(VOV5) - Đây là vở diễn được đưa vào các yếu tố thể nghiệm cho thấy những tìm tòi, sáng tạo mới trong dàn dựng.
Mới đây, vở diễn “Vì sao lạc xứ” của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vào đầu tháng 7 tại Hà Nội đã tạo “làn gió mới” cho nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Đây là vở diễn được đưa vào các yếu tố thể nghiệm cho thấy những tìm tòi, sáng tạo mới trong dàn dựng.
Một cảnh trong vở Vì sao lạc xứ. - Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đêm diễn đầu tiên của vở cải lương Vì sao lạc xứ được công chúng hồ hởi đón nhận. Từ trước nửa tiếng, khán giả đã đến, vẻ náo nức trông đợi vì vở diễn đã được làm truyền thông khá tốt từ khi khai trương dựng vở. Khai thác thời kỳ nhà Hồ chỉ tồn tại có 6 năm ngắn ngủi, lại có rất nhiều cải cách như phát hành tiền giấy, cải tạo vũ khí… tuy nhiên, vì không được lòng dân mà thất bại trong cuộc chiến chống lại giặc Minh. Tác giả tìm tòi để “chiêu tuyết” cho người con thứ của Hồ Quý Ly, với những tình tiết khá tinh tế…
NSUT Triệu Trung Kiên, dạo diễn của vở cải lương chia sẻ: “Trong vở diễn có nét nào đó của kiếm hiệp, giống như câu chuyện phản gián, thành ra vở này có những nét lạ hơn so với những vở khác. Câu chuyện rất phức tạp nếu như không theo dõi kĩ, có thể nói rất khó để nắm bắt được các tầng sâu xa.
Hồ Nguyên Trừng và cô gái Vân Khanh. - Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Có một tầng nhân vật hư cấu tên là Vân Khanh. Do hoàn cảnh của mình, Vân Khanh buộc phải khai thác bí quyết chế ra súng thần cơ. Một bên Nguyên Trừng giữ bí mật đó để mong muốn đem về cho đất nước. Cuộc giằng co đó đã diễn ra ở nhiều tầng đấu trí khác nhau nhưng hai con người đó lại yêu nhau. Kịch rất nhiều khúc mắc trắc trở. Với sự phức tạp như thế chúng tôi phải tìm mọi cách để. Chúng tôi phải cố gắng làm sao để câu chuyện trở nên dễ hiểu. Muốn vậy nó phải thực sự mộc mạc, giản dị”.
Tác giả kịch bản văn học, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng tâm sự lý do khai thác nhân vật Hồ Nguyên Trừng: “Thực ra ở nhà Hồ, cụ Hồ Quý Ly tranh đấu giữa các phe, giết hơn 400 Tôn Thất nhà Trần, cụ rất đơn độc, không còn người tài để dùng, chỉ còn 2 người con là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Nhân vật Hồ Nguyên Trừng đối với tôi là một nhân vật khá vĩ đại. Về quân sự chính trị chưa đến mức lỗi lạc nhưng về mặt là một nhà phát minh cụ là một trong những người hiếm hoi ra được khỏi biên giới Việt Nam và được làm đến công bộ Thượng Thư nhà Minh, chính vì thế mà cuộc đời cụ nhiều nghi vấn.
Quan quân triều MInh trong vở cải lương "Vì sao lạc xứ". - Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Nhà Hồ với ít năm ngắn ngủi như thế đương nhiên không được ghi nhận như một triều đại chính thống. Cha con cụ Hồ Quý Ly sẽ chịu nhiều oan khuất. Và trong suy nghĩ của tôi cụ không thể đầu hàng một cách đơn giản như thế để giữ mạng sống của mình, chính vì thế tôi xây dựng những góc khi cụ không ở quê nhà, trở thành một vì sao lạc xứ, những nỗi niềm của cụ Hồ Nguyên Trừng”.
Chủ đề vở diễn nói tới việc lòng dân là cốt lõi để khẳng định vị trí của một triều đại, và quyền lợi đất nước là trên hết, dòng họ nào nắm quyền lực cũng là để phụng sự đất nước…
Hồ Nguyên Trừng và cô gái Vân Khanh. - Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Không quá ham với việc thử nghiệm, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết về cách dàn dựng vở “Cũng đừng ép mình quá về yếu tố phải đổi mới, bởi trong tác phẩm của chúng tôi luôn luôn có những cái mới. Tôi dám khẳng định các tác phẩm của chúng tôi không hề lặp lại những sáng tạo mình đã làm.
Cũng là đề tài lịch sử, về các triều đại nhưng các tác phẩm của chúng tôi đều có những nét khác nhau. Có những tác phẩm đưa thể nghiệm vào sẽ rối rắm hơn, như ở tác phẩm Vì sao lạc xứ này, khán giả vẫn nhận thấy nhiều yếu tố đương đại. Vấn đề quan trọng phải khơi được cảm xúc, đồng cảm trong lòng người xem đối với hoàn cảnh trớ trêu của nhân vật lịch sử”.
Cải lương Bắc với phong vị riêng, với cách làm nghiêm cẩn, đi vào mảng đề tài lịch sử thực sự đã thanh tẩy khá nhiều chất mê lô vốn dĩ gắn liền với cải lương, đem lại nét khỏe khoắn, vững vàng cho hình thức kịch hát này. Trang trí vở diễn khá ấn tượng với chiếc đầu rồng được lấy nguyên mẫu từ những di chỉ còn lại của thành Nhà Hồ.
Tuy nhiên, cách thể hiện chiếc đầu rồng bị chia sẻ tạo cảm xúc về sự vỡ nát của triều đại nhà Hồ nhưng thực sự chưa có tính thẩm mỹ cao. Chưa kể, việc đạo diễn luôn sợ người xem không hiểu rõ, hiểu sai ý đồ nên đã khá dài dòng, chưa chắt lọc tốt nhất cho vở diễn. Tiến sĩ Phạm Trí Thành, trưởng khoa kịch hát của trường Đại học Sân khấu điện ảnh nhận xét: “Nếu như muốn vở diễn thực sự thành công, cần cắt đi những lớp không thực sự gắn kết lắm với chủ đề chung. Một số lớp cũng nên cô gọn lại để hấp dẫn khán giả hơn. Trong kỹ thuật ca diễn đưa những bài ca cần chắt lọc hơn chút nữa chắc chắn vở diễn sẽ thành công hơn rất nhiều”
Vì sao lạc xứ để lại nhiều ấn tượng đối với khá đông khán giả. Vở diễn dường như thổi một làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống khi mạnh dạn thay đổi tư duy làm những đề tài mang tính lịch sử. Dù vậy, để có thể ra mắt rộng rãi công chúng, vở diễn cần có sự điều chỉnh để hợp lý và hoàn chỉnh hơn.