(VOV5) - Ở Việt nam có một phiên chợ đầu xuân mang lại niềm vui và sự may mắn cho cả kẻ mua và người bán, đó là chợ Viềng ở tỉnh Nam Định.
Chợ Viềng chỉ họp một phiên duy nhất trong năm, bắt đầu từ nửa đêm ngày mồng 7 đến rạng sáng mồng 8 tháng giêng. Điều đặc biệt là ở chợ cả người bán, người mua đều không tính đến lợi nhuận đắt, rẻ, mà chỉ mong“ mua được điều may” đầu năm mới. Chợ Viềng trở thành nét văn hoá đẹp trong đời sống người dân vùng đồng bằng Bắc bộ.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Từ chiều ngày mồng 7 Tết (6/2 dương lịch), từng đoàn người từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đổ về Nam Định để đi chơi chợ Viềng. Không rõ từ khi nào ở Nam Định hình thành 2 chợ Viềng, đó là chợ Viềng Phủ ở xã Kim Thái, thuộc huyện Vụ Bản và chợ Viềng Chùa, thị trấn Nam Giang, thuộc huyện Nam Trực. Trong ký ức của những người cao tuổi ở đây, chợ Viềng là chợ tự phát, họp một lần đầu năm và là cái cớ để trai gái các làng gặp nhau. Đi chợ Viềng đầu xuân, các chàng trai mong gặp được người con gái mà mình yêu và đã đi chợ thì ai cũng cố mua vài món hàng để đem cái may về nhà. Ông Nguyễn Tiến Dũng, người dân thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực kể: “ Chợ Viềng từ lâu giữ tính chất là chợ “mua may, bán đắt” cốt chỉ lấy cái may mắn chứ không tính chuyện đắt rẻ. Người ta mang các sản vật như khoai, lạc rau hay các đồ nông cụ địa phương ra chợ để trao đổi. Có những sản phẩm trao đổi không nhất thiết phải dùng tiền, người có mớ rau, người có cái xẻng, cái cuốc..đều có thể trao đổi với nhau và cũng không tính chênh lệch về giá trị vật chất... đấy là đặc điểm của chợ”
|
Chợ Viềng xuân ngập tràn màu sắc và đầy ý nghĩa. |
Theo truyền thuyết dân gian vào giờ Tý của đêm mồng 7 tháng giêng là thời điểm diễn ra sự trao đổi mua bán giữa người âm và người dương, do vậy đi chợ Viềng thì phải đi từ trước nửa đêm. Đặc biệt tại khu vực chợ Viềng Phủ có quần thể di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử theo truyền thuyết dân gian Việt nam. Trước khi đi chợ, nhiều người dân vào Đền thắp hương cầu được ban phúc lộc cho cả gia đình. Bà Nguyễn Thị An, người đi lễ chùa, cho biết: “ Nơi đẩy là thờ Mẫu Liễu Hạnh, ngài là vị thần Tứ bất tử và người sáng lập ra chợ Viềng này để con cháu đến mua đi chợ để cầu may, mua những thứ ở chợ về làm quà. Chợ có tính chất thánh thiện, mọi người dân đến đây đều mang tâm thiện để cầu cho quốc thái dân an, cầu cho đất nước được thanh bình”
Trong tâm thức của những người đi chợ đầu năm, mọi người dân đều bày tỏ nguyện ước năm mới gặp nhiều may mắn. Giữa đêm tối, đoàn người chen nhau đi chầm chậm trong ánh đèn đuốc lung linh, mùi hương trầm thoang thoảng khắp không gian, khiến những lời nguyện cầu của họ như thêm linh ứng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, cho biết thêm: “ Trước đây chợ Viềng cổ cách chùa Đại Bi khoảng 1 km theo đường cái quan, nhưng tiếng chuông chùa ngân vang vượt qua không gian của chợ Viềng. Tiếng chuông chùa khiến con người ta thức tỉnh, như được gột rửa tâm hồn để con người sống lành mạnh, sống tốt hơn làm theo đạo lý con người...”
|
Đông đảo du khách chọn mau cây cảnh đầu năm để lấy lộc. |
Ngoài chợ Viềng Phủ, chợ Viềng Chùa ở huyện Nam Trực, cách đó chừng 25 cây số có quy mô lớn hơn. Mặt hàng ở chợ Viềng Chùa không khác gì so với Viềng Phủ, đơn giản chỉ là những sản phẩm nông cụ như: lưỡi cày, cuốc, liềm, cái thúng, giần, sàng… hoặc là giống cây trồng, các loại cây cảnh, cây ăn trái…song nơi mua bán rộn ràng nhất lại là khu bày bán đồ cũ. Trên khu đất trống trước chùa Đại Bi, những tấm nylon trải dưới đất là la liệt những bộ đỉnh đồng, chân nến, những bộ ấm, chén bằng đồng, sứ, nậm rượu và cả cồng chiêng. Chủ, khách cứ người đứng kẻ ngồi hỏi han mua bán. Ông Nguyễn Công Hoàng, người nhiều năm đi chợ Viềng cho biết: có những người mang đồ ra chợ nhưng không cần bán mà chủ yếu trưng ra cho thiên hạ xem, khoe cho thiên hạ biết. Mặc dù có khi họ mất rất nhiều công sức, tiền bạc để vận chuyển những món đồ này đến chợ, nhưng người ta thích như thế. Đến chơi chợ Viềng, không thể bỏ qua món đặc sản thịt bê. Theo dân địa phương, trước đây người dân mang cả trâu bò ra chợ để trao đổi. Khi tan chợ nhiều người không đem về nữa mà giết thịt, chế biến thành các món ăn phục vụ khách đi chợ và ngày nay bê thui đã trở thành món đặc sản phục vụ người đi chơi chợ Viềng. Người xưa quan niệm loại thịt có màu đỏ, đồng nghĩa với sự may mắn.
Cuộc sống đi lên, lễ hội chợ Viềng ngày nay ngày càng đông đúc. Nhiều người quan niệm: đi chợ Viềng mà không mua được thứ gì coi như chưa lấy được lộc, chưa may mắn trong đầu năm mới. Bởi vậy khi tan chợ hầu như ai cũng có món quà đem về gia đình. Món quà được nhiều người ưa thích nhất vẫn là cây xanh. Với nhiều người, đem cây xanh về nhà đầu năm là đem niềm hạnh phúc, thanh bình trong ngày đầu xuân. /.