"Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em"

(VOV5)- Năm 2009, sau khi phát hành tập thơ 101 Bài thơ tình, bốn năm sau, Nỗi buồn tốc ký (NXB Hội Nhà Văn, 2013) của nhà thơ Hồng Thanh Quang ra mắt  bạn đọc, theo dòng chảy tự nhiên của số phận, đơn giản từ một câu hỏi của người bạn “tại sao không ra thơ?”, để gợi nên ý nghĩ “ừ sao không ra nhỉ?”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang là thế, mọi sự sự việc việc trong đời, đều để cho số phận quyết định.

Nỗi buồn tốc ký là bộ thơ gồm hai tập mang tên: Nỗi buồn tốc ký 1Nỗi buồn tốc ký 2.


Nỗi buồn tốc ký 1
dày gần 400 trang, có 354 bài được lựa chọn từ 700 bài mà nhà thơ đã sáng tác trong một năm trở lại đây. Facebook đã đưa nhà thơ Hồng Thanh Quang tiếp nối với thế giới cộng đồng mạng, thói quen viết giữa đám đông luôn gây hưng phấn cho sự sáng tạo trong anh.

Hồng Thanh Quang viết thẳng lên facebook và post thơ theo dạng status, có những khi đã viết, đã post thì không thể sửa lại. Lắm khi, tay anh run lên vì tốc ký, bởi ngôn ngữ thơ chảy tràn trong não nhanh hơn cử động của mười đầu ngón tay. Và ngay sau đó, mỗi bài thơ nhận được hàng trăm, có khi đến nghìn like trong thời gian rất ngắn, cùng comment của bạn đọc. Một sự tương tác thú vị, nhưng không làm anh ảo tưởng về thị hiếu đám đông.

Nỗi buồn tốc ký 2 còn dày dặn hơn, gồm 433 bài, viết trong thời gian 30 năm, bắt đầu từ bài thơ tình đầu tiên từ năm 1979, bài  Xem ảnh, với 4 khúc ca: Em trong ngày đã khuất/ Em trong ngày đang qua/ Em trong ngày sắp tới,/ Anh đều yêu/ Xót xa!... (Khúc VI. T185.Sdd)

Bài thơ tình dành tặng cho “Vầng mặt trời tuổi học trò” với tình cảm thi vị đầu đời tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, là điềm báo cho một trái tim tình si, vướng víu muôn ngàn câu chuyện tình, thường mang phong vị buồn đa cảm.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang coi văn chương là lẽ sống: “Mỗi ngày với tôi là một ngày lao động. Đánh dấu một ngày bằng những bài thơ. Rồi đến ngày nhận ra, công việc chính mình đang làm, chỉ là sự thêm vào trong cuộc sống thơ.”

Nhà thơ Hồng Thanh Quang thời trẻ


“Thơ đã cứu tôi khỏi tuyệt vọng. Ngay từ khi còn bé, tôi đã có những cảm xúc bi quan về kiếp nhân sinh và vì có thơ nên tôi mới không có những hành động dại dột. Khi một bài thơ sinh ra là một lần ta thoát khỏi vòng tay đeo bám của những suy tư u ám... Dù thơ luôn dẫn tôi theo kiểu đường quang không đi chỉ đâm quàng bụi rậm, tôi vẫn quan niệm rằng, sinh ra ở đời là được chứ không bao giờ là mất, vì trong kiếp người, mất thực ra cũng là được... Tôi vẫn nghĩ, không có thơ thì tôi còn có gì nữa?! Cho nên dù có lận đận bao nhiêu với thơ thì cũng không phải tại thơ mà là tại cái số của mình như thế. Với lại, tôi đã quen với những sự lận đận và chênh vênh rồi nên nếu không sống như thế thì hẳn tôi sẽ cảm thấy tẻ nhạt lắm...” (Nhà thơ Hồng  Thanh Quang)


Để kỷ niệm cho sự ra đời của tập thơ, tôn vinh giá trị thơ ca, cũng là tình cảm ân cần dành cho bạn bè thân thiết, nhà thơ Hồng Thanh Quang với sự giúp đỡ của các bằng hữu, sẽ tổ chức đêm trình diễn thơ nhạc mang tên: “TÔI ĐÃ QUÊN MÌNH CHỈ ĐỂ NGHĨ VỀ EM”, khai mạc vào 20h ngày 7/11/2013 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, với 
sự tham gia của Nhạc sĩ Phú Quang; NSND Lê Khanh; NSƯT Quang Lý; NSƯT Thanh Lam; NSƯT Ngọc Khang; Ca sĩ Tấn Minh; Ca sĩ Phương Anh; Ca sĩ Hằng Nga; Ca sĩ Tuấn Hiệp; Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng; Ca sĩ Nhật Thủy …, cùng các nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Anh Ngọc...NSND Lê Khanh dẫn chương trình.


Sự hi sinh, dâng hiến, cháy cạn tận cùng mọi cung bậc cảm xúc trong một trí tuệ thơ thâm thúy, sâu sắc, đã làm nên những vần thơ mang tên Hồng Thanh Quang.

--------------------------------

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, tên thật là Đặng Hồng Quang, sinh ngày 7 tháng 9 năm 1962 tại Hà Nội. Lớn lên trên phố Hàng Đào. Quê quán: thôn La Tiến, xã Nguyên Hoàm huyện Phú Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện quân sự tại Liên Xô cũ năm 1986. Nhập quân đội từ tháng 7 năm 1979. Chính thức bước vào nghề báo tháng 5 năm 1987. Cử nhân báo chí, nhà thơ, nhà báo Việt Nam.

Hiện nay nhà thơ Hồng Thanh Quang là đại tá, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân - chuyên đề An ninh thế giới, chịu trách nhiệm nội dung các chuyên đề An ninh Thế giới Tuần, Giữa tháng và An ninh Thế giới Cuối tháng.


Thơ sáng tác

  • "Trữ tình. Thơ" (1993)
  • "Không thể nào nguôi" (1996)
  • "Mùa dịu dàng" (1999)
  • "Chỉ là mơ thấy" (2003)
  • “Sống như không thể chết” (2005)
  • "101 bài thơ tình" (2009)


Thơ dịch

  • "Linh cảm người đang yêu" (1995)
  • "Gửi người con gái xa xôi" (Konstantin Simonov) (1996)
  • "Một góc thơ Nga" (2000)


Các tác phẩm khác

  • "Thời luận" (tuyển tập báo chí, 2000)
  • "V.Putin, sự lựa chọn của nước Nga" (bình luận chính trị, 2001)
  • “Những lát cắt số phận” (chân dung nhân vật, 2007)

Website: hongthanhquang.vn

Phản hồi

Các tin/bài khác