(VOV5) - Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc.
Mâm cỗ truyền thống người Việt ngày Tết |
Hôm nay 14/1 (tức 23 tháng Chạp), cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm, người Việt lại chuẩn bị mua sắm lễ vật, chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo và phóng sinh cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của con người. Và hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình.
Chị Đào Lan Phương, một người dân Hà Nội, cho biết: "Để chuẩn bị Tết việc đầu tiên là làm lễ Ông Công, Ông Táo. Đó là với quan niệm mình thắp hương để Ông Công, Ông Táo báo cáo lên Trời những việc năm qua đã làm được. Mâm cúng Ông Công, Ông Táo truyền thống có giò, chả, nem, dưa hành muối, món rau xào, canh bóng thả, con gà… Thường người ta thả cá chép mang ra sông, hồ để thả. Thời gian thả trước 12h ngày 23 tháng Chạp để các quan đi báo cáo với Trời. Sau 23 tháng Chạp người ta xem ngày nào đẹp thì người ta sẽ bao sái bàn thờ tức là đưa hết những vàng tiền, đồ cũ hạ xuống bày đồ mới lên để đón năm mới".
Không ai biết chính xác tục cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận ngày nay, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ và trở thành một nét đẹp trong văn hóa ngày Tết.