“Cao/độ/chiều” - triển lãm đánh dấu sự kết hợp đầu tiên, ở một tầm vóc nhất định, giữa nghệ thuật thị giác và kiến trúc đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, số 15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, quận 2, TPHCM. Dự án được thực hiện bởi nghệ sĩ Trương Quế Chi, thạc sĩ ngành Nghiên cứu Điện ảnh tại Đại học New Sorbonne Paris 3 và Văn phòng kiến trúc VN-A của các kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Dũng – Vũ Thu Hương, người Việt tại CHLB Đức cùng giám tuyển Arlette Quỳnh Anh Trần với sự cố vấn của kiến trúc sư Nguyễn Anh Cường. Tại triển lãm, các tấm lam đi từ thiết kế gốc của VN-A tại Nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng), kết hợp với hình ảnh lượn sóng của tấm tôn từng được dùng để dựng nhà thờ Ka Đơn cũ, sau tái chế làm nhà dân khi đã có công trình tòa thánh mới, cộng hưởng với những vật thể khác, tác phẩm sắp đặt video và ánh sáng để trở thành một trưng bày nghệ thuật đương đại, mới lạ và hấp dẫn người xem.
Nghệ sĩ Trương Quế Chi
|
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào nghệ sĩ Trương Quế Chi. Được biết triển lãm “cao / độ / chiều” được chị cùng Văn phòng kiến trúc vn-a của các kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Dũng – Vũ Thu Hương, cùng giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần thực hiện. Chị có thể chia sẻ về cảm hứng khởi sự dự án này?
Nghệ sĩ Trương Quế Chi: Dự án mà tôi triển khai cùng Văn phòng kiến trúc vn-a được bắt nguồn từ một đề xuất thực địa của tôi cho chương trình lưu trú nghệ sĩ tại TP.HCM từ năm 2014. Lúc đó, mối quan tâm của tôi hướng tới một công trình cụ thể của Văn phòng vn-a là nhà thờ Ka Đơn. Tôi được gặp gỡ, quen biết họ và rất hứng thú với công trình kiến trúc đó. Tôi quyết định đặt chương trình của mình là đi về Việt Nam, tới khu vực Lâm Đồng, thực hiện các nghiên cứu lịch sử, cuộc sống cũng như những câu chuyện khác xung quanh công trình này. Khi ấy, dự án vẫn chưa thành hình cụ thể. Từ năm 2015, khi có cơ hội được tới và lưu trú trực tiếp tại Văn phòng kiến trúc vn-a tại Đà Lạt và giáo xứ Ka Đơn, tôi bắt đầu mường tượng được rõ hơn về những gì mình định làm. Quá trình này diễn ra suốt ba năm sau đó với các chuyển biến cùng sự hợp tác với giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần, trong đó có sự tham phần chính thức của văn phòng vn-a trong triển lãm.
PV: Cụ thể là với “cao / độ / chiều”, Trương Quế Chi và Văn phòng kiến trúc vn-a mong muốn đem tới điều gì cho người thưởng lãm?
Nghệ sĩ Trương Quế Chi: Về phía cá nhân mình, đi từ mong muốn tìm hiểu về một khu vực địa lý phức tạp, dần dần, tất cả những câu chuyện mang tính lịch sử, những nhận thức mang tính xã hội mà tôi có được qua thời gian thực địa và nghiên cứu đã dần trở thành những câu hỏi mang tính phổ quát hơn. Thời gian 3 năm thực hiện dự án này cũng là thời gian mà tôi thực sự sinh sống và làm việc tại Việt Nam, sau một thời gian dài tại Pháp. Tất cả những trải nghiệm cá nhân đã tương tác và đóng vai trò lớn trong sự phát triển dự án. Những câu hỏi mở rộng, không chỉ với tư cách như một người quan sát muốn hiểu về lịch sử và xã hội, mà như một người nghệ sĩ với tư cách một CON NGƯỜI nói chung, trong thực nghiệm đời sống ở chiều tiếp diễn. Ở đó, có sự đan xen, ý tưởng kiến trúc và nghệ thuật thị giác, trong các suy tưởng về mối tương quan giữa những yếu tố khác nhau: con người, vật thể, ánh sáng, không gian, thời gian...
BTV: Dự án mà sau này được phát triển thành Triển lãm “cao / độ / chiều”, ngay từ tên gọi đó đã cho thấy sự mới mẻ, thậm chí có thể có những yếu tố chưa từng xuất hiện ở Việt Nam?
Nghệ sĩ Trương Quế Chi: Tôi không làm việc tự đánh giá hay bàn luận về nhận xét trên. Còn “cao/độ/chiều” không phải triển lãm đơn thuần về một công trình kiến trúc. Đây là một triển lãm mà trong đó, có sự trình hiện ý tưởng kiến trúc, và ý tưởng kiến trúc này được sử dụng cho một bối cảnh cụ thể là triển lãm thị giác, tương tác với các ý tưởng, trần thuật của các tác phẩm thị giác khác. Khi tới triển lãm “cao / độ / chiều”, mọi người sẽ thấy hệ thống lam gỗ di động - là giao diện chính ở công trình kiến trúc nhà thờ Ka Đơn. Trong khoảng không gian giữa các lam gỗ có các tác phẩm điêu khắc xen lẫn các sa bàn mô hình kiến trúc, vừa có các tác phẩm nhiếp ảnh xen lẫn các tư liệu công trình nhà thờ Ka Đơn. Tất cả được chiếu sáng hoàn toàn từ các vật phẩm khác mà tôi thu thập và lựa chọn cùng một tác phẩm video 3 kênh. Không có sự rạch ròi giữa đâu là phần của kiến trúc, đâu là phần của thị giác, mà tất cả các yếu tố hiện diện đồng thời tạo ra một trải nghiệm không gian đa nghĩa. Ví dụ, hệ thống lam gỗ ở nhà thờ Ka Đơn được đặt trong bối cảnh cụ thể của không gian mang tính tôn giáo. Đó là ranh giới giữa không gian phàm và không gian thiêng. Nhưng khi hệ thống này được đưa vào không gian nghệ thuật The Factory thì câu hỏi có thể là đâu là ranh giới giữa không gian nghệ thuật và không-nghệ thuật, không gian hư cấu và phi-hư cấu, khả năng chuyển biến cảnh quan theo sự di dộng hay việc tạo ra một chiều thời gian khác...Một ví dụ khác, như văn phòng vn-a từng chia sẻ và trình bày, trong công trình nhà thờ Ka Đơn, có một ý tưởng kiến trúc rất rõ ràng về tính trong suốt. Các lam gỗ là hệ thống vách ngăn chính ở nhà thờ Ka Đơn, giữa các lam gỗ là kính. Tính trong suốt không đơn giản là sự trong suốt của vật liệu kính, mà sự trong suốt còn ở sự lặp lại của vật liệu. Khi tới triển lãm “cao / độ / chiều”, bạn cũng sẽ nhìn thấy sự trong suốt giữa các lớp không gian, sự “bên ngoài” và “bên trong”, bạn cũng nhìn thấy cả sự lặp lại của nội dung, của vật liệu lẫn các yếu tố thị giác. Như việc tôi thực hiện sáu ghế-điêu khắc nhưng mang hình dáng, màu sắc có tính gợi lặp, đặt xen kẽ với các phân mảnh mô hình địa hình của vn-a, được trình hiện theo một cách thức tương đồng.
PV: Bây giờ triển lãm đã đi được một nửa chặng đường rồi. Phản ứng của công chúng khi đến với triển lãm này như thế nào?
Nghệ sĩ Trương Quế Chi: Tôi chỉ có thể nói về suy nghĩ của mình hướng tới người xem ra sao khi thực hiện triển lãm. Điều này có liên đới với triển lãm trước của tôi, “Dừng qua mũi đất”, thực hiện ở Nhà sàn Collective hồi tháng 11/2017. Khi đó, tôi muốn người xem tiếp cận triển lãm như một trải nghiệm không gian-thời gian mà không bị giới hạn bởi áp lực về việc phải biết điều này hay điều khác. Tương tự như vậy, với triển lãm “cao / độ / chiều”, tôi muốn, ban đầu, ngay cả khi chưa sử dụng tới văn bản giới thiệu, trước khi hiểu về những trần thuật ẩn giấu sau mỗi tác phẩm, thì người xem vẫn có thể tạo ra riêng một trần thuật cá nhân trong dàn cảnh được thực hiện. Một trải nghiệm trong sự không cảm giác về sự bực thiết, gấp gáp của việc di chuyển và phải hiểu tất cả ngay lập tức. Một trong những suy nghĩ về khái niệm “thời gian” tôi đặt ra trong triển lãm lần này là câu hỏi về thời lượng được thực thi bởi người xem trong không gian trưng bày. Không chỉ là việc người xem đi từ đâu tới đâu, mà ở trong không gian triển lãm bao lâu ?
Trong hơn một tháng triển lãm, trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory có tổ chức các chương trình khác nhau dành cho cộng đồng. Đó là cuộc trò chuyện giữa Văn phòng kiến trúc vn-a và Văn phòng kiến trúc Nhà Bè Scholae về vấn đề giữa không gian thiêng và phàm, cũng như những ý tưởng kiến trúc của họ. Một chuyến tour nghệ thuật cùng giám tuyển Arlette Quỳnh Anh Trần để hiểu thêm về quá trình thực hiện cũng như những câu chuyện, câu hỏi được đặt ra từ dự án. Một buổi chia sẻ của tôi cùng nhà phê bình nghệ thuật Lee Weng Choy xung quanh khái niệm “thời gian” và một buổi workshop mà tôi dẫn dắt, đề xuất một cách tiếp cận các tác phẩm hình ảnh động.
PV: Trong dự án “cao / độ / chiều” có nhiều người cùng tham gia thực hiện. Nghệ sĩ Trương Quế Chi ở Hà Nội, kiến trúc sư Vũ Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng ở Berlin, còn giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần thì ở TP.HCM. Vậy mọi người đã làm việc như thế nào để có được một triển lãm “cao / độ / chiều” như hiện tại?
Nghệ sĩ Trương Quế Chi: Việc mỗi người ở những khu vực địa lý khác nhau cũng có trở ngại và chúng tôi đã cố gắng tận dụng mỗi cơ hội được gặp gỡ trực tiếp để thống nhất những điểm quan trọng của dự án. Tôi cảm thấy may mắn vì có được người đồng hành, hợp tác là giám tuyển Arlette Quỳnh Anh Trần, cố vấn kts Nguyễn Anh Cường và đặc biệt, văn phòng kiến trúc Vn-A của hai kiến trúc sư Vũ Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng cùng các đồng sự của họ. Công trình của Vn-A gợi cho tôi nhiều cảm hứng và suy nghĩ, tôi cũng đã trực tiếp quan sát và trải nghiệm cuộc sống hiện thời của công trình. Tôi thực khâm phục hai kiến trúc sư của văn phòng vn-a bởi sự quyết liệt trong việc họ thực hành kiến trúc ở Việt Nam, việc giữ được tính nhất quán về các quan niệm thẩm mỹ của mình trong các đề xuất kiến trúc trong các công trình thực hiện.
PV: Vâng. Cảm ơn nghệ sĩ Trương Quế Chi, và mong chị cùng những đối tác của mình sẽ tiếp tục có những dự án nghệ thuật mới mẻ tại Việt Nam.
Một số hình ảnh Triển lãm: