(VOV5) - Vở diễn ra đời từ không gian của sự kết nối, của sự đan xen vào nhau chằng chịt, nơi đó có tình yêu, sự tự do, nỗi buồn, những điều sâu kín...
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc Hồng Huệ:
Từ 7/8 đến 14/8/2021 trên kênh YouTube của Viện Goethe đã và đang trình chiếu trực tuyến buổi biểu diễn “Cái Tổ”– một sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Xưởng văn hóa’’ do Viện này thực hiện mấy năm qua. Vở diễn Cái tổ đồng thời cũng là vở múa đương đại kết hợp âm nhạc theo hình thức online đầu tiên của nghệ sĩ, biên đạo múa tài năng Vũ Ngọc Khải, sau khi anh quyết định từ nước ngoài trở về nước định cư và hoạt động nghệ thuật.
Một cảnh trong vở diễn Cái tổ do nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải trình diễn. Ảnh chụp màn hình buổi biểu diễn trực tuyến trên kênh youtube của Viện Goethe. |
Theo biên đạo Vũ Ngọc Khải, – giám đốc nghệ thuật của 1648kilomet, thì ý tưởng Cái tổ được trình chiếu online theo hình thức biểu diễn quay trước biên tập lại và phát trực tuyến trên trang web của Viện Gothe Hà Nội mới hình thành cách đây vài tuần. Nhưng với sự đồng hành của Viện Goethe Hà Nội, vở diễn “Cái Tổ” lần đầu tiên được ra mắt công chúng từ tháng 10.2020, là một vở múa đương đại có sự tương tác với một số khán giả xem trực tiếp tại khán phòng.
Vở diễn Cái tổ đã được biểu diễn trực tiếp tại khán phòng của Viện Goethe tháng 10/2020 - Ảnh chụp màn hình. |
Cái tổ “ra đời trong bối cảnh loài người phải học cách chấp nhận mọi kế hoạch đều có thể trở nên vô nghĩa vì đại dịch COVID-19”, được xây dựng “từ không gian của sự kết nối, của sự đan xen vào nhau chằng chịt, nơi đó có tình yêu, sự tự do, nỗi buồn, những điều sâu kín”... “ Khoảng tháng 4/ 2020 nhà mình mới có em bé. Mình lo lắng cho em bé rất nhiều, lúc đó chưa có vaccine, em bé mới sinh chỉ mới mấy ngày tuổi, mà mình là trụ cột trong gia đình nên khá căng thẳng. Thời điểm ấy suy nghĩ của mình xung quanh chuyện ngôi nhà, nơi mình đang ở, rồi khoảng cách, mối quan hệ của các thế hệ với nhau...Lúc đó mình quyết định cần ghi chép lại, viết thoại, viết những lời thơ,bài văn về ý tưởng mình muốn sáng tạo. Lúc đó chị Văn Quý Ngọc Ái rất ủng hộ ý tưởng này. Tụi mình bàn bạc với nhau để xây dựng ý tưởng đó.” – Biên đạo múa, nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải cho biết.
Chị Văn Quý Ngọc Ái trả lời phóng viên VOV5 tại buổi gặp trực tuyến báo chí và công chúng sau khi vở diễn trình chiếu. |
Chị Văn Quý Ngọc Ái, nhà sản xuất và thực hiện ý tưởng văn học cho Cái tổ kể lại, khi liên lạc với nhau trong những ngày tháng 4/2020, trong không khí Hà Nội lần đầu tiên giãn cách xã hội xã hội vì covid 19: “Khải với tôi nói chuyện về ảnh hưởng của đại dịch đến với chính bản thân chúng ta thế nào, nhìn ra bên ngoài mình cảm thấy sự tồn tại của con người nhỏ bé ra sao và thế giới của chúng ta phải thu vào trong gia đình, trong căn phòng riêng của mình. Đấy là lý do chúng tôi chọn hình ảnh Cái tổ để xây dựng vở diễn này.
Vũ Ngọc Khải đưa rất nhiều tính thơ trong tác phẩm. Ví dụ như trong 4 phần của vở có phần đầu tiên Đung đung đưa đưa, mọi người sẽ nhìn thấy hình ảnh của Cái tổ lay lắt, vắt vẻo trong gió trong bão. Nó cũng giống như thể đối với con người chúng ta. Trong một đại dịch mà tầm ảnh hưởng lớn ngang chiến tranh thế giới, thì con người cần phải chăm mình như thế nào? Đấy là một trong những lý do tôi dành nhiều thời gian để nghĩ câu chuyện sẽ kể về cái gì.”
Một cảnh trong vở diễn: nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải và nghệ sĩ viola Trần Thị Ngọc Thủy - Ảnh chụp màn hình. |
Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải đã cùng nhạc sĩ Trí Minh và nghệ sĩ viola Trần Thị Ngọc Thuỷ phát triển ý tưởng thành vở diễn “Cái Tổ”.
Vở diễn được chia ra bốn phần: Đung đung đưa đưa, Bí mật bị giấu kín, Sàn diễn cuộc đời, trong ngoài một thể.
Vũ Ngọc Khải cho biết, việc biểu diễn online gặp khó khăn hơn vì chi phí bị đẩy lên, việc liên kết sáng tạo cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn là một giải pháp khả thi: “Diễn online có hai hình thức: một là biểu diễn trực tuyến - diễn trực tiếp không có khán giả (tại khán phòng); hai là hình thức như Cái tổ (được quay lại, biên tập lại một cách chỉn chu,ngay ngắn và trình chiếu trên nền tảng trực tuyến). Để làm được chuyện đó tụi mình vẫn cần phải có một đội làm những mảng khác nhau: làm nhạc, làm âm thanh, thiết kế... Mình quyết định làm "Cái tổ" trong thời buổi dịch này, để học thêm một cách làm việc. Minh bàn với nhạc sĩ Trí Minh và chị Thủy Trần, ra đề bài là làm trong thời gian rất ngắn nhưng phải rất hiệu quả. Thay vì 3 - 4 tháng mới ra được một vở diễn, thì tụi mình gặp nhau qua internet, qua nhạc, qua múa quay phim gửi nhau. Gặp nhau trực tiếp chỉ có 3 buổi, mỗi buổi 2 - 3 tiếng và sau đó trình diễn luôn.”
Nhạc sĩ Trí Minh trả lời phóng viên VOV5 sau buổi diễn trực tuyến. |
Nhạc sĩ Trí Minh cho biết: “Tôi và Vũ Ngọc Khải may mắn có được một vài cơ hội rất đặc biệt làm việc cùng nhau. Chúng tôi làm nhiều vở nhưng đa phần làm việc trực tiếp. Khi anh Khải mời tôi vào dự án Cái tổ, cũng là việc đầy thách thức, vì thường thường khi làm việc với múa, người làm âm nhạc và múa sẽ cùng tập, cùng trao đổi, cùng nhau xây dựng tác phẩm. Nhưng vì covid, chúng tôi phải làm online. Tôi cũng may mắn được làm việc với nghệ sĩ viola Thủy Trần, các ý tưởng của tôi và chị Thủy gặp được nhau và cùng đồng hành với ý tưởng của Vũ Ngọc Khải.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều thách thức, như ngôn ngữ của múa và ngôn ngữ của âm nhạc có nhiều cách thức thể hiện khác nhau, là điều rất khó khăn khi làm online, đặc biệt với những người làm âm nhạc đương đại và nghệ thuật biểu diễn đương đại.”
Biên đạo múa, nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải - Ảnh: Reiner Nicklas |
Điều bất ngờ gì đến trong những buổi phát trực tuyến này? Biên đạo Vũ Ngọc Khải bật mí: “Để biểu diễn, Khải thực sự rất mong muốn biểu diễn nhạc live. Khải nghĩ biểu diễn múa đương đại rất khó xem. Đến bây giờ tuy mình là người làm nghề, nhưng nhiều chương trình múa đương đại xem vẫn thấy khó. Vì ngôn ngữ của nó rất nhanh, giống như một bức tranh nhưng chuyển động trong vòng vài giây một hình ảnh, nó có ý nghĩa riêng nhưng lại chuyên môn, cần phải người rất thích múa. Khán giả khi xem nhiều đa số sẽ đọc được cái cốt đó, nhưng nói chung đối với khán giả Việt Nam xem múa đương đại sẽ khó. Nên mình lựa chọn ưu tiên hàng đầu là biểu diễn nhạc live.
Mình đề nghị anh Trí Minh, là có thể kết hợp nhạc cụ biểu diễn, để có được một không gian âm nhạc đương đại thực sự hấp dẫn hay không. Nếu như khán giả chán xem múa thì sẽ được hoàn toàn sống trong không gian âm nhạc.
Vì thế trong vở Cái tổ, các bạn thấy có một đoạn anh Trí Minh ngồi trong vòng tròn, đó là khoảnh khắc Trí Minh hoàn toàn solo nhạc. Nói thật chưa bao giờ Khải nghe phần đó trong quá trình luyện tập, vì anh Trí Minh giấu phần đó và thật bất ngờ trong buổi biểu diễn anh Trí Minh mới chơi. Đến giờ anh Trí Minh cũng chưa giải thích tại sao anh làm như vậy. Nhưng mình nghĩ đó là cách làm cho buổi biểu diễn được sống. Đó là sự nhạy cảm, nhạy bén của người nghệ sĩ, quyết định trình diễn ngay lúc đó để tạo ra một không gian thực sự sống động.”
Và cũng lần đầu tiên, nhạc sĩ Trí Minh tiết lộ: “Tôi đi biểu diễn rất nhiều. Trước đây khi biểu diễn tôi thường chuẩn bị rất kỹ, vì mình được đào tạo trong môi trường Nhạc viện chính quy, sự đúng đắn là một tiêu chuẩn. Tuy nhiên, qua quá trình đi diễn tôi phát hiện ra những sự ngạc nhiên đôi khi lại rất hay. Vì vậy ngoài những điểm chính cố định trong vở múa, tôi muốn trình diễn gần như ngẫu hứng những đoạn mang tính chất mở, để đem được suy nghĩ ở thời điểm đó tương tác với sự đồng cảm của khán giả, sẽ hay hơn rất nhiều. Tôi muốn có một chút gọi là ngạc nhiên cho tôi, cho khán giả và cho cả người biên đạo kiêm diễn viên múa Vũ Ngọc Khải.”
(VOV5) - Vũ Ngọc Khải từ nước ngoài trở về với những dự án đưa nghệ thuật tới cộng đồng và những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong chương trình kéo dài 1 tuần lễ này, tổ chức 1648kilomet của biên đạo múa Vũ Ngọc Khải và nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái còn tổ chức sự kiện bên lề có tên "Chăm nhau ngày bão" như một cách đồng hành với công chúng trong thời điểm thử thách vì dịch COVID-19.
Nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái nói: “Gọi là "trong ngoài một thể", tức là sự chăm sóc tâm thân trí rất quan trọng. Đó là lý do mà nhờ sự mở lời của Viện Văn hóa Đức tại Hà Nội trong năm nay khi Việt Nam đang phải đối diện với làn sóng bùng nổ của đại dịch, thì trong đợt công chiếu kéo dài một tuần này, chúng tôi có hai hoạt động bên lề. Một hoạt động để chăm sóc cơ thể và một để có thể chăm sóc tâm trí. Chúng tôi không chỉ đơn thuần tạo nên những tác phẩm có thể trình diễn mà còn quan tâm đến câu chuyện mình có thể đồng hành với khán giả như thế nào.”
Cùng với những giây phút thường ngoạn nghệ thuật múa đương đại và âm nhạc sống động trong Cái tổ, hai hoạt động có tên "Hít vào - thở ra, ta bình tĩnh sống" diễn ra lúc 19h30 ngày 12-8 do Vũ Ngọc Khải điều phối và chương trình vòng tròn thấu cảm "Chăm mình lúc khó" lúc 19h30 ngày 13-8 do hai điều phối viên giao tiếp trắc ẩn Vân Trang và Ngân Hà hướng dẫn, là một cách các nghệ sĩ đồng hành cùng khán giả trong cuộc sinh tồn trước đại dịch.