(VOV5) - Không hổ với sự tôn vinh thầy phù thủy của sân khấu, Lê Hùng đã trình làng một vở diễn khá hấp dẫn, đời thường, đủ cung bậc bi hài và rất xúc động một tinh thần tự hào Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Quỳnh Anh:
Trong bối cảnh thế giới khùng hoảng vì đại dịch Covid -19, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, an toàn, trở thành điểm sáng của công cuộc chống dịch… Lần đầu tiên, hiện thực cuộc chiến âm thầm mà khốc liệt nay được đưa lên sân khấu, Vở diễn Cuộc chiến Covid (tác giả Minh Nguyệt, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Sân khấu Lệ Ngọc đã tái hiện khá chân thực và xúc động về hiện thực và tinh thần rất Việt Nam đó, được đông đảo người xem đón đợi.
Một cảnh trong vở Cuộc chiến Covid - Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc |
Phản ánh cuộc chiến đấu dũng cảm của toàn Đảng, toàn dân chống lại đại dịch trên mọi mặt trận quả là điều rất khó khăn với sàn diễn vài chục mét vuông, trong ngót hai giờ đồng hồ. Chủ đề khó diễn tả, dễ rơi vào khô cứng, công thức, lại là loại kịch mang tính tư liệu, không có cốt truyện… đòi hỏi sự đầu tư của ê kip sáng tạo mà chủ yếu là của đạo diễn, NSND Lê Hùng. Ông cho biết: "Vở diễn này rất khó, làm là phải chính xác… Anh em ê kip chúng tôi không đi vào chi tiết chuyên môn mà chúng tôi chỉ nêu bật lên cái tinh thần của người Việt Nam. Người Việt Nam lá lành đùm lá rách, người Việt Nam thương nhau trong lúc hoạn nạn. Từ Đảng, Chính phủ cho tới người dân ở phố Trúc Bạch, người dân ở HN người ta thương nhau thế nào để cùng vượt qua Covid. Đây là vở diễn khó vì không có cốt truyện kịch, chỉ có ông lãnh đạo ấy, rồi ông ấy chỉ đạo chống dịch ra sao. Người dân đồng lòng chống dịch, thậm chí chinh phục cả những bệnh nhân người nước ngoài…"
Không hổ với sự tôn vinh thầy phù thủy của sân khấu, Lê Hùng đã trình làng một vở diễn khá hấp dẫn, đời thường, đủ cung bậc bi hài và rất xúc động một tinh thần tự hào Việt Nam.
Chị Trương Diệp Bích, cán bộ đã nghỉ hưu của Nhà xuất bản Sự thật, xúc động nói: "Vở kịch đã toát lên được đầy đủ nội dung như cái tên của vở, thể hiện được cả cái chung lẫn cái riêng. Đã có ý nghĩa sâu sắc tôn vinh những người y bác sĩ có tâm đức, hi sinh bản thân vì người dân. Vở kịch có hơi thở hiện đại, đấu tranh chống Covid đồng thời cũng chống những cá nhân ích kỷ, tham nhũng vì một VN an toàn, hòa bình và hữu nghị."
Với sự trợ lực của màn hình LED, của âm nhạc, tiếng động, tác phẩm đã khắc họa khá toàn diện cuộc chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Cuộc chiến không tiếng súng mà đầy khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới đã có hàng triệu người chết vì căn bệnh lây lan qua đường hô hấp này. Nhưng Việt Nam, một nước nhỏ, tiềm lực kinh tế còn yếu… lại có bước đầu thành công, nhờ vào sự đồng lòng, quyết tâm; lãnh đạo nhanh chóng đưa ra chính sách quyết liệt, rõ ràng, sự tuyên truyền sâu rộng, minh bạch của hệ thống truyền thông, sự đồng lòng nhất trí của toàn thể quân dân và đặc biệt là những hi sinh to lớn của đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh nhân vật Đức (Văn Hải thủ vai), vị lãnh đạo tận tâm, lao tâm khổ tứ quên ăn quên ngủ cho công tác chống dịch. Rồi hai mẹ con cùng là bác sĩ: bác sĩ Tú Anh (Lệ Ngọc), Nga (Khương Thủy) kiệt sức trong khu cách ly liên tục có những ca bệnh trở nặng, lại đau đớn vì không thể về tiễn người thân đã mất… Bên cạnh đó còn là những nét phác thảo về tình cảm chia sẻ, đùm bọc của người dân với những người phải vào khu cách ly…
Đạo diễn đã “đo” được khá tốt tâm lý người xem, cân bằng giữa những cuộc họp bàn giao công việc có phần khô khan là những cảnh hài hước thú vị như hai bà cụ và anh xích lô, chàng trai với cô gái trong khu cách ly… Sự ăn khớp giữa những lát phim tư liệu rất chắt lọc trên màn hình LED với nội dung cần diễn tả trên sân khấu. Tiếng động, âm nhạc, cung cách diễn tả rất thật: chiếc xích lô, những công cụ y tế, không khí khẩn trương khi dịch bệnh lan nhanh… đã gợi lại hồi ức chưa xa của người xem. Đã có những giọt lệ rơi, những tràng pháo tay khi cảnh diễn lên cao trào. Công lao đó thuộc về đạo diễn, về tập thể các nghệ sĩ, sự sáng tạo và đầu tư của những người điều hành Sân khấu Lệ Ngọc.
NSND Lệ Ngọc tâm sự:"Muốn làm được phải đi thực tế. Chúng tôi đã xuống bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để học động tác, xem cử chỉ của người trong phòng bệnh. Khi tập chúng tôi cũng mặc đầy đủ quần áo y tế, khẩu trang, găng tay, mũ chống giọt bắn… rất mệt."
Một sân khấu tư nhân lại mạnh dạn trực tiếp đưa lên sàn diễn đủ chiều kích vừa rộng lại vẫn sâu sắc về tinh thần đoàn kết của người dân, sự chỉ đạo sáng suốt của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), truyền được cảm hứng về lòng dũng cảm của những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Và trên hết, là sự tự hào về tinh thần Việt Nam. Khán giả xem vở diễn cũng rất yêu thích, tự hào về những ngày tháng gian nan vừa qua. Cuộc chiến chưa kết thúc, nhưng niềm tin đã được xây dựng vững chắc.
Ông Hướng Dương, phó Cục trưởng Cục NTBD đánh giá cao vở diễn: "Tôi đánh giá cao sự cố gắng của các sân khấu xã hội hóa, đặc biệt là sân khấu Lệ Ngọc luôn có những sáng kiến để có thể cống hiến cho nghệ thuật. Hôm nay tôi rất bất ngờ được xem một vở diễn trực tiếp nói về đại dịch Covid. Sân khấu Lệ Ngọc đã góp phần tôn vinh nét đẹp trong văn hóa Việt Nam đó là tình yêu thương và sự chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn đưa đến cho công chúng những giây phút thư giãn giải trí…"
Khó tránh khỏi vẫn còn những tiếc nuối về vở diễn như cảnh họp đầu kịch còn tản mạn, khô, lời thoại còn chưa tinh, đôi chỗ dài dòng, thông tin thừa… Tuy nhiên, tổng thể đây là vở diễn dễ xem, lại đáp ứng được yêu cầu cần nhìn lại để được tự hào về thành tích đã qua, đủ tâm thế sẵn sàng vào trận nếu cần của người dân. Làm tuyên truyền mà lại mềm mại, gây được xúc động, lại khiến người xem có thể cười vui… quả là không dễ.
Tin rằng, vở diễn sẽ tiếp tục tỏa sáng trên sàn diễn trong nhiều đêm, đem tới lòng tự hào cho mọi người dân đất Việt và nếu có cơ hội, sẽ lan tỏa tới nhiều nước trên thế giới về một Việt Nam kiên cường trước mọi kẻ thù, kể cả dịch bệnh.