Trịnh Lữ... Và một phía khác

Trịnh Lữ... Và một phía khác - ảnh 1

Đối với chúng tôi, ông cựu biên dịch và phát thanh viên chương trình tiếng Anh có biệt danh ở Đài Tiếng nói Việt nam là “Tuấn tiếng Anh” và cái ông dịch giả Trịnh Lữ - thực sự đã dịch những cuốn sách rất đáng phải bỏ tiền ra mua ấy, thoạt tiên chẳng có mối liên hệ gì đến nhau.

Hay cái ông khách, có dáng vẻ trầm tĩnh một ngày đẹp trời năm đó dẫn thêm một phóng viên báo nước ngoài đến thăm phòng chúng tôi, khiêm nhường đúng “chức phận” của một người dẫn đường, nói chỉ đủ để “dẫn chương trình” và “chào tạm biệt”. Nếu không có mấy “bậc tiền bối” sau đó truyền dạy lại, thì ai mà biết được, đấy chính là một cựu nhân viên thân thiết của Đài  - lẽ ra khi về chốn cũ nơi xưa thì phải “ăn sóng nói gió”, tay bắt mặt mừng hớn hở hơn mới phải!

Đã đành, khi thế hệ trước - từ biên dịch viên đến kỹ thuật phòng thu nhắc lại, thì cái tên “Tuấn tiếng Anh”, là nói tên một người có giọng đọc tiếng Anh rất ấm và truyền cảm, một người biên dịch giỏi, thế nhưng không làm việc ở Đài đã lâu lắm rồi. Ấy vậy mà nhiều việc do ông khởi xướng từ những năm còn chiến tranh đến nay vẫn còn sống động trên làn sóng, như các chuyên mục Sunday Show, Music Box...

Hay là cũng ông - một ngày tôi đã biết đầy đủ tên họ - Trịnh Hữu Tuấn, nói điều gì thì luôn chậm rãi diễn đạt đúng chuẩn nghĩa đen và nghĩa nội hàm của câu nói, giỏi về ngôn ngữ nhưng lại rất điềm đạm khi luôn tỏ ra hoài nghi (một cách có lý!) về sự sai lạc của ngôn ngữ.

Còn ông Trịnh Lữ ấy, khi bắt đầu dịch truyện bằng một đơn đặt hàng, đã dịch sách không hẳn vì chuyện tiền, mà vì say mê truyện. Và phải nhiều đam mê lắm, nhiều yêu thương lắm, mới truyền đạt được hết những ý tưởng rộng dài, lắt léo, ngoắt ngoéo vào nhau từ ...chữ cái tiếng Anh sang 26 chữ cái tiếng Việt.  Từ Cuộc đời của Pi, Truyện ngắn Úc, đến Con nhân mã ở trong vườn, Rừng Na Uy...Những giải thưởng và lời tán thưởng dành cho dịch giả. Rồi tôi được biết thêm, trong núi thông tin từ báo chí và internet, và cả người đời, rằng, đó là con trai của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc, một hoạ sĩ – và nhà tư sản có tiếng trước đây của Hà Nội, rằng ông ấy học và làm báo, làm các dự án truyền thông cho Liên Hiệp Quốc, tư vấn giúp nhiều cơ sở xây dựng chiến lược phát triển và cơ cấu tổ chức, rằng ông ấy không chỉ dịch sách giỏi, mà còn vẽ tranh, còn làm thơ, còn viết văn, còn yêu nhạc, tức là còn đủ thứ say mê như bất cứ mẫu nghệ sĩ nào vẫn được kể trong truyện tranh. Tôi lại còn nghe giới văn nghệ sỹ ai cũng nói căn hộ Linh Đàm của nhà thơ Hoàng Hưng là một không gian lạ đẹp ấm cúng khác thường, mà lại do ông Trịnh Lữ thiết kế tòan bộ.


Rồi tôi cũng tình cờ may mắn được xem tranh của ông, những bức tranh treo trên tường, trong phòng làm việc. Tranh đẹp, một cách giản dị. Tôi cũng đọc được đôi ba bài thơ của ông, từng in trên các tạp chí. Không xoàng tí nào. Có nghĩa là, nếu như là người ưa thích việc in hết những danh vị của mình vào “cạc-vi-dit”, thì ông dịch giả Trịnh Lữ ấy, hoàn toàn có thể in chật một danh sách “nhà thơ, nhà văn, dịch giả, hoạ sĩ....” trong thời rất nhiều nhà như hiện nay(!), một cách thực sự tự tin, và đáng được trọng thị.

 Trịnh Lữ... Và một phía khác - ảnh 2

Đã có nhiều truyện hay của Nga, của Nhật, của Pháp, của Anh...vv và vv...được in ở Việt Nam. Những ngôn từ chuyển động sáng và rõ. Những câu văn khiến người đọc run rẩy, những mạch chuyện biến ảo bắt người lãnh đạm cũng phải thành kẻ si mê. Đã hẳn đó là những tác phẩm văn chương tuyệt vời của những tác giả vĩ đại. Nhưng tôi cũng không quên rằng, tôi đang đọc những tác phẩm vĩ đại đó bằng tiếng Việt - thứ tiếng mà, có nhà văn người Việt biết nói tiếng nước ngoài, đã từng chê nó không đủ sức diễn đạt hết độ sâu xa, độ lớn lao của tư duy con người.

Nhà văn Đào Thắng, Chánh văn phòng Hội nhà văn, đã rất ngạc nhiên trong Lễ trao giải của Hội, khi tôi (một độc giả quèn) mang bó hoa đến để tặng ...chú Tuấn. Tuấn nào? Đấy là ông Trịnh Lữ, dịch giả văn học. À!

Nhà văn Đào Thắng biết đâu rằng nỗi ngạc nhiên của chúng tôi trước đây còn lớn hơn thế, chỉ vì chúng tôi đã biết ông “Tuấn tiếng Anh” trầm lặng đó! Hoá ra, không phải đơn giản để hiểu hết về một con người, dẫu từng nghe qua, dẫu từng gặp gỡ, thậm chí, dẫu từng ở cạnh bên!


Những bông hoa nhỏ của một độc giả dành cho một dịch giả - nhưng cũng là dành cho các dịch giả, bằng vốn văn hoá sâu rộng, bằng lòng yêu tiếng Việt, bằng sự say mê văn chương một cách “vô kỷ”, đã cho tôi và bạn bè hiểu biết hơn về con người, và về chính mình. 

Thông tin xuất bản rằng Trịnh Lữ có hai bản dịch văn chương, một đã in: Biển (The sea), tác phẩm được giải ManBooker 2005 của John Banville - một áng văn rất đẹp về thân phận làm người; và bộ Ba truyện New York, một bộ ba truyện trinh thám hậu hiện đại của nhà văn Mỹ Paul Auster, hiện là phó chủ tịch hội văn bút Hoa Kỳ.


Bây giờ tìm cái gì là thước đo giá trị trong rừng thông tin lộn xộn và dễ kiểm chứng nhưng ít được kiểm chứng này? Tôi thì tôi tin, vào cái sự điềm tĩnh của một người, mà cuộc đời đã trải nhiều dâu bể - dù tài hoa, nhưng kiến văn rộng tới mức đã luôn giữ người ấy lại ở ngưỡng cửa của sự khiêm cung.

                                                                                                                    Phi Hà (Bài Tạp chí văn nghệ phát sóng 16.1.2007)

Thính giả Trần Vinh (CH Séc), thính giả Jane Trinh (Hoa Kỳ) có gọi điện hỏi BTV văn nghệ về dịch giả Trịnh Lữ: kể từ sau giải thưởng dịch thuật Hội nhà văn Việt Nam 2005 đến nay, ông đã dịch những cuốn sách nào nữa? Xin thưa cùng quý vị, sách dịch của Trịnh Lữ đã xuất bản từ 2004:

Cuộc đời của Pi (Giải Dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội 2004 và Hội nhà văn Việt Nam 2005) Con nhân mã ở trong vườn, Utopia, Bí mật chôn vùi-Sự thật tàn bạo, Hội họa Trung hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa, Truyện ngắn Úc (song ngữ Anh-Việt), Rừng Nauy, Biển, Tham vọng bá quyền, Trần trụi với văn chương, Nhạc đời may rủi, 15 Nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (cùng với Hoàng Hưng, Phan Nhiên Hạo, Cù An Hưng), Màu tự nhiên, Người trong bóng tối, Đại gia Gatsby, Nhập môn Nghiên cứu Dịch thuật - Lý thuyết và Ứng dụng.




Phản hồi

Le Van Ninh

Bai viet rat chu+~ng cha.c, tha^'u dda.t ddu+o+c mu.c ddi'ch muo^'n die^~n dda.t :mo^t Tri.nh Lu+~ ta`i hoa, nhu+ng khie^m cung... Xem thêm

Các tin/bài khác