Mẹ tôi
Mẹ tôi bước xuống đồng sâu
Ngọn cỏ ngóc đầu sắc tựa mũi chông
Mẹ tôi ngã quỵ xuống đồng
Cây lúa đòng đòng đỡ mẹ đứng lên
(Thanh Vân)
Lời bình của nhà thơ Trúc Thông:
Câu thơ đột khởi vào ấn tượng người đọc:
Ngọn cỏ ngóc đầu sắc tựa mũi chông
Cả cái chuyển động “ngóc đầu” như một thình lình tấn công bà mẹ. Và “sắc tựa mũi chông” nghe sao mà nhọn bén, tê buốt. Lập tức xảy dến cho mẹ động tác:
Mẹ tôi ngã quỵ xuống đồng
Động từ “ngã quỵ” là một tất yếu của sức người có tuổi, chớp lên nỗi đau lặn vào trái tim người con. Vô phương chăng, kết thúc chăng một cuộc đời vì lúa gạo nuôi con? Nhưng may thay ngay trên cánh đồng lam lũ ác liệt ấy đã xuất hiện không phải ông Bụt, Đức Phật, bà Tiên, mà chính là hiệu quả của chính sức lao động con người, của chính bà mẹ:
Cây lúa đòng đòng đỡ mẹ đứng lên
Với tính cách rắn rỏi bất khuất của người vùng thượng đạo Tây Sơn Bình Định, tác giả Thanh Vân đã viết “đỡ mẹ đứng lên”. “Đứng lên” có nghĩa trực diện là không đầu hàng, tiếp tục cuộc hành trình của người nông dân. Hành trinh miên viễn nuôi lúa, nuôi con, nuôi cuộc đời.
Vẽ trọn cuộc luân hồi không phải từ kiếp này sang kiếp khác, mà “luân hồi” của sự sống ngay trong chính kiếp này, trên cánh đồng cụ thể quê hương Việt Nam đau thương và dũng cảm này. Chúc mừng nhà thơ trẻ Thanh Vân đã hoàn thành trong cú tứ tuyệt chỉ bằng bốn đường ban lục bát. Đã đồng hiện trên mặt phẳng giấy một quá trình dài dặc nhiều ẩn chứa, nhiều nông nỗi của bà mẹ nông dân gốc gác mẹ chúng ta. Gọi là “nhà thơ trẻ” vì anh chưa cao tuổi, nhưng thực ra đã thông thuộc, dày dặn không ít với những vất vả, những trải nghiệm ruộng đồng, mới có thể nói ra gọn như thé, bập vào lòng người một nỗi xót đau, một hàm ơn ấm áp nhanh như thế. Sẽ còn lại mãi ngân rung nhoi nhói trong trái tim bạn đọc về “Mẹ tôi”.
Trúc Thông