Hội Nhà văn Việt Nam vừa trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ năm 1974 đến nay.
Các tác giả nhận giải Nhất Giải thưởng Sáng tác về biên giới, hải đảo. - Ảnh: Báo Hà Nội Mới |
Là giải thưởng đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho các sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ năm 1974 đến nay, không ngạc nhiên khi sự kiện này nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Mặc dù có phần muộn màng, nhưng theo nhà thơ Đoàn Văn Mật, một tác giả trẻ nhận giải đợt này, đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng: “Bản thân đề tài biên giới, biển đảo thì gần như là thường niên Văn nghệ Quân đội vẫn có những cuộc thi, vẫn đưa các tác giả đi đến biên giới hoặc đi thâm nhập để viết về đề tài này và đăng tải trực tiếp trên tạp chí Văn nghệ Quân đội trong các cuộc thi. Thế thì, việc mà Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải thưởng về biên giới, biển đảo mình cho rằng rất đáng mừng. Bởi vì lực lượng viết của chúng ta hiện nay rất đông đảo. Và đề tài biên giới, biển đảo luôn là đề tài lớn đối với mỗi người viết.”
Với quãng thời gian trải dài gần nửa thế kỉ cùng nhiều tác phẩm đã vững vàng vị trí trong giới văn chương và trong lòng độc giả, khó có thể nói giải thưởng có tính phát hiện hay đổi mới. Tuy nhiên, ý nghĩa của giải thưởng là không thể phủ nhận.
Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng nhằm tưởng nhớ những người đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: “Với tinh thần không bỏ sót một cố gắng, một đóng góp nào của hội viên cho nên chúng tôi quyết định tổ chức giải thưởng, trao giải thưởng và tôn vinh cho những tác phẩm viết chuyên đề về biên giới và hải đảo. Nếu mà chúng tôi bỏ sót một tác phẩm nào, một tài năng nào của nhà văn thì đã là một cái lỗi rất to lớn. Nhưng bỏ sót xương máu của đồng đội, lãng quên xương máu của đồng đội ở trên biển, trên biên giới, đấy mới là một cái lỗi, một tội lớn mà không thể có dịp xin lỗi được, không thể tha thứ được.”
Trong hơn 40 tác phẩm được trao giải, phần lớn đều là những tác phẩm ra mắt đã lâu và đã được công chúng đón nhận. Có thể nhắc tới một số đại diện tiêu biểu như “Đảo chìm Trường Sa” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, “Ba phần tư trái đất” của nhà thơ Thi Hoàng, “Trường Sa kì vĩ và gian lao” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, “Khúc tráng ca về biển” của nhà văn Chu Lai… Mỗi tác phẩm là một góc nhìn, một thể loại, một phong cách khác nhau nhưng đều dành tình cảm cho biên giới, biển đảo.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc, một trong bốn tác giả nhận giải Nhất, bộc bạch: “Với tôi, biển đảo và biên giới bao giờ cũng thường trực trong cảm hứng sáng tác của mình. Chỉ có điều mình có đủ khả năng để bao hàm tất cả ý nghĩa to lớn của đề tài này. Biên giới và hải đảo bao giờ cũng sôi động, bao giờ cũng đánh thức trong tâm can của người Việt, bao giờ cũng truyền cảm mạnh mẽ đến văn nghệ sĩ, đến với các tác phẩm văn học, đến với công chúng để chúng ta cùng góp sức vào những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước.”
Các chiến sĩ Hải quân Việt Nam tuần tra trên đảo Trường Sa - Ảnh: TTXVN |
Với những người viết thuộc thế hệ đi trước, có nhiều người sáng tác dựa vào kí ức, bằng trải nghiệm cá nhân của những năm tháng đã từng chiến đấu hi sinh, đã từng lênh đênh sóng nước. Có người sinh ra và lớn lên ở vùng biển. Có người đã từng đứng trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc. Biên giới, biển đảo với họ là quê hương, là những câu chuyện về anh em đồng đội, và bởi vậy, trở thành đề tài thường trực và quen thuộc.
Tác giả Nguyễn Hùng Sơn, hội viên của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ, cũng là một trong số đó. Từng là người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông viết tiểu thuyết “Nậm Ngặt mây trắng” để khắc ghi một giai đoạn lịch sử hào hùng, để không bao giờ lãng quên xương máu của đồng đội: “Nậm Ngặt mây trắng” là cuốn tiểu thuyết mà tôi đã viết được không khí chiến đấu của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 của mặt trận Vị Xuyên. Đó là đại diện chung cho cả mặt trận, mô tả được những trận đánh cụ thể, đồng thời mô tả được không khí chung, để anh em thấy mình được phản ánh. Vì mình là người lính, bây giờ là nhà văn, nên mình có thời gian viết lại, thì mình thấy là anh em chiến đấu dũng cảm.
Trong số các tác giả đạt giải, có thể nhận thấy các cây bút nam chiếm đa số. Sự tham gia của các nữ tác giả ở đề tài biên giới, hải đảo ít nhiều còn hạn chế về số lượng. Nguyên nhân chủ yếu là vì các nhà văn nữ ít có điều kiện đi thực tế ở vùng biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, những tác phẩm mà họ đem tới không kém phần ấn tượng…
Đều là những nữ nhà văn từng tham gia vào hải trình dài ngày đi Trường Sa, nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà văn Phan Mai Hương chia sẻ:“Cuốn “Dòng chảy cuộc sống Trường Sa” của tôi là kết quả của chuyến đi ra Trường Sa vào năm 2014,tập hợp những bài viết về chuyến đi đó ở những vùng như đảo Sơn Ca, đảo Song Tử Tây, rồi ở đảo Trường Sa v.v. Có những bài tôi viết ngay trên tàu. Cuốn này tôi nghĩ giải gì không quan trọng mà quan trọng là độc giả biết đến và hưởng ứng những tinh thần mà các nhà văn đã đưa ra để cùng nhau bảo vệ biển đảo Tổ quốc.” – Võ Thị Xuân Hà nói.
“Chuyến đi nhà giàn vào tháng 1 đối với tôi là chuyến đi đầu tiên đi cùng với đề tài biển đảo. Nói thực là cái thực tế mà tôi va đập, nó quá lớn. Những điều tôi đã viết so với những điều tôi đã nhìn thấy là rất nhỏ bé, cũng giống như tôi chỉ là một hạt cát ở ngoài biển khơi này thôi, không thể nào so sánh được với sự hi sinh của các chiến sĩ. Và chỉ khi ra đó, đối mặt với thực tế đó, thì tôi mới thực sự thấm thía rằng cuộc sống của chúng ta ở đất liền là vô cùng hạnh phúc, và những hạnh phúc mà chúng ta có được cũng chứa đựng những hi sinh lớn lao của các chiến sĩ hải quân ở ngoài biển.” – Nhà văn Phan Mai Hương cho biết.
Với mong muốn không bỏ sót các tác phẩm xuất sắc viết về biên giới, biển đảo từ năm 1974 đến nay, với mọi thể loại, văn phong, và đối tượng tiếp nhận, Hội Nhà văn Việt Nam không chỉ quan tâm tới các tác phẩm dành cho người trưởng thành mà còn chú ý tới tác phẩm dành cho thiếu nhi. Giải Ba dành cho tập thơ “Đất đi chơi biển” của nhà thơ Phạm Đình Ân là một minh chứng.
“Tôi rất vinh dự được trao giải trong cuộc vận động thi sáng tác về biên giới, biển đảo. Tôi cũng như nhiều tác giả khác rất chú ý, rất quan tâm tới đề tài này. Đó là trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của nhà văn đối với đất nước, đối với dân tộc. Đã từ nhiều năm trước, tôi đã viết những chùm thơ, những bài kí về biên giới, về biển đảo nhưng kỉ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là tôi được vinh dự ra Trường Sa vào năm 1997, và ở đó tôi đã viết được những bài thơ trữ tình hướng về trẻ em, hướng về người lớn, hướng về gia đình ở hậu phương và đề cao trách nhiệm của người lính ở ngoài biển.”- Nhà thơ Phạm Đình Ân cho biết.
Với hơn 40 tác giả, tác phẩm được vinh danh, đa dạng về thể loại, văn phong, cũng như ít nhiều có sự xuất hiện của các gương mặt trẻ tuổi, Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ năm 1974 đến nay đã cho thấy những cố gắng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhằm khích lệ người viết tiếp tục theo đuổi những đề tài lớn. Trong thời gian tới, hi vọng tinh thần ấy tiếp tục được lan tỏa, và thể hiện cụ thể thông qua những tác phẩm đầy tính hiện thực và xúc động.
Giải thưởng Sáng tác về biên giới biển đảo giai đoạn từ 1974 đến nay: hạng mục Tôn vinh trao cho 12 tác phẩm và hạng mục Giải thưởng trao cho 32 tác phẩm. Giải Nhất thuộc về bốn tác phẩm: “Đảo chìm Trường Sa” của nhà thơ Trần Đăng Khoa; “Mình và họ” của nhà văn Nguyễn Bình Phương; “Ba phần tư trái đất” của nhà thơ Thi Hoàng và chùm sáng tác “Từ biển mà đi”, “Thơ viết về biển”, “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 10 giải Nhì, 18 giải Ba và 7 giải thưởng cho tập thể, tổ chức đăng tải nhiều bài viết về biên giới, biển đảo.