(VOV5) - Những người nước ngoài, dù đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng họ vẫn hiểu được các giá trị to lớn mà ngày Tết cổ truyền mang lại.
Tết Nguyên Đán không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt mà còn để lại trong lòng nhiều người nước ngoài ở Việt Nam những ấn tượng khó phai. Họ được sống trong không gian Tết cổ truyền của người Việt, tận hưởng không khí nô nức những ngày cận Tết và đặc biệt là cảm nhận được tình cảm gắn bó của các thành viên gia đình trong những ngày Xuân sum họp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với mỗi người dân Việt Nam, Tết cổ truyền mang ý nghĩa của sự đoàn viên, sum họp. Mọi người, sau một năm vất vả với những lo toan bộn bề của cuộc sống, sẽ cùng nhau quây quần bên gia đình và bạn bè.
Du khách nước ngoài tham quan đường hoa Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM
- Ảnh:Quang Định |
Những người nước ngoài, dù đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng họ vẫn hiểu được các giá trị to lớn mà ngày Tết cổ truyền mang lại. Với họ, việc được đón Tết Nguyên Đán là một trải nghiệm văn hóa mới mẻ và thích thú, giúp họ hiểu thêm về cuộc sống, về những phong tục, tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt. Chị Greta Kam, 26 tuổi, đến từ Lithuania, đã có 4 năm đón Tết tại Việt Nam. Những năm đầu, chị thường dành thời gian nghỉ Tết để đi du lịch Đà Nẵng, Đà Lạt và Nha Trang. Tuy nhiên, năm nay, chị đón Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh và được trải nghiệm kỳ nghỉ đặc biệt cùng một gia đình ở đây.
Với Greta, việc cả gia đình đoàn tụ, ngồi quây quần bên nồi bánh chưng và cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết là những điều rất thiêng liêng và ý nghĩa. Greta cũng thích được tận hưởng cảm giác thư thái khi ra đường vào những ngày Tết bởi phố xá vắng vẻ hơn ngày thường, không gian yên bình hơn.
Chị cũng rất hào hứng khi được nhận những phong bao lì xì may mắn, được cùng mọi người đi chúc Tết, đi chùa cầu may, tập viết thư pháp và đặc biệt là diện những tà áo dài rực rỡ dạo bước trên các cung đường xuân. "Tôi có 5 chiếc áo dài và tôi rất thích mặc chúng. Với tôi, chúng là những bộ trang phục rất đẹp, tạo nên nét nữ tính, dịu dàng và thanh lịch. Tôi luôn mặc nó vào dịp Tết.
Du khách nước ngoài tạo dáng với nón lá ở Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TPHCM hôm 15-1-2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Cách đây 4 năm, chị Kim Seo Jung (46 tuổi, người Hàn Quốc) lần đầu tiên đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Tết. Lúc đó, chị không biết tiếng Việt, không hiểu văn hóa Việt và cứ ngỡ mình sẽ đón một cái Tết xa nhà trong nỗi cô đơn. Tuy nhiên, những người bạn mới quen tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mời chị về nhà họ đón Tết cổ truyền. Chị cùng với các bạn đi lễ chùa, thưởng thức các món ăn truyền thống, đi chúc Tết và chừng ấy thôi cũng đủ để chị để cảm nhận được trọn vẹn không khí Tết. Theo chị, so với Hàn Quốc, ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam có nhiều hoạt động lễ hội và được trang hoàng rực rỡ hơn. Tuy nhiên, dù ở Việt Nam hay Hàn Quốc, Tết luôn là dịp để những người con xa xứ trở về, cùng gặp gỡ, sẻ chia những câu chuyện thú vị và mong ước cho một năm mới an lành.
Chính nhờ những tình cảm, sự chân thành của những người dân địa phương mà chị Kim Seo Jung luôn cảm thấy ấm áp và phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Lúc đó là buổi sáng Tết mà tôi quét nhà như ngày bình thường. Khi ấy, bà chủ kêu tôi vì hôm đó là ngày Tết không được quét nhà nhưng do không hiểu tiếng Việt nên tôi không biết. Mặc dù bị kêu nhưng tôi vẫn cảm thấy gia đình đối xử với tôi như một thành viên, rất thân thiết."
Đặc biệt, chị Kim Seo Jung rất ấn tượng khi vào những ngày cuối cùng của năm cũ, nhiều bạn sinh viên trong các trường Đại học tập trung đốt lửa, luộc bánh tét để đi làm từ thiện giúp đỡ những người nghèo có được một cái Tết no ấm. Với chị, việc làm đó rất ý nghĩa.
Khác với Greta Kam và Kim Seo Jung, năm nay là năm đầu tiên mà anh Macoi Cirilo (28 tuổi, đến từ Philippines) đón Tết ở Việt Nam. Mặc dù vậy, anh cũng đã nghe rất nhiều bạn bè kể về những trải nghiệm thú vị vào dịp Tết cổ truyền, về con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách.
Anh Macoi Cirilo hy vọng mình sẽ được đón một cái Tết vui vẻ, ấm cúng và tràn đầy màu sắc: "Tết năm nay, tôi mong đợi rất nhiều hoạt động thú vị như những bữa tiệc hay các lễ hội đường phố. Tôi và bạn mình lên kế hoạch đón Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi cũng rất muốn được đón Tết ở nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam."
Tết cổ truyền Việt Nam với bản sắc riêng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Qua đó, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, thân thiện và hiếu khách.