trinh thám nội địa vẫn là một địa hạt đầy thách thức. Khác với quan điểm cho rằng trinh thám là á văn học, PSG.TS Phạm Xuân Thạch, trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định trinh thám rất khó viết: “Trong bất cứ vụ án nào, sau khi người ta điều tra ra hung thủ thì đều nhận được câu trả lời là nhân vật X đó tốt, hiền lành. Đây là được gọi đó là sự bình thường của cái ác. Người viết trinh thám thế nào để cái ác hiện ra trong gương mặt của một người thường, chứ không viết để biến kẻ thủ ác thành con quỷ, còn người phá án thành siêu nhân theo kiểu cường điệu hóa.”
… đến những rào cản xuất bản
Bên cạnh khó khăn về mặt thể loại, người viết trinh thám cũng đối diện nhiều rào cản khác. Lượng độc giả yêu thích trinh thám tuy nhiều, nhưng yêu trinh thám nội địa lại ít. Lượng các nhà sách, nhà xuất bản thiết tha với thể loại này cũng không thiếu, nhưng mặn mà với trinh thám Việt hay không thì lại là một câu chuyện khác. Mối quan hệ giữa người viết – nhà sách – độc giả luôn có độ chênh nhất định. Và các cây bút, đặc biệt là những tác giả trẻ, phải đối diện với việc này.
Tác giả Nguyễn Dương Quỳnh chia sẻ trải nghiệm với tiểu thuyết “Thăm thắm mùa hè”, cuốn trinh thám đầu tiên của cô: “Nhà văn Việt Nam gặp bất lợi nhiều hơn các nhà văn nước ngoài. Trong khi xuất bản cuốn trinh thám đầu tiên, mình đã gặp nhiều nhà xuất bản. Trong đó có một nhà xuất bản đã nói với mình là mặc dù bản thảo này, bạn biên tập rất thích nhưng vì nó máu me nên khó mà xuất bản được. Đối với nhà văn nước ngoài, viết như thế này không sao nhưng nhà văn Việt Nam thì sẽ có vấn đề.”
Việc Việt hóa một thể loại đậm chất phương Tây như trinh thám cũng là một chuyện không dễ dàng. Ngay cả với những tác giả ý thức rất rõ về điểm yếu của trinh thám nội địa bằng cách lựa chọn các thể loại con như trinh thám đen hay truyện rùng rợn như tác giả Kim Tam Long và tác giả Đức Anh, viết trinh thám cũng là một chuyện “xoắn não” không kém gì việc đọc thể loại này. Nếu viết giống phương Tây từ bối cảnh, cốt truyện tới tên nhân vật thì chắc chắn người đọc sẽ chọn tác phẩm nước ngoài chứ không phải một phiên bản trinh thám được Việt hóa thô sơ.
Chưa bàn đến yếu tố nghệ thuật, chỉ xét riêng về nội dung, trinh thám đòi hỏi người viết phải mạnh về lô-gic, phải có sự hiểu biết đa ngành, hoặc ít nhất trong lĩnh vực mà mình đề cập. Đây là chướng ngại vật mà nhiều cây bút khó lòng vượt qua. Trước hết, trừ một số trường hợp xuất thân từ lực lượng công an, phần lớn các tác giả khó lòng tiếp cận hệ thống pháp lý, hình sự ở nước ta. Tiếp đó là những khoảng trống trong hiểu biết về tội phạm học, tâm lý học, thậm chí về vốn sống – điều mà những độc giả chuyên đọc trinh thám nước ngoài rất dễ nhận ra.
Khó khăn đến từ chính thể loại. Khó khăn đến từ yêu cầu của độc giả. Khó khăn từ phía các nhà sách, nhà xuất bản khi lượng tiêu thụ trinh thám nội địa vẫn đuối hơn nhiều so với ngôn tình hay du ký. Có thể nói, người viết trinh thám Việt giống như một vận động viên chạy vượt rào – chướng ngại rất nhiều mà đích đến vẫn có vẻ xa xôi.