Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa ra đi ở tuổi 72. Nhận được tin ông mất, anh chị em, bạn bè, những người thân và cả nhiều người chưa từng một lần được gặp ông, đều tỏ lòng xót xa, thương tiếc. Đặc biệt, với những người xa quê, âm nhạc của ông như sợi dây gắn kết họ với quê hương xứ sở. Chúng tôi xin giới thiệu trang viết của tác giả Chung Lê, người Việt tại Mỹ - như một nén tâm nhang gửi tới người nghệ sĩ đa tài.
Tác giả (ngoài cùng bên phải), nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cùng bạn bè trong lần nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đến New York
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Buổi sáng đầu tiên đặt chân đến New York, trong khi chờ đợi tôi chuẩn bị bữa cơm "nửa chừng xuân" vào lúc 9.30, anh Tạo đã "đổ" từ USB anh mang theo vào máy tính của tôi "Khúc hát sông quê".
Đôi khi lang thang trên internet, tôi cũng đã gặp những bài viết, những comments về "Khúc hát sông quê". Vẫn nghĩ anh Tạo là "người đương thời" nên nếu bài hát được nhắc đến nhiều cũng là điều dễ hiểu. Và tôi cũng chẳng "bận lòng" vào Youtube để nghe một lần cho biết. Phải đến lúc xem và nghe trọn vẹn lần đầu tiên "Khúc hát sông quê" tôi mới nhận ra căn bệnh "dị ứng với người nổi tiếng" của mình đã đến độ trầm kha.
Tôi không biết nhà thơ Lê Huy Mậu quê ở đâu, nhưng nghe "Khúc hát sông quê", tôi cứ hình dung ra khúc sông ấy ở một làng quê xứ Nghệ.
"Quá nửa đời phiêu dạt,
Con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông quê dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn"
Nếu phố Tàu hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới thì có tỉnh nào ở Việt Nam không có nổi một người xứ Nghệ? Người xứ Nghệ "học gạo", đỗ đạt làm quan, phiêu bạt khắp mọi miền, cốt để trốn cái nghèo của vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi". "Tin thì tin, không tin thì thôi", sang tận Mạc-tư-khoa, còn nghe được câu hò Nghệ Tĩnh. (Bài hát "Giữa Mạc-tư-khoa nghe câu hò ví dặm" nhạc: Trần Hoàn, lời thơ: Đỗ Quý Doãn). Cha tôi cũng là một người phiêu bạt như thế. Chỉ tiếc rằng cho đến tận lúc nhắm mắt, ông không được một lần "trở về úp mặt vào sông quê".
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Tuổi thơ tôi cũng có một dòng sông nơi sơ tán. Mỗi buổi sáng trước giờ đi học, bọn trẻ "nhà quê" thường đứng sẵn ở đầu cầu. Đợi khi chúng tôi chuẩn bị bước lên, cả lũ liền nhảy tưng tưng cho cầu rung bần bật. Chúng khoái chí khi nhìn thấy "dân thành phố" nối đuôi nhau bò lổm ngổm qua cầu.
"Tuổi thơ tôi có bát cơm quả trứng bên sông
Cho bạn tôi - một buổi chiều tắm sông nước xiết
Lũ trẻ chúng tôi chạy dọc theo bờ đê mải miết
Tuệ ơi về ăn cơm"
(Tuổi thơ tôi)
"Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng"
Sau cái chết của cậu bạn cùng lứa khi vừa sáu tuổi, bọn trẻ chúng tôi bị cấm ra đầu cầu ngồi đợi cha mẹ lên thăm lúc cuối tuần. Ngày ấy cha tôi bắt đầu ngã bệnh còn mẹ không biết đi xe đạp. Cái sự đợi chờ của tôi mới "vời vợi" mới vô vọng làm sao! Chị cả tôi khai tăng tuổi để đi làm khi mới mười ba. Mười lăm tuổi thay mẹ cha, cuối tuần đạp xe lên thăm các em nơi sơ tán. Không như những đứa trẻ con khác, khóc đòi theo mẹ mỗi chiều chủ nhật, tôi ngồi trên bờ tường lấp xấp cuối sân kho hợp tác xã nhìn theo cho đến khi bóng chị tôi khuất dạng trên đường. Sau này chị tôi vẫn nhắc, giá như tôi đòi theo khóc để chị mắng tôi một vài câu còn đỡ xót hơn. Chị biết tôi nhìn theo mà không dám ngoái lại, vừa đi vừa lau nước mắt thương em.
"Ơi con sông quê, con sông quê
Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm"
Sau này lớn lên, tôi đã đi qua nhiều vùng quê. Từng ngồi bên gốc rạ sau mùa gặt để hít hà hương lúa. Từng cùng bạn bè lội xuống bờ mương bắt cá. Khúc sông này hình như ở khắp mọi miền quê. Có lẽ vì thế mà người nào nghe bài hát cũng thấy đâu đây thấp thoáng quê mình. Anh bạn tôi ở nước ngoài khi biết anh Tạo sang New York cũng viết thư kể rằng, ở bên ấy mỗi lần tụ tập mấy gia đình Việt Nam với nhau, họ cũng hát Karaoke bài hát "Khúc hát sông quê".
"Cùng một bến sông, con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong, chảy mãi tới vô cùng".
Mỗi khi nghe đoạn này tôi thường liên tưởng đến bài "Nhớ con sông quê hương" mà chúng tôi phải học thuộc lòng khi xưa:
"Bạn bè tôi thường tụm năm túm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông"
Rất lạ là con gái tôi sang đây khi chưa học xong lớp sáu, nhưng bài thơ cháu nhớ nhất, thuộc nhất sau sáu năm ở xa Tổ quốc cũng là bài thơ này. Hình như những bài hát, những bài thơ nói về sông nước đều có một sức sống mãnh liệt trong lòng mọi người.
Sẽ thật không công bằng khi nhắc đến "Khúc hát sông quê" mà không nhắc đến nhà thơ Lê Huy Mậu. Nếu anh không "gõ" đúng vào cánh cửa cảm xúc của nhạc sĩ thì không thể nào sau một giấc ngủ "rượu bia", anh Tạo lại có thể hạ ngay bút để ký xướng âm bài hát một cách"siêu tốc" như vậy. Hình như anh Tạo là một trong số ít các nhạc sỹ sáng tác mà không cần dùng đến nhạc cụ.
Trong buổi gặp gỡ với anh chị em làm việc cho Liên hợp quốc ở New York, một anh bên Thông tấn xã Việt Nam theo thói quen nghề nghiệp đã phỏng vấn nhà thơ - nhạc sỹ của chúng ta: "Tại sao nhạc sĩ Phú Quang thì phổ nhạc thơ Nguyễn Trọng Tạo, còn Nguyễn Trọng Tạo lại phổ nhạc thơ của người khác?". "Vợ người khác bao giờ cũng đẹp hơn vợ mình" - Câu trả lời của anh Tạo vừa thể hiện sự khiêm nhường vừa đủ, vừa thể hiện bản lĩnh của một người chuyên đi trả lời phỏng vấn của giới báo chí.