Nghe âm thanh phần trích tản văn tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Nói đến các bài hát, chúng ta hoặc nghĩ tới các bài lãng mạn hoặc các bài hát nhạc đỏ có tính tuyên truyền, nhưng thật bất ngờ, số bài hát nhắc đến cái chợ, nơi chốn xô bồ có vẻ không được thơ mộng lại không hề ít trong âm nhạc Việt Nam. Thậm chí, có thử liệt kê ra mới thấy nhiều bài hát cả lãng mạn lẫn tuyên truyền có không gian xuất xứ từ hoạt động ở chốn “eo sèo mặt nước buổi đò đông” này.
Nơi đông vui nhất, phồn hoa nhất trong xã hội Việt Nam từ xưa chính là chợ. - Ảnh: danvan.vn |
Nơi đông vui nhất, phồn hoa nhất trong xã hội Việt Nam từ xưa chính là chợ. Chỉ ở chợ người ta mới có điều kiện bộc lộ hết những trạng thái giao tiếp xã hội và những gì tươi ngon, đa dạng của nhân gian đều bày ra ở đấy.
Chẳng phải vô cớ mà kinh đô của nhiều triều đại mang những cái tên hoa mỹ hoặc tượng trưng như Thăng Long, Đông Đô hay Trung Đô, nhưng cái tên dân gian quen thuộc nhất vẫn là Kẻ Chợ, phản ánh vị thế khác biệt của đô thị này nhờ tính chất trung tâm giao thương của một đất nước lấy nông nghiệp làm hoạt động sản xuất chính.
Lẽ thường là chợ đã được ca dao, tục ngữ chọn làm không gian mô tả, ví von, cả những triết lý đạo đức hay huê tình. Bài hát xẩm “Hà thành ba sáu phố phường” bắt đầu bằng câu “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, đã trở thành một tiết mục quen thuộc trên những chuyến tàu điện thời trước, mà mọi ngả đều dẫn về khu phố chợ của Hà Nội xưa.
Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân
Tân nhạc ghi dấu ấn những tên chợ đầu tiên chính là bài hát về Hà Nội của Nguyễn Đình Thi – Người Hà Nội (1947). Bài hát là một hồi ức mãnh liệt về “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” đan xen những cung bậc náo nức về đời sống một đô thị náo nhiệt với những phố chợ tấp nập đời sống giao thương trước khi khói lửa chiến chinh bùng lên: “Hà Nội vui sao những cửa đầu ô, tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền, làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm. Sống vui phố hè, bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân…” Chợ Đồng Xuân xuất hiện trong những bài hát thời chiến tranh nổi bật khác như “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời, Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó. Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà…” (Sẽ về thủ đô - Huy Du, 1948) hay “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân…” (Bài ca Hà Nội - Vũ Thanh, 1967).
Tiểu thương chợ Đông Ba - Ảnh: Báo Thanh niên |
Địa danh đã thành nơi ký thác tình yêu quê hương, và những ngôi chợ có tên đã thành biểu tượng tâm tình: “Chợ Đông Ba khi mình qua, lá me bay, bay la đà, chiều thiết tha có anh bên mình, mà ngỡ hôm qua” (Mưa trên phố Huế - Minh Kỳ, thơ Tôn Nữ Thụy Khương), “Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé, chợ thêm đông chợ vui Bến Thành” (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh – Xuân Hồng), “Những phố phường tuổi thơ tôi vời vợi. Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ” (Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội – Nguyễn Cường). Những ngôi chợ có tên như “chợ Chờ em vẫn chờ ai” (tên bài hát của Huy Du, 1981), “chợ Thương, cái tên nghe đã thương rồi” (Chợ Thương – Đoàn Bổng), “Chợ tình Sa Pa” (tên bài hát của Phan Long, thơ Ly Hoàng Ly) cho đến những phiên chợ nổi miền Tây như Ninh Kiều (Chợ nổi miền Tây – Ngô Kỳ Vỹ) hay Cái Răng (Phiên chợ sông - Hoài An), tạo ra những khung cảnh đặc trưng cho dòng nhạc trữ tình quê hương.
Ở chợ Dầu có hàng cà phê
Nhưng bài hát không chỉ dừng ở mức độ có chữ “chợ” trong đó mà xa hơn là khắc họa đời sống sinh hoạt trong những nơi chốn con người gặp con người, là nơi mà dấu vết văn hóa xa xưa đã khiến chợ đóng vai trò những trung tâm giao lưu, lễ hội, nơi trai gái tình tự giao duyên. Trước hết ở đấy có những cô hàng nơi quán chợ đã trở thành đối tượng tâm tình của các nhạc sĩ: “Nhớ cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên kia sông Đuống – Hồ Bắc, thơ Hoàng Cầm, 1950) và nhất là chùm các bài hát về các cô hàng: Cô hàng hoa (Thẩm Oánh, 1947), Cô hàng cà phê (Canh Thân, 1948), Cô hàng nước (Vũ Minh, 1952), Mộng cô hàng (Ngọc Bích, 1948)… Trong các bài hát có những địa danh phần nhiều ước lệ, nên người nghe mặc nhiên nhập tâm cùng tác giả như chính họ đang trải qua trạng thái cảm xúc trữ tình: “Ở chợ Dầu có hàng cà phê, có một cô nàng be bé xinh xinh… Tôi kể rằng, đầu làng Ngũ Xá có nàng, một nàng bán nước chè xanh…” Bởi lẽ những cái chợ ở khắp nước Việt đều gần những làng quê, những phố thị, nơi luôn có những cô hàng xinh đẹp làm xiêu đình đổ quán các văn nhân nhạc sĩ.
Một vài giai thoại văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp liên quan những bài hát kể trên chính là những quán chợ lừng danh ở những vùng tản cư, nơi các anh chàng bộ đội hoạt động tuyên truyền văn nghệ qua lại. Chợ Đại Cống Thần ở vùng giáp ranh Ninh Bình – Hà Nam hay nhiều cái chợ dọc đường tản cư có những quán cà phê, quán phở gắn với những cô con gái ông bà chủ quán Thăng Long đã thành nàng thơ và hôn thê Thái Hằng của Phạm Duy trong những bài hát tình tứ Đêm xuân, Cành hoa trắng… hay cô Vân Yến, con một gia đình Hà Nội tản cư bán phở ở Thanh Hóa đã khiến nhạc sĩ Tu My viết bài Tan tác, vốn chẳng liên quan mấy đến khung cảnh chợ búa… Thậm chí có những cô hàng xinh đẹp đã thành nguyên mẫu cho vài bài hát nổi tiếng như Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh, 1947) cùng với Cô hàng cà phê (đã kể), Mộng chiều xuân (Ngọc Bích): “Đây khách ly hương mây thu vàng ấm, nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng…”.
Vui chân, vui chân ta cùng xuống chợ
Thời hiện đại, chợ tưởng chừng đang dần biến mất trong sự cạnh tranh của siêu thị, các hệ thống cửa hàng tiện ích khắp nơi, nhưng trong âm nhạc, chúng vẫn hiện diện như một cảm hứng trữ tình có phần còn sôi nổi hơn trước.
Những phiên chợ vùng cao chính là một nét nổi bật, có phần nhờ sự phát triển của giao thương miền xuôi với miền ngược, làn sóng đầu tư và nhất là du lịch, khi các nhà thực hành văn hóa nhận diện những hoạt động này là nơi phô bày bản sắc địa phương lôi cuốn nhất. Nếu như thời chiến tranh, những bài hát nổi tiếng như Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý, 1961) đưa ra thông điệp đấu tranh tư tưởng giữa việc “Cùng anh đi xuống chợ mà nàng ơi” với “Sớm mai bắn tập rồi sao”, thì giờ đây, đi xuống chợ là tìm tới niềm vui hò hẹn trong khung cảnh tưng bừng. Từ những bài như Chị Mai đi chợ (Lê Lan), Phiên chợ vùng cao (Phạm Tịnh) đến Chợ tình (Nguyễn Tài Tuệ), Gặp nhau trong rừng mơ (Bảo Chung), hay một bài nhạc Rap cũng mang tên Chợ tình (PB Nation, Hà Lê), lần lượt đưa ra những khía cạnh hồn nhiên, vô tư lự của tâm hồn nhiều nét hoang sơ: “Chợ lơ lửng, đàn môi giao duyên, vùng cao phiên chợ, nồi thắng cố sôi, vui quá…” và nhiều khi bộc lộ sự táo bạo, dí dỏm hiếm có:
Vui chân, vui chân ta cùng xuống chợ
Bướm trắng bay quanh bên những rừng mơ
Xuống chợ, xuống chợ, ngại ngùng gì hỡi em
Xuống chợ, xuống chợ, xuống chợ với em (ái là)
Chàng trai khôi ngô ghê!
Trong khi đó, những phiên chợ cổ truyền Bắc Bộ lại hiện diện nhiều hoài niệm, tiếc nuối những ký ức đã qua, phản chiếu tâm trạng tìm về những thứ đã làm nên bản sắc cộng đồng: “Ơi quê ta dầu sương dãi nắng. Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu. Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi...” (Về quê – Phó Đức Phương), “Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong, hàng cau dưới nắng trong lá trầu không. Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Ðông í a” (Chị tôi – Trần Tiến)… Cũng có những buổi chợ ở đô thị mang nét hiện đại gắn với sinh hoạt thị dân như “Ngày ta quen nhau em hay ra chợ, tìm mua hoa hồng đẹp nhất. Ngày ta yêu thương đưa nhau ra chợ, cùng chọn chung đóa hồng” (Khi ta xa nhau – Nguyễn Ngọc Thiện) hay chợ hoa Tết: “Đường hoa vào chợ Tết, phố thêm tưng bừng sắc hương” (Hoa xuân trên phố - Nguyễn Nam, thơ Lê Minh Quốc). Chợ còn để lại dấu vết văn hóa cho dù thực địa đã đổi thay.
Những bài hát tìm thấy ở những phiên chợ một niềm vui của đời sống con người gần gũi thiên nhiên, và cũng không đâu lan tỏa một cảm giác bình yên trong đời sống bằng chốn chợ búa. Mối bận tâm chung của cộng đồng từ những buổi chợ làm nên thói quen và từ đấy hình thành phong tục, văn hóa, để rồi thấm vào những lời hát, như những lời đưa duyên tình tứ nhất của một cộng đồng.