Như tin chúng tôi đã đưa, Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng Cục Điện ảnh, vừa diễn ra nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2018). Trải qua hành trình 65 năm với nhiều đóng góp nổi bật, ngành điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đang có những nỗ lực bứt phá, đặc biệt là xu hướng xây dựng điện ảnh Việt trở thành một phần của nền công nghiệp văn hóa. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam về vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung. |
PV: Thưa bà, khái niệm nền công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam với thế giới không còn xa lạ, nhưng ở Việt Nam thì thực tế mới chỉ bắt đầu…
Bà Lý Phương Dung: Từ những năm đầu của thế kỷ trước, trên thế giới, khái niệm công nghiệp điện ảnh đã xuất hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam cụm từ này vẫn chưa thực sự được nhận thức đầy đủ. Song nhìn vào việc sản xuất và phổ biến phim trên thế giới, soi rọi đến thực tế hoạt động của điện ảnh Việt Nam có thể thấy rằng, việc xây dựng điện ảnh trở thành một nền công nghiệp văn hóa đặc biệt, là xu hướng phát triển tất yếu của nghệ thuật điện ảnh.
Vấn đề này được hiện thực hóa ở Việt Nam như thế nào?
Bà Lý Phương Dung: Tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất (được tổ chức tháng 10/2010), Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh” và đã nhận được nhiều đóng góp quý báu của các nhà sản xuất và nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, một số nhà sản xuất phim thuộc quốc gia có nền công nghiệp văn hóa - điện ảnh phát triển như Hàn Quốc.
Ngay tại Hội thảo này, vấn đề đặt ra để xây dựng được một nền công nghiệp điện ảnh đó là phải xây dựng quy trình công nghiệp trong sản xuất và phổ biến phim ở cả ba lĩnh vực: nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế. Sở dĩ nói như vậy bởi vì, điện ảnh là ngành nghệ thuật gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ, nó đòi hỏi những khoản kinh phí lớn hơn rất nhiều so với việc làm ra một sản phẩm nghệ thuật khác.
Bởi thế, ngay sau khi thể nghiệm những buổi chiếu phim đầu tiên trên thế giới thành công, những nhà điện ảnh thời kỳ sơ khai trên thế giới đã nghĩ đến việc phải xây dựng điện ảnh như một ngành công nghiệp, mà những ứng dụng của công nghệ tiên tiến có ý nghĩa rất lớn trong sự hình thành và phát triển nền công nghiệp điện ảnh.
Tại Việt Nam vào đầu những năm 1990, một phong trào làm phim nội đã bùng lên mà thời điểm đó gọi là phim “mỳ ăn liền”. Có năm đã sản xuất được hơn 30 bộ phim truyện (năm 1992), dù chất lượng không cao, song đã tạo được làn sóng khán giả mạnh mẽ, đặc biệt là khán giả trẻ.
Năm 2006, với sự ra đời của Luật Điện ảnh và chính thức được thi hành từ 1/1/2007, các hoạt động điện ảnh hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh trong cơ chế thị trường đã xuất hiện trở lại với những tiêu chí mà các nền công nghiệp điện ảnh phát triển đã trải qua. Đó là sự xã hội hoá trong mọi lĩnh vực sản xuất và phổ biến phim, trong đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất, trong xuất nhập khẩu và quảng bá tác phẩm điện ảnh v.v…
Và tại LHPVN lần thứ 20 mới được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, khẩu hiệu của LHP là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn”. Tiêu chí này được hình thành xuất phát từ thực tế phát triển của điện ảnh Việt Nam và đây cũng là hướng phát triển tất yếu của nền điện ảnh của chúng ta.
Những số liệu thống kê nào có thể thấy sự phát triển này thưa bà?
Bà Lý Phương Dung: Những năm trở lại đây, nhìn vào số lượng phim Việt Nam được phát hành, nhìn vào số lượng phòng chiếu, số ghế tại các phòng chiếu, cụm rạp phát triển, và số lượng khán giả cũng tăng lên. Năm 2015 có 42 phim Việt Nam được sản xuất, năm 2016 là 41 phim, năm 2017 là 38 - ở đây tôi nói là phim điện ảnh chiếu rạp, so với năm 2012 chỉ có 25 phim. Mới chỉ trong 5 năm trở lại đây, số lượng phim đã tăng gần gấp đôi, thu hút rất nhiều khán giả.
Ngành điện ảnh Việt Nam đã kịp thời nắm bắt thời cơ trong đổi mới và hội nhập quốc tế, mạnh dạn đề xuất và tổ chức thực hiện những dự án sản xuất, phát hành phim theo mô hình xã hội hóa, đã có những thành công đáng khích lệ về ý nghĩa xã hội và giá trị kinh tế.
Năm 2017, cả nước có hơn 467 đơn vị sản xuất phim, 6 doanh nghiệp phát hành phim trong nước, 3 doanh nghiệp phát hành phim nước ngoài, 740 phòng chiếu phim hiện đại với hơn 111 nghìn ghế, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến xem phim và đạt doanh thu hơn 3 nghìn tỉ đồng. Đây là những số liệu mà chúng tôi đã có được từ thực tế khảo sát và các báo cáo đánh giá của các doanh nghiệp phát hành phim trong nước.
Những bước đi ban đầu này ở Việt Nam chắc chắn còn phải qua rất nhiều sự điều chỉnh, thay đổi, ngay cả trong Luật, để phù hợp với tiến trình phát triển chung của ngành, phải không thưa bà?
Bà Lý Phương Dung: Để có được một nền điện ảnh phát triển theo tiêu chuẩn một nền công nghiệp điện ảnh như một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới, điện ảnh Việt Nam cần có được những chính sách hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước để xây dựng hạ tầng cơ sở và đào tạo nhân lực chất lượng cao – đó là những hạng mục không những cần kinh phí rất lớn mà còn nằm trong tổng thể qui hoạch phát triển vĩ mô nền kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.
Điều này cũng được thể hiện trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Điện ảnh sau 10 năm thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với xu hướng và thực tế phát triển của ngành điện ảnh. Một số quy định của Luật Điện ảnh chưa bắt kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim.
Ví dụ, các quy định về sản xuất phim nhựa 35ly hoặc video, trong khi nền công nghiệp điện ảnh thế giới và thực tế ở Việt Nam từ nhiều năm nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số. Cùng đó là một số quy định khác trong Luật ĐIện ảnh cũng phải được sửa đổi, như chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Điều 5, chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị, chính sách đặc thù đối với các Đội chiếu phim lưu động; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị vv…
Cục điện ảnh cũng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật điện ảnh. Sau hội nghị, Cục Điện ảnh cũng đã báo cáo Bộ Văn hóa thế thao và du lịch, Đề án xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi đã được Cục Điện ảnh đăng ký trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuối năm 2018 này.
Xin trân trọng cảm ơn bà.