(VOV5) - Với văn phong đầy nhạc tính, khi ngân nga trong trẻo, khi chậm rãi trầm buồn, câu chuyện vẽ nên hồi ức của một bé gái theo gia đình đi sơ tán trong những ngày bom rơi đạn lạc.
Cuốn sách "Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo" |
Tác giả Nuage Rose Hồng Vân trả lời báo chí trong ngày ra mắt sách tại Hà Nội |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Lâu lắm rồi mới có một cuốn sách, cuốn hồi ký viết về chiến tranh một cách chân thực và hay đến thế. Tôi đọc xúc động lắm. Tôi đọc đi đọc lại đến hai lần rồi. Và lần thứ hai tôi gặp Hồng Vân suýt nữa tôi bật khóc”.
“Con gái tôi bằng tuổi Hồng Vân đây, cũng phải đi xa bố, trường hợp Hồng Vân phải xa mẹ. Cái đó với chúng tôi lại hiện lại tất cả cảnh và tình cảm bị chia cắt”.
Đó là những chia sẻ về cuốn sách “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” của những độc giả đã từng sống trong những năm tháng chiến tranh, đất nước chia cắt buộc phải đi sơ tán. Với hơn 300 trang, cuốn sách là những hồi ức của của Nuage Rose Hồng Vân, còn được gọi trong truyện với cái tên Mây Hồng. Cô cùng hai người chị là Mây Vàng và Mây Xanh rời Hà Nội đi sơ tán. Qua tác phẩm, tác giả làm sống lại những ký ức tuổi thơ tại những nơi ba cô Mây đã từng đi qua như vị ngọt lịm của những quả dứa “thơm lừng và luôn tan trong miệng”, sự đầm ấm của mâm cơm buổi sơ tán và cả mùi thơm của hương bưởi trên tóc mẹ mỗi lần được gặp lại mẹ... Trong bối cảnh của chiến tranh khốc liệt, tác giả vẫn lưu giữ trọn vẹn những thanh âm trong trẻo nơi miền ký ức.
“Tôi thấy toàn là sự ấm áp, thương cảm, tình yêu, nó tràn ngập thành ra mình thấy có sự đối lập với sự ác liệt, bạo tàn của chiến tranh. Ở đây tôi muốn đối diện với tất cả bạo tàn của chiến tranh là những gì ngây thơ, hồn nhiên của tuổi thơ, trẻ con. Đến khi viết mình mới thấy tại sao những năm ấy đói khổ, không có gì ăn mà lại cảm thấy hạnh phúc đến thế. Viết lại mình thấy rất ấm áp trong lòng và hạnh phúc”. - Tác giả Hồng Vân chia sẻ.
Buổi ra mắt sách "Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo" tại Hà Nội |
Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng đây thực sự là một câu chuyện hiếm hoi trong bối cảnh làng văn chương Việt Nam đang thiếu vắng một cuốn sách của tác giả nữ viết về những em bé gái với góc nhìn thực sự nữ tính và trong trẻo. Điểm lôi cuốn của tác phẩm này còn là cách viết dưới dạng hồi ký nhưng cuốn sách lại mang màu sắc của một cuốn tiểu thuyết với những chi tiết vô cùng sinh động. Tác phẩm giống như một cuộc phiêu lưu ly kỳ của ba cô Mây, khám phá thế giới nông thôn đầy mới mẻ, khám phá nỗi nhớ nhung khi phải xa bố mẹ và khám phá cả chính bản thân và mơ ước của mình khi ba cô gái nhỏ được đặt vào những tình huống đời thường.
“Chị Hồng Vân gọi là tự truyện, tôi sẽ gọi là tự truyện, nhưng từng trang một sự lớn lên của tâm trí đã dần dần dày dặn hơn, dần dần cô bé 8 tuổi ở đó đã trở thành thiếu nữ. Và theo bước lớn lên ấy, thế giới quan trong đầu và trong tim của cô bé này cũng dày dặn lên. Tôi gặp tinh thần của một tiểu thuyết bên trong ba áng mây chứ không phải đơn giản là những trang viết của một cá nhân ngồi nhớ lại những kỷ niệm của mình và ghi chép lại một cách đầy xúc động” - Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp nhận định.
Những độc giả lớn tuổi tham dự buổi ra mắt sách |
Còn nhà văn Trương Quý và là người biên tập của cuốn sách cho rằng đây là một cuốn sách được viết chân thực từ những trải nghiệm của tuổi thơ. Những ký ức được viết nên trong trẻo, tươi mới như vừa mới xảy ra. Nếu như ở lối viết của một người hiện tại hồi tưởng về quá khứ, nhiều tác giả thường để lý trí của ngày hôm nay phán xét hoặc tô hồng lên những ký ức cũ thì ở đây tác giả Hồng Vân lại tuân theo cảm xúc bồng bột của một đứa trẻ khi phải xa nhà, xa bố mẹ và đối mặt với thế giới đầy khó khăn.
”Tôi nghĩ rằng ở đây tác giả không bị lệ cổ, không bị luyến tiếc vào quá khứ quá mức như nhiều phong cách yêu thương, thương cảm về thời bao cấp như là thời chiến tranh sao tốt thế, đáng nhớ thế. Tác giả có một cái nhìn bằng trải nghiệm khổ đau, cực nhọc của một đứa trẻ, nó buộc phải làm người lớn rất sớm, không được hồn nhiên, không được thoải mái muốn gì thích nấy mà luôn phải kiềm chế ham muốn của mình, luôn là một đứa con trên bao nhiêu tầng nấc của người lớn ở trên như thế” - Nhà văn Trương Quý chia sẻ.
Tranh phác họa trong cuốn sách |
Ảnh gia đình trong cuốn sách |
Quả thực “Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo” không hoàn toàn tái hiện những ký ức màu hồng. Đằng sau những kỷ niệm trong trẻo, ở phần kết ở nhiều chương, người đọc bắt gặp những đoạn viết như những nốt trầm xao xuyến. Những tâm tư, tình cảm của tuổi thơ dường như đã đi theo và ảnh hưởng rất nhiều đến Hồng Vân sau này. Cụ thể như chi tiết ba cô Mây luôn ngóng chờ mẹ đến thăm vào những ngày thứ bảy và buồn bã khi mẹ ra đi vào ngày Chủ nhật. Chờ đợi ám ảnh Hồng Vân đến nỗi, mấy chục năm trôi qua “cứ mỗi tối Chủ nhật đến, khi người yêu cô thu xếp để ra đi, nỗi buồn này lại cồn lên như thể anh sẽ không bao giờ trở lại...”
“Vết thương về thời thơ ấu, vết thương về sự vắng mặt của mẹ, những năm đầu vắng mặt của bố. Mẹ vẫn đến thường xuyên nhưng ký ức của trẻ thơ tôi không có về người mẹ như một đứa trẻ bình thường. Đó là một thiếu thốn không thể lấy lại được. Nhưng nhờ viết quyển sách này mình lại tìm thấy tâm hồn mình được thanh thản, và cũng hiểu được lòng mẹ hơn” - Tác giả Hồng Vân nói.
Nếu như cách đây 4 năm “Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo” được độc giả phương Tây đón nhận như một nét mới lạ, thì giờ đây bản dịch tiếng Việt của cuốn truyện có lẽ sẽ được độc giả Việt đón nhận với cái nhìn đồng cảm. Những áng văn mang nhạc tính khi trầm ngâm suy tư, khi hồn nhiên hóm hỉnh của “Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo” cũng sẽ là một món ăn tinh thần tuyệt vời dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Clip trình chiếu tại buổi ra mắt sách: Miền ký ức buồn vui đầy nhạc tính trong “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”