Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phượng Minh:
Lần đầu tiên tôi đọc thơ Trương Đăng Dung là vào một buổi trưa đầu hạ năm 2012. Tôi cần tìm chủ đề mới cho buổi trò chuyện về thơ trên làn sóng phát thanh văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngồi trước màn hình vi tính, tôi lang thang qua các trang web. Xung quanh tôi bóng tối bao phủ. Một vài đồng nghiệp đang tranh thủ chợp mắt, tiếng ngáy khe khẽ trong không gian im ắng. Bất chợt tôi rùng mình, gai ốc nổi lên ở hai cánh tay:
…
Ở Paris trước cửa viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ
…
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
…
Tên bài thơ là “Giấc mơ của Kafka”. Tác giả bài thơ là Trương Đăng Dung. Tác phẩm của Kafka tôi từng đọc thời đại học, đọc trong trạng thái mông lung vì mình còn quá trẻ tuổi và non nớt. Đối diện những câu thơ này, hình dung về Kafka trong tôi bất chợt sáng rõ hơn. Trương Đăng Dung đã gọi tên bản chất, tái hiện phần linh hồn của văn chương Kafka qua một bài thơ, với những hình ảnh phi lý, nghịch dị mang tính khái quát cao cùng sức biểu đạt đa nghĩa, ám ảnh.
Nhà thơ Trương Đăng Dung khi dịch Truyện Kiều (30 tuổi). Ảnh: NVCC |
Thơ Trương Đăng Dung đã đến với tôi như vậy, ở khoảnh khắc ngẫu nhiên. Có điều tôi tiếp cận được. Có điều thật khó hình dung khó nắm bắt. Nhưng có lẽ ý nghĩa nhất với thơ không phải hiểu mà là cảm. Tôi đã cảm nhận được ở hồn thơ ấy những bất an riêng biệt.
Mãi về sau, qua nhiều lần chuyện trò, tôi mới tiếp cận được phần nào những đợt sóng nội tâm trong ông. Những đợt sóng ấy, nếu ào đến khi ông ở tuổi đôi mươi, ba mươi, hẳn dữ dội, mạnh mẽ, và hẳn ông phải rất vất vả mới chế ngự được nó, dù về bản chất ông là người điềm tĩnh, sâu sắc. Đó không phải sóng thủy triều, xô đến rồi rút ngay để lại bờ cát ướt. Đó là một cái gì sâu thẳm, dằn vặt, có thể gây ra những chấn thương tâm lý.
***
Khoảng thời gian khó khăn nhất đối với chàng trai trẻ Trương Đăng Dung là sau khi dời ghế nhà trường, một mình khăn gói từ quê nhà xứ Nghệ đi thẳng đến trời Âu. Rất nhiều lạ lẫm, hoang mang, những hối thúc, đòi hỏi. Cần phải sống thế nào, phải học hành ra sao để khi trở về không hổ thẹn với gia đình, với nơi chốn đã tạo mọi điều kiện cho mình được phát triển?
Sẽ có ý kiến cho rằng: khi đất nước còn nghèo khổ bom rơi đạn lạc, bao nhiêu thanh niên ưu tú phải lên đường ra trận, thì được đi học ở trời Âu là một cơ hội quá tốt. Không vượt qua được những lạ lẫm ở vùng đất mới, thử hỏi còn làm được gì? Với lòng tự trọng, Trương Đăng Dung thấu hiểu điều ấy, luôn xác định mục tiêu của mình là hòa nhập và học tập. Song đôi khi ông vẫn bị dằn vặt bởi thấy mình được nhận quá nhiều ưu ái, thấy mình lạc lõng giữa hiện tại. Với một người mang cảm quan thi sỹ, thì những tiếng động dội từ bên ngoài hay tận cùng bản thể luôn được phóng đại lên, rõ ràng từng thanh âm đường nét. Chính vì thế, có thời gian Trương Đăng Dung sống thu mình, không giao du rộng rãi, và như sau này ông thú nhận, ông mắc chứng “sợ người”, sợ đám đông, sợ những ồn ào phấn khích.
Ở tuổi ngoài 60, mặc cảm về chứng “sợ người” đôi khi lại trở về trong ông, đầy âu lo. Thế giới của thế kỷ 21 chỉ là sự nối dài những bất an của thế kỷ 20. Con người đâu đã chịu dừng tham vọng bá chủ. Ở đâu đó tiếng súng tiếng bom vẫn nổ. Chúng ta chưa ra khỏi hiểm họa này lại phải đối diện rủi ro khác. Lần trở lại châu Âu cách đây mấy năm khiến ông buồn hơn, cô đơn hơn:
Không có gì mới đâu, thi sĩ
mỗi ngày sống là một ngày thất vọng
Từ Tây sang Đông
người sợ con người
(Bên mộ một nhà thơ)
“Sợ người” là trạng thái tâm lý mà bao bậc nhân sỹ trí thức xưa và nay đã trải nghiệm. Nó cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, “ưu thời mẫn thế” và cũng dễ tổn thương. Trương Đăng Dung không phải bậc túc nho. Ông là một trí thức tây học, một nhà nghiên cứu lý thuyết, say mê với mỹ học tiếp nhận. Ông mang tinh thần nhập thế, trân trọng hiện tại, bởi quá khứ đã qua đi không bao giờ trở lại, tương lai thì vô định bấp bênh, chỉ có hiện tại thuộc về chúng ta, đánh dấu sự tồn tại của chúng ta. Tinh thần nhập thế ấy thể hiện trong cách ông lao động hàng ngày, dù nghiên cứu, dịch thuật hay giảng dạy, ông đều làm việc nghiêm túc, hết mình. Trong đời thường cũng vậy. Luôn là sự nghiêm cẩn, chu đáo với bản thân, gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Song thẳm sâu bên trong, ông cũng có những khoảnh khắc yếu đuối, bất lực.
Cuộc sống này không có gì là chắc chắn. Chỉ có một điều duy nhất chắc chắn sẽ xảy ra, đó là cái chết. Trương Đăng Dung nghĩ về cái chết, nhắc đến cái chết một cách bình thản, bởi đó là sự thật mà con người phải đối diện trong hành trình tồn tại. Ông suy tư về cái chết gắn với thân phận con người, với những mong manh và hữu hạn của kiếp người.
Và dù có những lúc “sợ người” thì ông vẫn nhận thấy rằng sự tồn tại của con người trên thế giới này là điều tuyệt vời nhất. Cũng chính bởi là điều tuyệt vời nhất nên sẽ thật đáng thương khi con người không biết trân trọng từng khoảnh khắc sống, thật đáng thương khi trí tuệ và trái tim con người bị che khuất bởi sự ích kỷ, độc ác, tham lam.
Có gì mới hơn sau mỗi kiếp người
con hỏi bố,
thấy một người già lặng lẽ đứng nhìn con
(Giấc mơ của con)
Tiếng thơ Trương Đăng Dung là tiếng thơ buồn, ít nhiều cô đơn. Ông đem đến cho người đọc những tự vấn. Đó là điều cần thiết, nhất là với nhịp sống đương đại hôm nay, khi bao dư thừa vật chất dễ khiến ta ảo tưởng lầm lạc. Tự vấn cũng là một phẩm chất của thơ ca và của người trí thức. Với những day trở mà Trương Đăng Dung bộc lộ qua hai tập thơ đã xuất bản, thiết nghĩ ông là một trí thức – nghệ sỹ theo đúng nghĩa của từ này. Thân phận con người là điểm xuất phát và cũng là nơi trở về trong thơ ông, với nhiều cung bậc cảm xúc: yêu thương, trân trọng, xa xót, cảnh báo, bất lực, hy vọng… Dù có những khoảnh khắc bi quan khi suy ngẫm về tồn tại người, thì tinh thần thơ Trương Đăng Dung vẫn ấm ấp, nhân hậu.
PGS-TS Trương Đăng Dung sinh năm 1954 tại Diễn Châu - Nghệ An, từng học tập và nghiên cứu tại Budapest - Hunggary, hiện công tác tại viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông được đánh giá là một trong những nhà lý luận văn học hàng đầu ở nước ta hiện nay. Song người yêu thơ lại biết đến ông nhiều hơn qua hai tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” (Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2011) và “Em là nơi anh tỵ nạn” (2020).