(VOV5) - Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ không chỉ ở phạm vi các đơn vị nghệ thuật mà phải từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của những loại hình nghệ thuật mới, thì cũng dẫn tới việc các ngành nghệ thuật truyền thống có ít người theo đuổi việc học và diễn chính quy. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lực lượng tiếp nối và “già hóa” nguồn nhân lực sân khấu truyền thống, là nỗi trăn trở của những người đang nỗ lực duy trì ngọn lửa sân khấu Việt.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Bộ môn tuồng cổ, viên ngọc quý của văn hóa dân tộc, đã từng được đưa vào giới thiệu tại nhiều nhà trường phổ thông theo hình thức sân khấu học đường. Tuy nhiên, những tài năng nghệ thuật nhỏ tuổi bây giờ có nhiều lựa chọn với nhiều loại hình biểu diễn khác năng động, dễ nổi tiếng hơn, nên người trẻ đến với tuồng không còn nhiều.
Giảng viên trẻ, sinh viên Khoa Kịch hát dân tộc Đại học Sân khấu Điện ảnh tham dự Cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2023 - Ảnh: skda.edu.vn |
PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: 10 năm qua, trường không có thí sinh đăng kí chuyên ngành nghệ thuật tuồng. Số lượng đăng kí dự thi diễn viên chèo gần đủ để có thể mở được 1 lớp. Đối với chuyên ngành kịch hát dân tộc thì số lượng sinh viên ít hơn năm ngoái, cụ thể là 10 em. Chuyên ngành diễn viên cải lương không có hồ sơ và đây là năm thứ 2 không có thí sinh đăng kí dự thi. Thông thường, đối với những chuyên ngành năng khiếu, mỗi lớp trung bình khoảng 15-20 em nhưng hầu hết tuyển sinh chưa đủ so với tiêu chí đề ra. Có thể nói: việc thu hút diễn viên chuyên ngành kịch hát dân tộc hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cố gắng tìm ra những giải pháp để tạo nguồn đầu vào cho các ngành nghệ thật truyền thống:
"Cách đây năm năm Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xây dựng hai đề án đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc, cụ thể là diễn viên tuồng cho khối các nhà hát. Theo đó, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội được giao nhiệm vụ là đào tạo diễn viên trung cấp cho nhà hát tuồng. Tiếp đó là đề án Bộ Văn hóa giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và các Sở Văn hóa trên ca nướ tuyển sinh lớp diễn viên kịch hát dân tộc trình độ trung cấp. Khu vực Miền Trung có nhiều Nhá hát tuồng sẽ tuyển sinh diễn viên tuồng chủ yếu ở đó. Còn miền Bắc thì tuyển sinh lớp diễn viên chèo." - Ông Thi cho biết.
Bên cạnh tuyển sinh tập trung thì việc tuyển sinh theo vùng, miền, đã góp phần tạo thêm nguồn lực kế cận cho nghệ thuật truyền thống. Có nhiều người trong số đó đã chứng tỏ tài năng của mình, gặt hái những thành công nhất định trong các hội diễn sân khấu toàn quốc. Tuy vậy, hiện nay ở các địa phương lại không có biên chế cho những diễn viên trẻ - những người đang ở độ tuổi sung sức để cống hiến.
Điều này cũng là một thực tế với ngành xiếc, khi sinh viên ra trường ít mặn mà đầu quân cho các liên đoàn, đoàn xiếc bởi những lý do chủ quan và khách quan, trong khi đó “cánh cửa” của các công ty tổ chức sự kiện, giải trí, công ty du lịch lại rộng mở với chế độ đãi ngộ tốt như chia sẻ của ông Bùi Thế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội: "Ví dụ trong 1 khóa có 30 sinh viên thì không phải sẽ có được 30 diễn viên xiếc. Có những em học được vài tháng mà không đáp ứng được sẽ bị loại, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong khi đó các em đã được nhà trường hỗ trợ chỗ ăn, ở. Bên cạnh đó, khi nói đến đầu ra, hiện nay chỉ còn mấy đoàn chuyên nghiệp: Trường xiếc cũng có nhà hát thực nghiệm, một số sinh viên có nhu cầu vẫn ở lại vừa làm giảng viên, vừa làm diễn viên. Chỉ còn các công ty tổ chức sự kiện ở các khu du lịch với các chương trình biểu diễn, sinh viên ngành xiếc có thể đầu quân được. Các nhà hát chuyên nghiệp lại theo cơ chế nhà nước, lương theo bằng cấp, hệ số. Nếu như ngày xưa, khi ra trường, chúng tôi phải xin vào các đoàn nghệ thuật, còn bây giờ các đoàn phải xin bởi các bạn ấy có nhiều lựa chọn tốt hơn."
Để tạo sức hút với những người trẻ có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ không chỉ ở phạm vi các đơn vị nghệ thuật mà phải từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Theo Đạo diễn, NSUT Bùi Như Lai- Trưởng khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thì nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ về tri thức và kinh tế, hỗ trợ nghề ngay từ khi tài năng nghệ thuật trẻ này ngồi trên ghế nhà trường: "Mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, làm thế nào để tạo sự kết nối giữa nhà trường và các đơn vị nhà hát, cùng phối hợp để đào tạo. Nghệ thuật truyền thống nói riêng, nghệ thuật nói chung luôn có tính “cha truyền con nối”. Khi họ thấy nghề này được đảm bảo, được gìn giữ, được trân trọng thì họ sẽ khuyến khích con cháu mình tiếp nối đam mê. Thứ nữa là phải tìm về các vùng đất có truyền thống, khơi dậy cho họ những khát khao nghệ thuật từ tuổi nhỏ, mới mong có được những lớp diễn viên đắm đuối với nghề. Nghề nào cũng vất vả nhưng tôi vẫn tin rằng, nếu chăm chỉ sẽ đủ sống."
Khi đầu vào khó tuyển được những người như kì vọng thì đương nhiên đầu ra cũng không thể có chất lượng. Việc này cần giải quyết bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, thấu đáo, đặc biệt với các ngành nghệ thuật truyền thống. Để phát triển văn hóa nghệ thuật, không chỉ là thay đổi những quy định chính sách trong lĩnh vực này mà cần phải có tầm nhìn ở những quy định Luật pháp thuộc những lĩnh vực có liên quan mới tháo gỡ được bài toán “già hóa” nguồn nhân lực sân khấu truyền thống.