(VOV5) - Festival là một sân chơi bổ ích, cuốn hút dành cho giới trẻ, giúp họ có cơ hội khai thác và thể hiện vẻ đẹp đất nước mình.
Vừa qua, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật phối hợp Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức khai mạc Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 - lần thứ 3. Festival là một sân chơi bổ ích, cuốn hút dành cho giới trẻ, giúp họ có cơ hội khai thác và thể hiện vẻ đẹp đất nước mình.
Ban tổ chức trao Huy chương vàng cho tác giả Trần Bảo Hòa (thể loại ảnh thể nghiệm, ý niệm) và tác giả Phan Thị Khánh (thể loại ảnh hiện thực). - Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Festival Nhiếp ảnh trẻ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức định kỳ 2 năm một lần, dành cho các tác giả nhiếp ảnh trẻ từ 18 đến 35 tuổi trên cả nước. Năm nay, với chủ đề "Việt Nam hôm nay" Festival đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhiếp ảnh gia trẻ ở thể loại ảnh hiện thực và ảnh thể nghiệm, ý niệm. Sau 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm của gần 300 tác giả đến từ 55 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Hội đồng Nghệ thuật gồm các nhà chuyên môn, nhiếp ảnh gia có uy tín đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, cuối cùng lựa chọn được 21 tác phẩm ảnh xuất sắc để trao giải thưởng.
|
NSNA Mã Thế Anh-Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm-Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật thể loại ảnh hiện thực đánh giá: "Với những tìm tòi, sáng tạo, những thể nghiệm mới, các tác phẩm được trao giải và lựa chọn trưng bày tại triển lãm lần này đã thể hiện ấn tượng, sinh động, mới mẻ các vấn đề của cuộc sống đương đại; vẻ đẹp con người, văn hóa, phong cảnh đất nước; thể hiện một Việt Nam năng động, hội nhập, khát vọng và tiềm năng phát triển trong tương lai, bám sát chủ đề “Việt Bam hôm nay” mà Ban tổ chức đưa ra. Việt Nam hôm nay là đề tài hấp dẫn để anh em trẻ sáng tác. Tôi đánh giá các NSNA trẻ đã có những trưởng thành vượt bậc, họ năng động sáng tạo và cũng biết vận dụng những công nghệ mới vào trong sáng tác…"
Bộ ảnh "Landmark 81 - Khát vọng vươn cao” của tác giả Phan Thị Khánh. |
Cụ thể, ở thể loại ảnh thể nghiệm, ý niệm, Huy chương Vàng thuộc về bộ ảnh "Khi giọt nước mắt rừng cạn khô" của tác giả Trần Bảo Hòa (Bình Định). Còn ở thể loại ảnh hiện thực, Huy chương Vàng thuộc về bộ ảnh "Landmark 81- Khát vọng vươn cao" của tác giả Phan Thị Khánh (TPHCM). Nói về Phan Thị Khánh, là một nhân viên ngân hàng, nhưng có niềm say mê với nhiếp ảnh nghệ thuật, để thực hiện bộ ảnh “Landmark 81- Khát vọng vươn cao” chị đã phải ròng rã hơn 2 tháng trời để chụp tòa nhà cao nhất nước ở những thời khắc khác nhau trong ngày; lúc bình minh lên, khi hoàng hôn buông xuống và đêm về; thậm chí cả khoảnh khắc hiếm thấy khi tòa nhà bao phủ trong màn sương bảng lảng: "Mình là dân tay ngang không chuyên nên gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ, rồi xử lý hậu kỳ nhưng mà bản thân mình đã rất cố gắng tìm tòi và tư duy. Ai cũng có thể chụp được ảnh, nhưng bạn muốn chụp ảnh đẹp, bạn muốn đi đến những cái chuẩn mực và đỉnh cao mới thì bạn phải tư duy.
Và muốn tư duy thì bạn phải thực sự yêu nó. Mình nghĩ nhiếp ảnh phải phản ánh từ những điều rất là nhỏ nhặt trong cuộc sống hôm nay, ví dụ như những khoảnh khắc đẹp trong lao động, những khoảnh khắc đẹp của những đứa trẻ đến trường hay những người phụ nữ trong lao động, những nghệ nhân của làng nghề, nét truyền thống văn hóa, những nghệ sỹ múa…Nhiếp ảnh nó là đời sống, mình mong muốn triển lãm đến được đông đảo người yêu nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, qua đó thấy được một Việt Nam hôm nay đã biết nhìn thẳng vào sự thật, đó là những cái gì chúng ta đã làm được và chưa làm được…"
Bộ ảnh "Khi giọt nước mắt rừng cạn khô” của tác giả Trần Bảo Hòa |
Cùng với các tác phẩm được trao giải thưởng, Hội đồng nghệ thuật còn lựa chọn gần 200 tác phẩm chất lượng cao ở cả 2 thể loại ảnh để trưng bày tại Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2019, nhằm giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước những tác phẩm ảnh xuất sắc, chất lượng cao của các tay máy trẻ. So với hai lần trước, ảnh thể nghiệm, ý niệm (còn gọi là ảnh đồ họa) là thể loại mới, chưa tạo được dấu ấn nhiều như ảnh hiện thực. Tuy vậy, nó cũng là “đất” để các NSNA thể hiện những ý tưởng mới lạ, những đề tài khó, những bối cảnh khó tìm trong cuộc sống thực. Nhà báo-NSNA Nguyễn Trọng Chính, Phó TBT Báo ảnh Việt Nam ấn tượng với bộ ba tác phẩm đoạt giải cao ở thể loại ảnh hiện thực, bởi: "Việt Nam hôm nay là một chủ đề rất rộng. Việt Nam hôm nay của 10 năm trước nó sẽ dễ nhận diện hơn bằng thị giác, tuy nhiên Việt Nam hôm nay của sự hòa nhập, hội nhập chung của toàn cầu thì chúng ta thấy rất nhiều qua những câu chuyện ảnh, những mảng miếng được chụp. Nhìn tổng thể cả triển lãm, chúng ta thấy một Việt Nam hôm nay trên nhiều bình diện: từ kinh tế, chính trị, cho đến văn hóa xã hội và đặc biệt là các điểm đến của Việt Nam. Ví dụ như bộ ảnh đoạt HCV, tòa nhà Landmark 81 nó không chỉ cao mà còn biểu hiện, là dấu ấn của một thành phố đầu tàu TP.HCM.
Và Việt Nam hôm nay vẫn còn đó những lễ hội dân gian như “Vật cầu bùn” ở Bắc Giang. Nối tiếp “Vật cầu bùn” còn là mảng khác về tình quân dân trong đợt chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh vừa qua. Quân và dân cùng đổ những giọt mồ hôi. Chúng ta thấy các tác phẩm nhiếp ảnh đậm hơi thở cuộc sống, có những nhân sinh xúc động trong từng khuôn hình được chụp. Đấy chính là sự nối kết giữa Việt Nam hôm nay của truyền thống và Việt Nam hôm nay của những TP hiện đại, Việt Nam hôm nay của tình con người với con người trong hoạn nạn".
Nhiếp ảnh đang là ngành nghệ thuật có sự phổ biến, tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân. Điều đó vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với nhiếp ảnh hiện nay. Bởi, khi nhiếp ảnh trở nên đại chúng thì tính chuyên nghiệp, chất lượng trở thành nguy cơ ngày một rõ. Khi mà điện thoại thông minh có chức năng như một chiếc máy ảnh và nhu cầu chụp ảnh phổ biến trong đại chúng thì vấn đề ý tưởng tác phẩm, ngôn ngữ nhiếp ảnh, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, tính chuyên nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Festival Nhiếp ảnh trẻ đã khẳng định được đây là “sân chơi” lành mạnh, có sức cuốn hút, phù hợp với sở thích và nhu cầu sáng tác, công bố tác phẩm của giới trẻ. Đây cũng là dịp để giới trẻ yêu thích nhiếp ảnh trong cả nước cùng trao đổi, học tập, giới thiệu thành quả của mình; là cầu nối để tiếp thêm niềm đam mê, sáng tạo; tập hợp, phát triển và bổ sung đội ngũ kế cận cho lực lượng nhiếp ảnh Việt Nam.