(VOV5) - Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt Nam lại được đắm mình vào không khí đón xuân mới với những phong tục tập quán từ ngàn đời. Thú chơi hoa xuân, du xuân đón Giao thừa, chúc Tết… tạo nên những nét đặc sắc và làm phong phú đời sống văn hóa dân tộc. Cho dù ngày nay có nhiều đổi thay, phong tục đón Tết một số nơi khác nhau, nhưng ý nghĩa ngày Tết vẫn vẹn nguyên trong tiềm thức, nếp sống của người dân Việt Nam.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Bước vào mùa xuân mới, người dân thủ đô Hà Nội đón Tết Ất Mùi ( Năm con dê) với nhiều niềm hứng khởi. Tết đến, hoa xuân đủ loại, nhiều màu sắc chảy nườm nượp khắp các ngả đường Hà Nội. Hoa và cây cảnh từ Huế, từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Đà Lạt, hoa ngoại nhập có đủ cả. Tuy nhiên với người Hà Nội, hoa đào vẫn là thứ không thể thiếu trong dịp Tết. Ông Nguyễn Đức Bình, một người dân Hà Nội, cho biết: “ Cành đào là tượng trưng cho mùa xuân và trong nhà có cành đào mới là ngày Tết. Nếu không có cành đào thì không nói lên được mùa xuân và cái Tết” .
Người Hà Nội nổi tiếng cầu kỳ trong chơi hoa, cây cảnh. Năm nay nhiều người tìm mua loại cây cảnh độc đáo có một không hai do ông Lê Đức Giáp, nông dân ở huyện Hoài Đức sáng tạo bằng việc lai ghép 9 loại quả trên một cây. Ông Lê Đức Giáp đã lai ghép thành công 9 loại quả khác nhau như: Phật Thủ, Bưởi, Cam, Quýt, Quất, Chanh Đào, Bưởi Đỏ , Cam Vinh và Bưởi Thơm trên một cây. Cách làm sáng tạo này đã tạo ra một cây cảnh lạ với nhiều màu sắc, hương thơm. Gần 200 cây trong vườn nhà ông từ trước Tết đã được đặt mua hết. Thế mới biết người Hà thành sành chơi như thế nào. Ông Lê Đức Giáp cho biết: “ Con số 9 là con số đẹp. Trên cây có 9 loại quả này rất phong phú về màu sắc, hình thức quả và cây cho nên tôi làm loại cây này phục vụ nhu cầu người chơi cây đẹp có tính nghệ thuật cao".
Chỉ là thú chơi hoa ngày Tết, nếu thủ đô Hà Nội là thành phố của hoa đào, thì thành phố Hồ Chí Minh là sắc của hoa mai vàng. Chơi mai tết giờ đã thành thứ không thể thiếu của người dân vùng đất phương Nam. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các chủ vườn thành phố Hồ Chí Minh đã vận chuyển hàng nghìn cây mai từ các tỉnh miền Trung về chăm sóc rồi mới cung ứng ra thị trường. Vậy là thành phố rực rỡ sắc mai vàng đúng dịp xuân sang. Anh Huỳnh Văn Minh ở Quận I, thành phố Hồ Chí Minh, tâm sự: Tết mà mình không có cây mai ở trong nhà thì không còn là Tết. Hồi xưa còn có pháo đỏ, bây giờ phải có cây hoa mai vàng mới ra ngày Tết.
Trang hoàng đường phố, tổ chức các lễ hội và đường hoa đón Tết, từ nhiều năm nay đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân đến tham quan, du xuân, đón giao thừa. Năm nay thành phố Hà Nội không tổ chức đường hoa, nhưng bù lại nhiều thảm hoa, đủ màu sắc được trang hoàng tại các khu phố và khu vực trung tâm. Mùa xuân nay, Thành phố cũng trang trí thêm nhiều đèn hoa rực rỡ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Ba Đình, các khu vực công cộng, đường giao thông chính. Cầu Nhật Tân, cây cầu dây văn lớn và đẹp nhất Đông Nam Á bắc qua sông Hồng vừa được đưa vào sử dụng cũng được trang trí hệ thống chiếu sáng trong đêm, khiến Hà Nội càng trở nên lung linh huyền ảo.
|
Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, các đường phố chính ở khu vực trung tâm, quảng trường, các toà nhà cao ốc, tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố đã được trang hoàng lộng lẫy bởi hàng triêụ chiếc chiếc đèn trang trí đủ màu sắc. Đường hoa ở thành phố Hồ Chí Minh năm nay được tổ chức trên đường Hàm Nghi (Quận I) với chủ đề “Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam”. Đường hoa lấy hình tượng những chú dê của năm con dê làm nguồn cảm hứng rồi tạo hình con đường hoa, suối hoa, sông hoa. Ông Trần Biển người dân phố Hồ Chí Minh, cho biết: " Ở đường hoa năm nay, những hình ảnh đậm nét sáng tạo qua bàn tay khéo léo của những nhân viên Saigontourist và các nghệ nhân tạo hình mang đến nhiều điều thú vị, tạo sự hứng thú cho đồng bào thưởng ngoạn. Đường hoa năm nay là đường hoa đẹp và thú vị, không phụ lòng mong mỏi của đông đảo đồng bào và du khách trong mùa Tết năm nay” .
Đêm giao thừa, các gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh thích cùng nhau dạo quanh trung tâm thành phố, gần đến nửa đêm thì đổ đến những điểm bắn pháo hoa để cùng nhau chiêm ngưỡng, tận hưởng khoảnh khắc chào đón năm mới. Trong khi đó ở Hà Nội, trong thời tiết se lạnh, nhiều gia đình muốn quây quần bên nhau ở nhà, cúng giao thừa, rồi cùng chúc nhau bước sang tuổi mới đúng lúc loạt pháo hoa đầu tiên bay lên bầu trời. Khung cảnh ấy khiến cho tiết xuân Hà Nội như có gì đó đậm đà, cổ kính và lãng mạn hơn.
Ở Việt Nam, mùa xuân là mùa của những lễ hội. Mỗi lễ hội, mỗi thú chơi dân gian đều làm nên bản sắc văn hoá riêng cho từng vùng, miền. Vui Tết đón xuân là vẻ đẹp truyền thống gắn với hơi thở của thời đại. Chính vì thế Tết cổ truyền mãi là thời điểm hạnh phúc sum vầy của mỗi gia đình Việt nam. /.