(VOV5) - Dựa theo truyện ngắn “Người mẹ điên” của nước ngoài, vở diễn "Tình mẹ" đã Việt hóa thành công khi xây dựng thành câu chuyện của một gia đình nghèo vùng núi Tây Bắc – Việt Nam.
Xuất hiện trước khán giả tại Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc đợt I tại Hải Phòng vừa qua, vở diễn “Tình mẹ” của Hội NSSK Hà Nội (tác giả: Nhật Linh, đạo diễn: NSND Tuấn Hải) đã nhận được tình cảm yêu mến đặc biệt của khán giả, người làm nghề và Ban giám khảo.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, vở diễn sẽ được công diễn rộng rãi cho các đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội nhằm hướng đến việc đề cao nhân quyền và tôn trọng sự bình đẳng của nữ giới.
Vở kịch Tình mẹ - Ảnh Quang Anh - Báo Văn hóa |
Dựa theo truyện ngắn “Người mẹ điên” của nước ngoài, vở diễn "Tình mẹ" đã Việt hóa thành công khi xây dựng thành câu chuyện của một gia đình nghèo vùng núi Tây Bắc – Việt Nam. Người con trai bị thương tật khi đi làm phu đá nhưng không được chủ mỏ đền bồi. Bà mẹ của anh thì đã quá già và vì không thể xoay sở đủ tiền cưới vợ cho con đành dẫn về nhà một người đàn bà ngây dại để mong có được đứa cháu nội. Sau đó cũng vì quá nghèo mà khi đứa bé vừa được sinh ra, bà lại phũ phàng xua đuổi cô do không thể cùng lúc nuôi thêm hai miệng ăn. Vì tình mẫu tử thiêng liêng, cô gái khốn khổ vẫn lẩn khuất quanh ngôi nhà chỉ mong có cơ hội được nhìn thấy đứa con bé bỏng...
Song song việc khắc họa hình ảnh người mẹ trẻ ngờ nghệch nhưng ăm ắp tình thương con, luôn mong muốn được chở che, bảo vệ cho con, vở diễn “Tình mẹ” còn phản ánh được cả những góc cực đoan của tình cảm này qua nhân vật bà Sắn (nghệ sĩ Hồ Liên đóng). Vì thương con trai phải vất vả làm lụng ngày đêm mà vẫn thiếu ăn, bà liên tục xua đuổi người đàn bà sinh cháu cho con mình, sợ cô sẽ lại là một gánh nặng. Sự khắc nghiệt và lạnh lùng của bà dường như tỉ lệ thuận với tình yêu thương mà bà dành cho đứa con trai thương tật! Càng muốn tránh cho con mình những phiền toái bao nhiêu thì bà càng tỏ ra khắt khe, hung dữ và bạc ác với người phụ nữ ngờ nghệch đáng thương kia bấy nhiêu.
Ảnh Quang Anh - Báo Văn hóa |
Thủ vai bà Sắn - một bà mẹ thương con nhưng vì quá nghèo mà thành ra khắc nghiệt, NS Hồ Liên đã có những chia sẻ về vai diễn này: “Đây là một vở diễn rất dữ dội. Khi tôi đọc kịch bản và nhận vai bà Sắn - một vai diễn hấp dẫn mặc dù rất gai góc. Là một người mẹ dữ dội giấu nội tâm bên trong. Một thời gian ngắn chúng tôi đã tập luyện rất chăm chỉ để hoàn thành. Thực sự anh chị em nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy rất vui, rất cảm động khi vở diễn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Một tác phẩm sân khấu thực sự chạm đến trái tim khán giả.”
Có lẽ một khía cạnh nữa làm nên sự đặc biệt cho vở diễn chính là cách xử lí tình huống cũng như lối ứng xử nhân văn của nhiều nhân vật ở nửa cuối của vở kịch. Sau những cuộc giằng co đầy tổn thương và nước mắt của mẹ và bà nội, khi đứa trẻ đến tuổi đi học thì người đàn bà ngây dại được gia đình của con mình chấp nhận cho ở lại. Vì niềm hạnh phúc giản đơn nhưng cũng vô cùng lớn lao và kỳ diệu ấy mà những người xung quanh phải gánh chịu biết bao phiền phức do sự ngờ nghệch của cô gây ra.
Nhưng rồi cuộc sống bình lặng ấy cũng chẳng được bao lâu khi tại nạn thảm khốc ập đến… Về việc xây dựng những tình tiết cho vở diễn, NSND Tuấn Hải chia sẻ: "Sau khi nghiên cứu kịch bản, thấy chủ đề về người mẹ, tình mẫu tử, tình yêu thương gia đình lâu nay vẫn luôn là một vấn đề lắng đọng dễ đi vào lòng người nên tôi quyết định dàn dựng vở này. Mỗi một màn một cảnh đều phải có một chiêu một cách thức để chốt lại vấn đề. Cả một vở diễn hay thì cảnh nào nó cũng phải có vấn đề, có mâu thuẫn xung đột. Mâu thuẫn xung đột càng ác liệt và khi giải quyết được sẽ càng hay, giúp người xem có cảm nhận, cảm xúc tốt với câu chuyện với tình huống mà vở kịch đặt ra."
Với kết cấu chặt chẽ, các lớp diễn gọn người xem luôn có cảm giác như được phiêu lưu cảm xúc cùng với các tình tiết, biến cố của nhân vật. Niềm thương cảm dành cho những con người kém may mắn như được gom góp hết từ cảnh này sang cảnh khác, và đến cuối vở được lắng lại và bung ra...
Nhiều khán giả bày tỏ niềm xúc động khi vở diễn kết thúc, chị Hồng Vân – nhà hát chèo quân đội bộc bạch: "Mình đã đọc câu chuyện Người mẹ điên rồi nhưng thực sự khi xem các nghệ sĩ biểu diễn mình vẫn vô cùng xúc động. Hình ảnh một người mẹ điên không biết làm gì nhưng tình yêu thương con thì vẫn vô bờ bến. Đạo diễn đã dùng nhiều thủ pháp để đẩy các tình huống lên cao làm cho nhân vật người mẹ bộc lộ được rõ tình cảm với con mình. Càng đến cuối vở càng xúc động hơn, đến những cảnh cuối tôi đã khóc. Đúng là trong tiềm thức của người phụ nữ bao giờ cũng có tình thương con. Đúng như câu kết của vở kịch mà mình nhớ mãi là: Cuộc đời này không ai yêu con bằng mẹ, thực sự là rất cảm động."
Vở diễn “Tình mẹ” được đầu tư dàn dựng từ Hội nghệ sỹ sân khấu Hà Nội nên quy tụ các nghệ sỹ thuộc nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau của Thủ Đô, như Nghệ sỹ ưu tú Thanh Hiền Gíám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long trong vai người mẹ điên, Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Tùng vốn là nghệ sỹ cải lương trong vai người đàn ông nghèo mang thương tật, NS Hồ Liên là diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam vai bà mẹ nghèo (Bà Sắn), nghệ sĩ Quang Minh là diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội trong vai cậu bé con của người mẹ điên, nghệ sĩ Thủy Tiên ở Nhà hát múa rối Việt Nam và các nghệ sỹ khác trong vai dân làng v.v...
Sự hoàn thiện và hài hòa của vở diễn khẳng định sự chỉn chu, chăm chút của đạo diễn – NSUT Tuấn Hải và tập thể các nghệ sỹ diễn viên tham gia. NSUT Hoàng Tùng tham gia vở diễn tâm sự: "Lần đầu tiên Hoàng Tùng thử sức với lĩnh vực sân khấu kịch nói. Vì Hoàng Tùng là dân cải lương nên có nhiều kỹ năng về đài từ, lối diễn hiện thực gần với đời sống mà bên kịch đòi hỏi cần phải hoàn thiện. Đây là một vở diễn quy tụ không nhiều lắm các nghệ sĩ thuộc nhiều đơn vị thuộc các nhà hát bao gồm kịch nói, nghệ thuật truyền thống và múa rối. Đây là dịp để các anh chị em nghệ sĩ chúng tôi được trao đổi, làm việc với nhau tiếp cận sâu hơn với loại hình sân khấu kịch nói... "
Cũng như thông điệp của câu chuyện gốc, vở diễn “Tình mẹ” vượt lên trên mọi định kiến để khẳng dịnh quyền làm người, quyền làm mẹ của những người phụ nữ thiểu năng hoặc yếu thế. Dù trong hoàn cảnh nào, xã hội nào thì khát vọng được tôn trọng, được hạnh phúc của họ vẫn cần được mọi người ủng hộ và hướng tới. Vì vậy thực hiện vở diễn này cũng là việc góp thêm tiếng nói để kêu gọi cho sự bình đẳng cho người phụ nữ.