Chiều cuối năm trong gia đình người Việt

(VOV5) - Từ bao đời nay, buổi chiều cuối năm bao giờ cũng là khoảng thời gian thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam. Ở bất kì độ tuổi nào vẫn có cảm giác phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên với những người thân trong gia đình để cùng ôn lại những công việc của năm cũ, hướng về niềm vui, dự định trong năm mới.

Chiều cuối năm trong gia đình người Việt   - ảnh 1
Ảnh theo:phatgiao.org.vn


Nghe âm thanh tại đây:



Chiều 30 Tết có lẽ là lúc tập trung nhiều phong vị ngày Tết truyền thống nhất của người Việt Nam, có một chút gì đó bận rộn, có những giờ phút thong dong thư thả, có những lúc lắng đọng cảm xúc, khi cả gia đình sum họp, con cháu chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ,  cả gia đình bồi hồi nhớ lại những gì đã qua và cùng chờ đón năm mới     

 

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 30 Tết, các con cháu trong nhà ông Nguyễn Văn Bình ở làng Gia Thụy (nay thuộc Phường Gia Thụy, Quận Long Biên Hà Nội) lại tụ tập đông đủ để ra nghĩa trang làng chỉnh trang lại những ngôi mộ người thân, thắp nén hương thơm mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Đây là phong tục có từ nhiều đời nay ở hầu hết các gia đình Việt Nam, thể hiện lòng kính trọng đối với các bậc tiên tổ, đấng sinh thành, qua đó gắn kết thêm tình yêu thương giữa những người đang sống. Ông Nguyễn Văn Bình tâm sự: “Hàng năm cứ vào ngày cuối năm, thì tôi lại cho  các cháu đi thăm viếng mộ các cụ, dọn dẹp chỉnh trang các phần mộ rồi sau đó mời các cụ về ăn Tết cùng gia đình. Tôi cũng muốn dạy các cháu gìn giữ phong tục của cha ông, duy trì truyền thống gia đình mãi về sau”.  

 

Không khí tất bật, vui vẻ nhất trong các gia đình Việt Nam ngày cuối năm là lúc các mẹ, các chị lúi húi nấu nướng ở trong bếp chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết. Trong những dịp như thế này, các bà mẹ không quên hướng dẫn các cô con gái, con dâu trong nhà cách làm cỗ, bày biện những món ăn đặc trưng của ngày Tết theo truyền thống gia đình. Bà Vũ Thị Tình, cư dân làng Gia Thụy, cho biết: “Để chuẩn bị cho mâm cơm Tết cuối năm thì năm nào nhà tôi cũng có món bánh chưng, bánh đường cổ truyền dân tộc. Ngoài  ra nấu cổ Tết bao giờ cũng có canh măng, các món xào rồi nem rán…chỉ từng ấy việc thôi nhưng các con cháu cùng vui vẻ làm mâm cơm dâng cúng mời các cụ về ăn Tết”.

 

Trong khi phụ nữ tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng, thì đàn ông trong nhà lau dọn bàn thờ, bày biện lại cây cảnh, chuẩn bị rượu, trà dâng cúng tổ tiên. Trong ngày cuối năm, các bậc cao tuổi trong nhà là những người vui nhất, vì   hầu như tất cả con cháu đều trở về đông đủ. Dù không còn khỏe, nhưng cụ Vũ Thị Chất  rất vui khi được đón con cháu trong ngày Tết sum họp: "Ai mà lại không thích Tết, chứ tôi thì vui lắm. Ngày Tết các con cháu quây quần quanh tôi, tôi phấn khởi lắm" 

 

Mâm cỗ cúng chiều 30 bao giờ cũng là mâm cỗ thịnh soạn nhất trong năm. Mâm cỗ này trước là để dâng cúng tổ tiên, sau mới là bữa cơm sum họp gia đình. Những bữa cơm gia đình cuối năm còn chứa đựng giá trị tinh thần, củng cố tình thân, gắn kết gia đình. Mọi người tay bắt mặt mừng, cùng chia sẻ những thuận lợi khó khăn, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Bởi vậy ai cũng muốn mình có mặt ở nhà trong ngày cuối năm để được đằm mình vào không gian ngày Tết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác