(VOV5) - Ngày 28/1, tức ngày 23 tháng Chạp, theo phong tục cổ truyền, người dân Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo với mong muốn được xá tội trong năm cũ và bước sang một năm mới hạnh phúc và may mắn.
Phong tục thả cá ngày cúng ông Công, ông Táo - Ảnh: vov.vn |
Theo phong tục, lễ cúng ông Công, ông Táo thường đầy đủ các món mặn, món ngọt và không thể thiếu được trong lễ cúng là bộ cá chép sống 3 con và 3 bộ áo mũ ông Công ông Táo. Cá chép tiễn ông Công, ông Táo thường là cá chép vàng. Nếu không có cá chép sống có thể thay thế bằng cá chép giấy. Nhưng nhất thiết phải là cá chép, vì theo quan niệm dân gian, chỉ giống cá này mới có thể vượt vũ môn hóa rồng để đưa ông Công ông Táo về trời. Tuy nhiên việc sắm lễ cúng cũng không quá câu nệ, mỗi gia đình thường làm theo suy nghĩ và tấm lòng của mình.
Một vài người dân Hà Nội bày tỏ: “Cúng có đầy đủ gà, canh măng, bánh chưng, ngọt thì hoa quả, cá chép, có cả bộ ông Công , ông Táo.” “Chỉ cần cầu mong sức khỏe, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt.”
Quan niệm dân gian cho rằng lễ cúng ông Công, ông Táo phải kết thúc trước chính ngọ tức 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp để ông Táo kịp về trời trong ngày. Vì vậy hoạt động cúng lễ thường diễn ra rải rác từ ngày 20 tháng Chạp.