(VOV5) - Tranh của ông thường vẽ về đề tài chiến tranh, cách mạng và đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Họa sĩ chụp ảnh với bức tranh của mình. - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Họa sĩ Trần Từ Thành sinh năm 1944 ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là lứa họa sĩ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh. Gia đình họa sĩ Trần Từ Thành là gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân ông chịu nhiều mất mát, đau thương vì có tới 5 người thân đã mất hoặc hy sinh trong chiến tranh. Có lẽ bởi vậy, tranh của ông thường vẽ về đề tài chiến tranh, cách mạng và đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay từ nhỏ, ông bộc lộ năng khiếu hội họa và nung nấu ước mơ trở thành họa sỹ chuyên nghiệp. Năm 1958 khi mới 16 tuổi, Trần Từ Thành lặn lội từ quê hương ra Hà Nội dự thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tốt nghiệp xong, ông về quê công tác tại Ty văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, ông lại tiếp tục ra Hà Nội học và gia nhập hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, rồi giảng dạy và giữ cương vị Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp.
Ngày 30/4/1975 đất nước được hòa bình, thống nhất hai miền Nam Bắc, trong niềm vui chung của dân tộc, họa sĩ Trần Từ Thành khi đó nghĩ rằng mình phải sáng tác một bức tranh thật ý nghĩa để làm kỷ niệm. Suốt 1 năm trời trong tâm tưởng của người nghệ sỹ này chỉ luôn ấp ủ một bức tranh cổ động mừng ngày dân tộc bước sang trang sử mới.
Và ông quyết định vẽ bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bế trên tay một em bé và đây là tác phẩm thành công nhất của ông. Năm 1976, bức tranh đoạt giải Nhì trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất ở Hà Nội và được Bộ Văn hóa và Thông tin xuất bản, phát hành 5 vạn tờ phát hành trên toàn quốc. “Bức tranh mang nhiều ý nghĩa.
Bức tranh có bản đồ Việt Nam mang hình chữ S, miệng con chim bồ câu ngậm nhành ô liu tượng trưng cho hòa bình, mắt con chim bồ câu là Thủ đô Hà Nội và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm em bé là biểu tượng sự tồn tại vĩnh cửu của đất nước Việt Nam. Trẻ em là mầm mống tương lai của Tổ quốc, Bác Hồ luôn coi trọng thế hệ trẻ.
Trong Di chúc, Người căn dặn phải bồi dưỡng thế hệ trẻ để sau này họ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bức tranh đã thay 3 lần tên rồi. Đầu tiên là Bác Hồ với thiếu nhi, độc lập hòa bình và thứ ba là độc lập thống nhất hòa bình hạnh phúc. Hiện nay cũng có nhiều nước như Nga và Cuba treo tranh này.”
Bức tranh với bút pháp chân thực, phóng khoáng, đồ họa đơn giản và bố cục chặt chẽ, ý nghĩa sâu sắc. Chính vì thế từ năm 1978 đến nay, bức tranh được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố Hà Nội, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Trải qua hơn 40 năm, bức tranh đã đi vào tiềm thức của người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng, là biểu tượng của Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
Trong chiến tranh, ông có nhiều năm lăn lộn ở chiến trường, trực tiếp sáng tác tranh nơi đầu sóng, ngọn gió. Khi còn là sinh viên, Trần Từ Thành vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông kể: “Tôi lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1963 ở Đại hội văn hóa toàn quốc ở Nhà hát lớn Hà Nội. Khi Bác tới có hỏi mọi người rằng ai ít tuổi nhất, ai nhiều tuổi nhất ở đây.
Bác ôm người trẻ nhất là Trà Giang và người già nhất Nguyễn Văn Chánh. Điều đó tượng trưng cho Bác ôm một thế hệ trẻ và một thế hệ già tức là Bác nhắn nhủ rằng hai thể hệ trẻ và già phải tiếp nối nhau giữ gìn cho được mảnh đất này, tổ quốc này. Bác phát biểu rằng văn nghệ cũng là cây bút chiến đấu. Tất cả những người dự Đại hội ở đây đều là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.”
Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông có nhiều sáng tác mang dấu ấn trong sự nghiệp. Họa sỹ Trần Từ Thành vinh dự là người thiết kế Thẻ Đảng viên. Ông tâm sự rất tự hào là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và tự hào gấp bội khi là người vẽ nên tấm Thẻ Đảng.
“Trong số 200 mẫu thẻ đảng viên vẽ mẫu mới, thẻ của tôi được chọn. Thẻ đảng trước đây có 2 mặt như quyển sách gập lại sau thay thẻ đảng bằng 1 tờ hai mặt. Thẻ chỉ dùng biểu quyết nên tỷ lệ cầm tay cho hợp lý giơ lên như hình như con số 1 tức là có 1 đảng thôi. Tôi đưa hình Chủ tịch Hồ Chí Minh lên trước và mặt sau thẻ là thông tin về đảng viên. Hiện nay hàng triệu đảng viên đang cầm thẻ đảng này.”
Họa sỹ Trần Từ Thành là tác giả của hàng nghìn tác phẩm, đa số là tranh cổ động đạt nhiều giải thưởng cao về văn học nghệ thuật, được lưu tại các bảo tàng lớn trong nước và nước ngoài. Tiêu biểu là các tác phẩm: Hòa bình hữu nghị - Giải thưởng đồ họa quốc tế 1985, Ngã Ba Đồng Lộc, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trăng quan họ - Tặng thưởng của tổ chức UNESCO 2011, Vượt cầu phao (cầu Bến Thủy), Truông Bồn, Đèo Ngang …
Dù nay đã 75 tuổi, nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy 3 trường đại học là Đại học Tôn Đức Thắng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Với những cống hiến hết mình vì nghệ thuật, họa sỹ Trần Từ Thành đã vinh dự nhận Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.