(VOV5) - 74 năm trôi qua kể từ năm 1946, nhạc sỹ Trần Viết Bính vẫn nhớ như in kỷ niệm được gặp và hát cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhạc sĩ Trần Viết Bính. - Ảnh: nbtv.vn |
Cũng từ lần gặp đó, rồi đến những lần hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cậu bé 13 tuổi Trần Viết Bính có động lực để theo đuổi con đường nghệ thuật, trở thành nhạc sỹ Trần Viết Bính với Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật như bây giờ.
Ở tuổi 87, nhạc sỹ Trần Viết Bính vẫn tinh anh, minh mẫn, vẫn hàng ngày vừa học tin học vừa ứng dụng công nghệ trong sáng tác nhạc, vẫn vừa đàn vừa hát những bài hát yêu thích.
Trong những bài hát mà ông hát, ấn tượng đặc biệt nhất vẫn là “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sỹ Phong Nhã. Chỉ cần nhìn ông ngồi bên cây đàn và cất tiếng hát, mỗi người nghe đều nhớ đến những hình ảnh gần gũi, ấm áp của Bác Hồ từng thấy qua sách báo, phim ảnh. Riêng nhạc sỹ Trần Viết Bính, mỗi khi hát bài này, nhìn ông như trẻ ra rất nhiều so với tuổi của mình, tiếng hát không còn trong trẻo nhưng vẫn vút cao, mắt ông lấp lánh niềm vui và có khi ông…khóc.
Một buổi chiều giữa năm 1946, cậu bé Trần Viết Bính 13 tuổi, vinh dự cùng với đội thiếu nhi thị xã Thái Bình và thiếu nhi một số tỉnh lân cận, đến cảng Hải Phòng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước sau một hội nghị quan trọng ở Pháp. Bác Hồ lên khỏi tàu giữa tiếng trống của các đội thiếu nhi đứng dọc bến cảng. Rồi Bác đi bộ cùng mọi người về nơi ở.
Sáng hôm sau, tại một trường học ở Hải Phòng, các đoàn đại biểu vào chào Bác trước khi Người về lại Hà Nội. Đoàn thiếu nhi được vào trước. Trần Viết Bính và các bạn bước vào, chào Bác và xin hát cho Bác nghe bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sỹ Phong Nhã. Bài hát này được nhạc sỹ sáng tác từ năm 1945 nhưng đây là lần đầu tiên hát cho Bác nghe và được phổ biến rộng rãi.
Nhạc sỹ Trần Viết Bính kể lại: Cả đội cất tiếng hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” trong niềm vui sướng, tự hào, hạnh phúc. Bác Hồ xoa đầu từng thiếu nhi trong đội và Bác Hồ đã khóc: "Tôi bé nhất hội nên được ra nói. Chúng tôi khoanh tay, tôi nói: Chúng cháu chào Bác ạ! Chúng cháu xin hát Bác nghe một bài ạ! Thế rồi chúng tôi cùng hát. Khi chúng tôi hát đến câu, tôi còn nhớ câu ấy: Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi. Ngày ngày chúng cháu ước mong…thì Bác xoa đầu chúng tôi và khóc. Sau đó Bác nói: Các cháu hát giỏi lắm."
Cái xoa đầu và tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi đã theo cậu bé Trần Viết Bính, trở thành động lực cho cậu bé phấn đấu trong suốt những năm tháng sau này. Cũng chính từ đó, cậu yêu thích hơn việc ca hát, cậu gắn bó với những công việc liên quan đến ca hát và cậu sáng tác nhạc để trở thành nhạc sỹ với hơn 200 tác phẩm âm nhạc như bây giờ.
Sau lần hát cho Bác Hồ nghe năm 1946, gia đình ông Trần Viết Bính chuyển từ Thái Bình đến Nam Định sinh sống. Ở Nam Định, ông Bính tham gia đội ca hát thiếu nhi có tên là “Vàng Anh” rồi dần dần trở thành phụ trách đội này trong nhiều năm liền. Lúc đó, khi qua tuổi thiếu nhi, ông Bính mở một cửa hàng bán nhạc cụ rồi vừa bán vừa hướng dẫn đội “Vàng Anh” tập luyện, vừa tìm thầy học nhạc lý và tập sáng tác.
Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó vẫn thu âm các bài hát do các đội thiếu nhi thể hiện để phát sóng. Đội Vàng Anh của ông Trần Viết Bính mỗi lần được giao tập 10 bài và cứ ba tháng một lần lên Hà Nội thu âm. Thời gian ấy thật tuyệt vời với ông Bính và các bạn, bởi được thu âm chuyên nghiệp, được hát trên đài, được gặp gỡ và làm việc với các nhạc sỹ tên tuổi.
Với ông Trần Viết Bính, đội Vàng Anh và thời gian được thu âm, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam là một ấn tượng sâu sắc trong đời: "Khi ấy, anh Phạm Tuyên là trưởng phòng ca nhạc của Đài phát thanh thấy rằng các bài hát thiếu nhi toàn quốc mà chỉ có đội Sơn Ca của Hà Nội hát thì mới đề nghị các tỉnh lân cận lập một đội thiếu nhi cộng tác viên của Đài. Cứ 3 tháng các anh ở Đài lại giao cho đội khoảng 10 bài. Đội tập hát trong 3 tháng ấy, thống nhất với Đài để các anh ở Đài như Cao Việt Bách, Huy Thư…phối khí. Rồi sau 3 tháng thì lên Hà Nội, lên 58 Quán Sứ thu âm với dàn nhạc của Đài."
Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những nơi ông Trần Viết Bính gắn bó khi còn niên thiếu. Nơi này đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của ông. Cũng từ Đài, năm 1957, lần đầu tiên bài hát “Dòng sông “ do ông sáng tác được ghi âm và phát sóng, phổ biến rộng rãi, nhanh chóng được công chúng đón nhận và yêu thích. Sự thành công của bài hát trên sóng phát thanh là bước ngoặt quan trọng để Trần Viết Bính chính thức trở thành một nhạc sỹ nghiệp dư.
Ông tiếp tục làm việc và sáng tác. Ông là người phổ nhạc bài thơ "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa và được bao thế hệ yêu thích. Năm 1974, nhạc sỹ Trần Viết Bính trở thành Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Năm 2017, nhạc sỹ Trần Viết Bính vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật.