(VOV5) - Những chia sẻ của các nhà văn, nhà thơ về những tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với mong muốn kích hoạt sự mới lạ trong việc giảng dạy, cảm thụ văn học trong nhà trường, vừa qua Khoa Viết văn- Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức lớp tập huấn “Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông”.
Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học thông qua 11 chuyên đề như: “Thơ thiếu nhi do thiếu nhi viết và thơ thiếu nhi của người lớn viết cho thiếu nhi” giảng viên nhà thơ Trần Đăng Khoa. “Một số vấn đề thời sự văn học” giảng viên PGS, TS Ngô Văn Giá. “Đọc hiểu tác phẩm tự sự” giảng viên GS. TS Trần Đình Sử. “Con đường thơ ca - Con đường của cái đẹp” giảng viên nhà thơ, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều vv…đã chia sẻ với các thầy cô giáo từ khắp mọi miền đất nước đến với lớp tập huấn.
11 chuyên đề được chia sẻ thông qua câu chuyện văn chương cụ thể. Nếu như chuyên đề “Thơ thiếu nhi do thiếu nhi viết và thơ thiếu nhi của người lớn viết cho thiếu nhi” được nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện mang nét hồn nhiên, đáng yêu của tuổi thần tiên, thì ở chuyên đề “Những ngôi sao xa xôi”- Ngày ấy, bây giờ” do nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ lại mang nét sâu đằm của văn chương trong đời sống, thông qua nhiều chi tiết sinh động.
Nhà văn Lê Minh Khuê |
Nhà văn Lê Minh Khuê nói về những cảm hứng khi sáng tác truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”: "Truyện ngắn này tôi viết năm 1969, khi tôi quay trở lại đường 20 Quyết Thắng. Đây là cung đường được xem là túi bom ác liệt.
Tôi nhớ đã lên một điểm trinh sát, ở đó có ba cậu thanh niên đẹp trai cao lớn. Lúc ấy đang có mốt là đội mũ tai bèo nhưng lại bẻ góc lên giống như du kích Nam Mỹ. Ba cậu trinh sát ấy đều đội mũ kiểu đó và tôi rất ấn tượng với các chàng trai này.
Nhưng không hiểu vì sao khi tôi viết lại biến 3 chàng trai ấy thành 3 cô gái, 3 nhân vật chính trong tác phẩm. Đó là cô Định điệu điệu xuất thân tầng lớp trí thức. Cô Nho là con của gia đình thợ thủ công. Còn cô thứ 3 là người ở ngoại thành. 3 cô gái đã hợp thành một tổ trinh sát tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Tôi xen vào những mơ mộng, nghĩ về thành phố của nhân vật Phương Định với những con đường nhựa sau cơn mưa, trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường như những ngôi sao, rồi tiếng rao của bà bán xôi sáng… Tôi thích các chi tiết ấy và đã đưa vào tác phẩm."
Bài thơ “Sang Thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 tập 2, là một trong những tác phẩm tiêu biểu được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Hoàn cảnh ra đời cùng những câu chuyện xung quanh tác phẩm thêm một lần nữa được nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: "Trong khi tôi đang viết trường ca “Đường tới thành phố” rất say mê, thì vào buổi chiều, qua cửa sổ thoảng vào mùi hương ổi thơm náo nức. Tôi bèn đứng lên giải lao. Ra vườn tôi nhìn lên cây ổi và mùi ổi chín đã đánh thức lại toàn bộ kỷ niệm của tuổi thơ. “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió thu/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về”. Một số bản có in là “Gió chùng chình qua ngõ” là không phải. “Sương chùng chình” thì mới đúng bản chất của mùa thu. “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Nhưng vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi”. Nếu ai tinh ý sẽ thấy thêm một chủ đề. Sang thu ở đây chính là đất nước đã hết chiến tranh để bước sang thời hòa bình. Mùa hè tượng trưng cho chiến tranh. Còn mùa thu tượng trưng cho hòa bình."
Trong bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống (lớp 7), truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi” lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Chính vì thế nhiều câu hỏi của các thầy cô đều xoay quanh vẻ đẹp kiên cường của những chú chim chìa vôi bé nhỏ đã dũng cảm đập những nhịp cánh đầu tiên trong cuộc đời, để khẳng định sự tồn tại của chúng trong không trung bao la.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Tác giả cảm xúc nhất là khi con chim bắt đầu đập những nhịp đập đầu tiên trong cuộc đời và bay đi. Ngay cả hai đứa trẻ cũng sững sờ về điều đó.
Nhiều người đọc cho rằng đó là điểm quyết liệt đẩy cao trào của truyện lên trong ánh sáng ban mai đang mở ra, trong những cơn mưa gió đã ngớt đi, và con chim bé bỏng đang đập những nhịp đập, nhịp nhẩy quyết liệt suốt đêm như một sự tập luyện. Khi dòng nước lấp kín toàn bộ dải cát thì là lúc chúng đập cánh bay lên. Đó là chi tiết mạnh và tôi thích nhất. Nếu không có chi tiết đó, khoảnh khắc đó thì câu chuyện sẽ bị xuống rất thấp."
Đây là lần thứ 3, Khoa Viết văn - Báo chí của trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức lớp tập huấn: “Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông”. Khác với các lần tổ chức chức trước, những nét mới đáng khích lệ trong lần này được Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Giá (chủ nhiệm lớp tập huấn) nhấn mạnh: "Đây là dịp để các thầy cô giáo dạy cấp 2, cấp 3 tiếp xúc trực tiếp với các nhà văn, nhà thơ. Những thông tin từ các nhà văn nhà thơ cung cấp tới các thầy cô giáo sẽ là nguồn tư liệu bổ sung có tính chất gợi ý quan trọng, giúp thầy cô có thêm nguồn tham khảo để hiểu sâu, hiểu đúng, hiểu trúng về giá trị và vẻ đẹp nghệ thuật, tư tưởng trong tác phẩm. Ngoài ra còn một điều rất quan trọng đó là kích hoạt sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy. Đón đầu, đồng hành với chương trình sách giáo khoa mới. Trong đó có tác giả lần đầu tiên có tác phẩm đưa vào chương trình, hoặc đã có tác phẩm ở cấp học dưới, bây giờ được đưa vào cấp 3. Ví dụ như trường hợp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Bích Thúy…"
Điểm mới của bộ sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành là tập trung vào phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Ngoài phần “kế thừa” bởi từ trước đến nay dạy văn là dạy làm người, góp phần phát triển nhân cách học sinh, thì sách giáo khoa mới chính là tập trung phát triển năng lực. Đây là điều được Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều) nhấn mạnh: "Nếu như chương trình cũ chỉ chú ý tới việc dạy cho các em đọc cái gì. Thì bây giờ bộ sách mới sẽ rất chú trọng tới cách đọc. Vì thế giáo viên sẽ phải dạy theo thể loại. Ví dụ như truyện ngắn có nhiều thể loại, có truyện ngắn hiện thực, truyện ngắn trữ tình, giàu chất thơ. Các em đọc sẽ cảm nhận được cái hay của từng thể loại truyện."